Làng gốm nghìn năm đất kinh thành

Từng là làng gốm nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa, trải bao thăng trầm, có giai đoạn tưởng chừng bị quên lãng, nhưng với tâm huyết của những người con mảnh đất này, nghề gốm Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội) dần được khôi phục. Giờ đây, sản phẩm gốm sứ Kim Lan, theo những chuyến xe xuôi ngược, đã đến với mọi miền đất nước. Ðau đáu với nghề cổ truyền của cha ông, gốm Kim Lan đang nỗ lực tìm lại danh tiếng một thuở...

Hồi sinh làng gốm cổ

Anh Nguyễn Hoàng Tùng, cán bộ văn hóa xã Kim Lan dẫn chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Việt Hồng, một trong những người có công đầu khôi phục và phát triển nghề gốm sứ Kim Lan. Cụ Hồng bảo, tuổi đã cao, trí nhớ kém đi nhiều, nhưng những gì liên quan đến nghề gốm truyền thống của làng thì vẫn như tạc trong tâm trí cụ. Cũng dễ hiểu, bởi phần lớn cuộc đời, cụ đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, cùng các chuyên gia và chính quyền địa phương khôi phục, hồi sinh dòng gốm sứ cổ vốn thất truyền từ cách đây gần hai thế kỷ.

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, hai bờ sông Hồng liên tục hứng chịu những đợt sạt lở lớn. Sau mỗi đợt sạt lở ấy, người dân Kim Lan nhặt được những mảnh, những đồ vật bằng gốm sứ, nhiều chiếc còn khá nguyên vẹn. Chúng đã nằm sâu dưới đất suốt hàng thế kỷ, bị vùi lấp bởi nhiều tầng bồi đắp của phù sa sông Hồng sau những “cuộc bể dâu”... “Khi đó, tôi là cán bộ của một hợp tác xã chuyên sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng mới về hưu, cũng tò mò ra bờ sông nhặt các mảnh gốm xem thử. Ban đầu, tôi cũng như nhiều người dân ở đây chỉ nghĩ, những mảnh gốm này là gốm Bát Tràng còn sót lại. Nhưng xem kỹ, với con mắt của người trong nghề, tôi nhận ra xương gốm, nước men của những đồ gốm sứ ở đây có kỹ thuật nung rất lạ, khác hẳn những nơi khác. Các sản phẩm cũng có đặc trưng riêng. Một số mảnh gốm còn sót lại có ghi niên đại từ thời nhà Lý, nhà Lê, nhà Nguyễn. Những phát hiện đó đã thôi thúc tôi tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn. Cũng từ đó, manh mối về làng gốm sứ cổ dần dần xuất hiện...”, cụ Nguyễn Việt Hồng nhớ lại.

Lần giở những tài liệu, sử sách, cụ Hồng cho biết, làng gốm Kim Lan có từ khoảng thế kỷ thứ 7, và trở nên hưng thịnh vào thời nhà Lý, nhà Trần. Ngày ấy, làng Kim Lan được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều mỏ đất sét trắng (cao lanh), là nguyên liệu chính để sản xuất gốm sứ. Những khối đất qua bàn tay của nhiều người thợ lành nghề, đã trở thành những sản phẩm hảo hạng. Tiếng lành đồn xa, Kim Lan trở thành trung tâm cung cấp vật liệu cho kinh thành Thăng Long, là nơi sản xuất hầu hết đồ dùng sinh hoạt, trang trí bằng gốm sứ cho hoàng cung và người dân. Theo kết quả ba lần khai quật (các năm 2001 - 2003), các nhà khảo cổ đã đưa ra kết luận: Thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề gốm sứ ở Kim Lan là vào khoảng thế kỷ 13 - 14. Thời này, gốm sứ Kim Lan còn được bán sang tận In-đô-nê-xi-a và Nhật Bản. Gốm Kim Lan từng được coi là một trong những mặt hàng cao cấp, xa xỉ nhất, với sắc thái giản dị cùng vẻ đẹp tao nhã. Ðến khoảng cuối thế kỷ 18, nguồn cao lanh trong làng cạn kiệt. Không còn nguyên liệu sản xuất, những lò gốm dần nguội lạnh. Người dân nơi đây buộc phải tìm kế sinh nhai mới. Thay thế cho những lò nung gốm đêm ngày đỏ lửa là những vườn dâu, ruộng lúa. Những lò gốm cuối cùng mục nát, hòa cùng đất bụi. Những sản phẩm còn sót lại thì khuất chìm trong phù sa bồi lắng của sông Hồng suốt hàng trăm năm. Ðến cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, chẳng ai còn biết rằng Kim Lan ngày xưa vốn là làng gốm sứ nức tiếng đất kinh kỳ...

Sau thông tin có nhiều cổ vật gốm sứ được tìm thấy ở làng Kim Lan, các chuyên gia khảo cổ trong nước và nước ngoài đã về đây, phối hợp với cụ Hồng để tìm kiếm, nghiên cứu. Qua những dấu tích được phát hiện, từng kỹ thuật làm gốm, làm men từ cổ xưa được khôi phục bằng công nghệ hiện đại. Cụ Hồng và những người cao tuổi trong làng tiên phong khôi phục làng nghề. Trong giai đoạn 1980-1990, thanh niên trong làng ý thức được trách nhiệm khôi phục làng gốm sứ cổ truyền và kéo nhau đi học nghề. Nguồn cao lanh ở làng không còn, dân làng tìm mua ở nhiều địa phương khác miền bắc. Cả làng đồng lòng, đồng sức. Làng gốm Kim Lan trở mình phát triển. Sản phẩm được nhiều người tìm mua, phục vụ cuộc sống hằng ngày, như: chén, bát, bình, vại, chậu cảnh, lư hương,…

Nghệ nhân Phạm Văn Nguyên xúc động kể: “Hồi đó, tôi còn bé, đúng lúc làng nghề đang trong những bước đầu tiên khôi phục. Không khí lao động hăng say. Người lớn lấm lem, trộn đất, nặn gốm. Ðám trẻ xúm xít chung quanh để học nghề... Làng gốm Kim Lan phát triển như bây giờ nhờ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu thịt của cả một thế hệ người dân ở đây.

Vẽ hoa văn lên sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ. Ảnh: MỘC LAN

Trăn trở câu chuyện thương hiệu

Giờ đây, đến xã Kim Lan, điều đầu tiên đập vào mắt du khách là cảnh người xe nườm nượp. Họ là những thương lái đến từ khắp nơi trong cả nước, vào từng nhà ngắm nghía, lựa chọn các lô sản phẩm gốm sứ Kim Lan, rồi đóng gói chuyển đi tiêu thụ khắp nơi. Trong làng, lò gốm của hàng trăm gia đình đêm ngày đỏ lửa. Xương gốm được tạo hình, được phơi, rồi vẽ hoa văn và phủ men... phơi đầy ở những mảnh sân nhỏ. Luôn tay, luôn chân để kịp giao hàng lên các chuyến xe chờ sẵn bên ngoài, nhưng những người thợ ở đây rất xởi lởi và niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. Họ yêu đất, yêu nghề và biết ơn gốm sứ. Bởi từ mấy chục năm nay, đất, gốm sứ đã trở thành kế sinh nhai cho các thế hệ người dân Kim Lan.

Năm 2013, Bảo tàng gốm sứ Kim Lan là bảo tàng cấp xã đầu tiên của cả nước ra đời, trưng bày các sản phẩm gốm cổ được khai quật ngay tại mảnh đất này, giúp du khách hiểu hơn về gốm sứ cổ Kim Lan. Tuy vậy, những người làm nghề và chính quyền địa phương vẫn còn nhiều trăn trở. Dẫn chúng tôi đi thăm các lò gốm đang tất bật sản xuất, anh Nguyễn Hoàng Tùng chia sẻ: “Bây giờ, vấn đề không còn nằm ở đầu ra cho sản phẩm, mà là ở nghịch lý: gốm sứ Kim Lan đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nhắc đến cái tên Kim Lan, rất ít người biết”.

Thực tế là, người dân Kim Lan vẫn chỉ loanh quanh với những sản phẩm bình dân, sử dụng cho cuộc sống hằng ngày. Còn nếu sản xuất những sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ tinh xảo, bỏ nhiều công sức, có giá thành cao thì rất khó cạnh tranh với các thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường.

Là chủ một lò gốm sứ mỹ nghệ, chuyên sản xuất những sản phẩm tinh xảo ở xã Kim Lan, nghệ nhân Phạm Văn Nguyên cho biết, để sản phẩm gốm đặc sắc của Kim Lan vượt lên, chiếm lĩnh thị trường là điều không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Nhưng ít nhiều, những sản phẩm gốm sứ đẹp, tinh xảo của Kim Lan đã được một số khách hàng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập cao cho những người thợ gốm thật sự có “hoa” tay. Công việc của một người nghệ nhân là phải làm sao để hòn đất thô mộc trở nên “biết nói, biết kể” về những câu chuyện dân dã, gắn liền với đời sống hằng ngày. Ðó là yếu tố quyết định để khách hàng tìm đến với gốm sứ mỹ nghệ. “Có lẽ, do gen di truyền từ thời tiên tổ, ngày nay, ở Kim Lan không thiếu thợ giỏi, không ít nghệ nhân tài hoa, nhưng chúng tôi vẫn đang phải trăn trở với câu chuyện thương hiệu. Bao giờ gốm sứ Kim Lan đăng ký thương hiệu thành công, thì làng gốm mới trở lại hào quang nức tiếng đất kinh kỳ...”, nghệ nhân Phạm Văn Nguyên chia sẻ.

Có lẽ, người trăn trở nhất với câu chuyện thương hiệu gốm Kim Lan vẫn là cụ Nguyễn Việt Hồng. Cụ bảo, thành tựu lớn nhất của cuộc đời cụ là cùng với người làng và các chuyên gia khôi phục được làng gốm truyền thống. Nhưng cái kết trọn vẹn nhất để khi cụ nhắm mắt xuôi tay có lẽ là việc “Kim Lan” sẽ trở thành cái tên ghi đậm trong tâm trí người dân khắp cả nước, trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các gia đình khi chọn mua đồ gốm sứ.

Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan Ðào Việt Bình cho biết, làng gốm Kim Lan được công nhận nhãn hiệu tập thể gốm sứ Kim Lan năm 2014. Toàn xã hiện có hơn 300 hộ gắn bó với nghề gốm truyền thống. Các hộ đều tâm huyết, mong muốn thúc đẩy sự phát triển của gốm sứ. Tuy nhiên, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn. Làng chưa có chợ hay trung tâm giới thiệu sản phẩm có quy mô lớn để giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đang có tâm lý đua nhau làm các mặt hàng bình dân, dễ bán mà chưa đầu tư vào các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo cho phân khúc thị trường khó tính, khiến sản phẩm làm ra quá nhiều, cung vượt cầu dẫn đến mất giá. “Ðể phát triển một làng nghề truyền thống cần cả quá trình dài, cần sự chung tay của cả người dân, chính quyền xã Kim Lan và sự quan tâm của các ngành chức năng. Có như vậy, gốm sứ Kim Lan mới thật sự phát triển vững chắc”, ông Ðào Việt Bình chia sẻ.

Hoàng Ðức Nhã

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/36366202-lang-gom-nghin-nam-dat-kinh-thanh.html