Làng gốm phù sa sông Mê Kông có dấu hiệu hồi sinh

Dùng gốm đỏ - dòng gốm duy nhất được làm từ phù sa sông Mê Kông để xây nhà, ông Nguyễn Văn Buôl - một nghệ nhân có gần 30 năm theo nghề đã nhen nhóm khát vọng hồi sinh gốm đỏ. Xây một ngôi nhà từ tình yêu với gốm không chỉ là sự thấu hiểu gốm, mà còn là niềm hy vọng vào sự trường tồn của nghệ thuật gốm phù sa qua lửa đồng bằng.

Sản phẩm thủ công gốm đỏ trong một xưởng chế tác gốm tại Vĩnh Long. Ảnh: TTH

Sản phẩm thủ công gốm đỏ trong một xưởng chế tác gốm tại Vĩnh Long. Ảnh: TTH

Ông Nguyễn Văn Buôl, ở TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xây ngôi nhà đặc biệt này trong bối cảnh nghề gốm đỏ của Vĩnh Long bên dòng sông Cổ Chiên đang mai một dần. Những nghệ nhân như ông, mặc dù yêu gốm như cuộc đời, như máu thịt, nhưng sản xuất gốm không có thị trường thì không thể phát triển làng nghề sản xuất quy mô lớn được. Mặt khác, ông Nguyễn Văn Buôl lại là một nghệ nhân có thú chơi đồ cổ, ưa thích kiến trúc giả cổ và là người hiểu biết lịch sử văn hóa Nam bộ.

Ông cho hay, những căn nhà cổ kiểu miền Nam 2 gian 3 chái có sân vườn đặc biệt phù hợp với gốm đỏ. Nếu khéo léo ứng dụng vật liệu gốm đỏ trong kiến trúc truyền thống, không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn tạo ra cơ hội hồi sinh nghề gốm đỏ. Chỉ cần ông chứng minh được gốm đỏ dùng vào trang trí nội thất và xây dựng rất có thẩm mỹ và tính ứng dụng cao.

Ông Buôl và các cộng sự của mình đã tự thiết kế ngôi nhà kiểu cổ Nam bộ 300m2 dạng cột kèo hoa văn rất đặc trưng. Các bình phong và cột nhà là gốm nung nhồi bê tông bên trong rất chắc chắn. Hoa văn trong căn nhà là những cảnh sinh hoạt đời thường ở Nam bộ, hằn chứa trong trái tim của bất cứ người dân đồng bằng nào. Từ hình chim, cá, khỉ, cảnh con cháu quây quần, quết bánh phòng ngày tết, chơi xuân, ông bà con cháu sum vầy... Điều đặt biệt nhất trong việc dựng ngôi nhà là bằng chất liệu xây dựng trang trí gốm đỏ toàn bộ, các nghệ nhân thoải mái sáng tạo, chỉnh trang và đưa ngôi nhà theo ý mình, lưu giữ ký ức của gia đình, đồng thời, chứng minh rằng, từ tài nguyên phù sa mà vùng đất phú cho con người ở đây hoàn toàn có thể tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có tính bền vững, trở thành vô giá cho đời sau.

Trước ông Buôl, có nhiều gia đình nhiều đời làm gốm cũng xót xa trước sự mai một của nghề, của nghệ thuật gốm trang trí làm từ đất phù sa, nhưng không có ai đủ lực và đủ khát vọng như ông.

Sản phẩm gốm đỏ vốn là thăng hoa kỳ diệu của vùng làm gạch nổi tiếng Mang Thít, Long Hồ, cuối lưu vực sông Cửu Long mới chỉ vài chục năm gần đây. Hiện nay, ở khu vực này vẫn còn nhiều ngôi chùa dùng gốm đỏ phù sa để xây dựng. Gặp nước, những cột gốm đỏ rực lên màu nước sông Cửu Long, lưu lại một nét văn hóa rất thú vị của miền cửa sông. Nhưng cũng vì màu đỏ rất đặc trưng của đất qua lửa đó, gốm đỏ dần sa sút, khó ứng dụng, không thể cạnh tranh được với các vật liệu khác trong chế tác sản phẩm tượng gốm, hàng hóa gia dụng, trang trí, gốm trang trí, gạch trang trí dùng trong xây dựng. Giờ đây, làng gốm đỏ bên bờ sông Cổ Chiên dần thu hẹp lại quy mô sản xuất. Các nghệ nhân tượng gốm đỏ vốn rất khéo léo bỏ nghề dần, các ông chủ lò gốm vùng Mang Thít, Long Hồ chuyển qua nuôi cá rô đầu vuông, nuôi lươn, đầu tư nông nghiệp ít vốn mà lời hơn đánh cược với nghề.

Gốm Vĩnh Long là dòng gốm đỏ phủ một lớp muội đất mỏng như phấn trắng mang nặng đặc trưng đất qua lửa từ phù sa của dòng Cửu Long là loại gốm độc nhất ở nước ta. Khác với sản phẩm gốm vuốt tay của các làng nghề gốm khác, gốm đỏ Vĩnh Long đúc bằng khuôn thạch cao và được tính toán sao cho khi nung xong, kích thước của sản phẩm co lại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Một điều thú vị khác là gốm Vĩnh Long được đốt bằng trấu. Nhóm thợ danh giá nhất là thợ kỹ thuật đốt lò trấu. Họ nhìn sản phẩm rồi tính toán được làm sao cho nung gốm vừa chín, chỗ nào lửa nhỏ thì thêm, chỗ nào lửa hỗn phải chèn thêm ngói sống để che bớt. Phải đốt trấu sao cho nhiệt độ lên dần tới 900 độ C, nếu không đủ nhiệt lượng, phải thêm phụ gia vào lò để tăng nhiệt.

Cả vùng Long Hồ, Mang Thít đã từng dày đặc hàng ngàn lò gốm đỏ lửa giờ đây có dấu hiệu được hồi sinh trở lại vì những suy nghĩ tích cực cũng như sự tìm tòi sáng tạo trong ứng dụng như nghệ nhân Nguyễn Văn Buôl.

Tuy nhiên, những năm qua, làng gốm sản xuất theo đơn đặt hàng cho các công trình xây dựng ở nước ngoài và triệt tiêu dần sự sáng tạo. Một số nghệ nhân đã từng đau đáu với câu hỏi: Tại sao những kiến trúc châu Âu có thể dùng gốm Vĩnh Long trong trang trí và xây dựng nhà cửa công trình, nhưng trên chính quê hương của gốm đỏ thì không ai làm thế để tôn vinh và trưng trổ tài hoa của nghệ nhân, để quảng bá hình ảnh và đốt lại niềm nhiệt huyết cho các lò gốm.

Châu thổ sông Mê Kông ban tặng cho Vĩnh Long dải đất ruộng của huyện Mang Thít nơi đâu cũng có thể lật lên làm gốm. Gập ghềnh thăng trầm của gốm Cổ Chiên âu cũng là bài học của bất cứ làng nghề nào muốn phát triển bền vững và lâu dài.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-gom-phu-sa-song-me-kong-co-dau-hieu-hoi-sinh/