Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á: 'Sắc màu' dần bị mai một

Tương truyền, từ hàng trăm năm trước, phụ nữ trong làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được vị tổ sư tên Poklong Chanh truyền dạy nghề. Giờ, nghề làm gốm thủ công Bàu Trúc được cho là cổ xưa nhất Đông Nam Á. Thời điểm hưng thịnh, cả làng đều làm nghề gốm, nhưng nay chỉ còn 30% số hộ dân gắn bó với nghề và tỉ lệ này đang có xu hướng giảm dần. Làng nghề truyền thống này đang dần mai một và có ít người trẻ theo đuổi học làm gốm hơn.

Các sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi làm xong có màu đỏ tự nhiên của đất hoặc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, thể hiện đặc trưng của nền văn hóa Chăm-Pa.

Gốm Chăm Bàu Trúc đẹp từ đôi bàn tay

Đã nhiều năm, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông Chăm luôn gắn bó với nghề làm gốm truyền thống này. Kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc được gọi với cái tên rất dân dã là “làm bằng tay, xoay bằng mông”. Xem qua, tưởng chừng rất dễ làm, nhưng nếu không được học và rèn luyện thì khó mà làm được. Người không biết nghề chỉ đi vài vòng quanh khối đất sét được đặt trên một cái gọi là trụ kê để nặn sản phẩm sẽ dễ bị hoa mắt chóng mặt, người khỏe có thể đi được nhiều vòng, nhưng không thể nặn được sản phẩm như mong muốn.

Người dân ở làng gốm cho biết: Đất gốm Bàu Trúc không làm bàn xoay được, vì khi đặt khối đất sét lên bàn xoay, dường như đất dính chặt vào bàn xoay. Do đó, để làm được một sản phẩm gốm Bàu Trúc hoàn hảo, các nghệ nhân hay người thợ chỉ có cách làm truyền thống là phải tay nặn, mình xoay. Du khách đến tham quan rất thích thú với hình ảnh các nghệ nhân ở Bàu Trúc làm gốm không máy móc, không bàn xoay, nhưng vẫn làm ra những sản phẩm gốm mộc mạc nhưng rất tinh tế được hòa quyện giữa cái hồn của đất với hơi thở cuộc sống ở làng Chăm.

Bằng kỹ thuật thủ công hoàn toàn, gốm Bàu Trúc được ngợi ca như một sản phẩm “ấm bàn tay con người” nhất, với đặc trưng riêng, đậm nét văn hóa Chăm, không lẫn với gốm nơi khác. Những người thợ sau khi lấy đất sét về mang phơi khô rồi đập nhỏ. Trước khi nặn gốm, người thợ phải đào hố ủ đất qua đêm với một lượng nước vừa đủ. Sáng hôm sau đem đất đã ủ trộn với cát mịn rồi nhào thật nhuyễn. Phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay.

Sau khi tạo dáng, gốm thô được phơi nắng 4 đến 6 giờ, rồi dùng mảnh sành hoặc cật tre để làm bóng. Khi phơi khô, gốm mộc được xếp đan xen với rơm và củi khô, nung lộ thiên trong một ngày, với nhiệt độ từ 500 - 600 độ C. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc sau khi làm xong có màu đỏ tự nhiên của đất hoặc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, thể hiện đặc trưng của nền văn hóa Chăm Pa. Cũng vì thế mà các nghệ nhân của làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm khác nhau theo nhu cầu thị trường và theo đơn đặt hàng của khách hàng.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan đã có thâm niên trên 50 năm làm gốm cho hay: Ở đây nữ thường chế tác các sản phẩm thiên về các loại bình; còn đối với nam thì chế tác làm tháp, phù điêu. Đây là quy định “bất di bất dịch” của tổ tiên để lại. “Từ năm 2000 trở lại đây, ngoài các vật dụng thiết yếu trong đời sống thường ngày như: Ấm đất, nồi đất, khuôn đổ bánh canh, bánh xèo... thì làng gốm Bàu Trúc còn cho ra đời các sản phẩm gốm mỹ nghệ nổi tiếng như tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy... Hiện tại, gia đình tôi cũng cố gắng sản xuất hàng mỹ nghệ kết hợp với hàng truyền thống để níu chân du khách cũng như truyền lại cho thế hệ sau tiếp tục phát huy nghề làm gốm này” - bà Phan chia sẻ.

Những ngày sắp diễn ra lễ hội Katê năm 2018, làng nghề gốm Bàu Trúc đã có đông đảo du khách đến tham quan. Chị Nguyễn Thị Mơ, du khách đến từ tỉnh Bình Định thổ lộ: Tôi đã đi tham quan rất là nhiều xưởng làm gốm nhưng mà đến đây, thì tôi mới thấy cái kiểu làm gốm rất đặc biệt. Ở mọi nơi người ta thường dùng cái bàn xoay, có thể là đạp chân cho bàn xoay nó xoay và tay đặt lên đất để tạo hình. Nghệ nhân, làm sản phẩm gốm bằng cách đi vòng tròn để tạo hình cho sản phẩm. Đây đúng là một kiểu rất độc đáo mà tôi chưa từng thấy bao giờ.

Kỹ thuật làm gốm Bàu Trúc được gọi với cái tên rất dân dã là “làm bằng tay, xoay bằng mông”.

Sắc màu gốm đứng trước nguy cơ dần mai một

Những năm qua, nghề gốm ở làng Bàu Trúc phát triển khá mạnh. Năm 2011, Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc đã được thành lập với 26 xã viên. Cùng với đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng hệ thống đường điện, đường giao thông, nhà trưng bày sản phẩm khang trang... tại làng gốm Bàu Trúc. Thế nhưng, cũng như bao làng nghề trên cả nước, làng nghề Bàu Trúc cũng đang dần bị mai một.

Làng gốm Chăm Bàu Trúc, hiện có khoảng 500 hộ dân, nhưng chỉ còn 30% số hộ tham gia làm gốm, điều mà nhiều người trăn trở là con số này đang có nguy cơ giảm dần. Tại các cơ sở sản xuất gốm trong làng đang gặp khó khăn nhất là vốn và đầu ra cho sản phẩm. “Không những vậy, vào năm 2014, địa phương đã đầu tư một lò nung gốm cho HTX và cái lò nung còn lại cho người dân để phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, nhưng không hiểu sao lại đặt tại nhà nghệ nhân Đàng Xem, làng Bàu Trúc”. Một số hộ làm gốm không đồng ý và muốn di dời cái lò nung đặt tại nhà nghệ nhân Đàng Xem ra nơi khác, để người dân thuận tiện nung gốm.

Những năm trước, chính quyền địa phương có tạo điều kiện cho các hộ dân làm gốm vay 10 triệu đồng/hộ/năm. Khi các hộ dân thanh toán xong lại được vay tiếp. Nhưng những năm trở lại đây thì không được vay nữa. Nhìn về những sản phẩm mà mình đã làm đặt trên kệ gỗ, nghệ nhân Đàng Thị Phan thở dài: Hiện nay, người tham gia làm gốm trong làng thì chỉ còn chủ yếu là những người tuổi cao; lớp trẻ học và làm gốm rất ít. Bởi, làm gốm rất vất vả đòi hỏi sự tỉ mỉ cũng như khéo tay, với lại thu nhập từ làm gốm rất thấp, do đó mà nhiều người trẻ lại không mặn mà lắm.

Ông Phú Minh Thuần - Giám đốc HTX gốm Bàu Trúc lo lắng: Sau khi nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017, thì phải nói rằng vấn đề truyền thông mạnh hơn và người dân ở đây đã cố gắng duy trì nghề gốm. Nhưng, nhiều năm qua HTX và các cơ sở gốm không chỉ đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm, mà các công nhân làm ở đây cũng ngày càng “già hóa”. Thời gian tới, cần sự quan tâm của Nhà nước để huy động được nhân lực trẻ, nhiệt huyết và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, mới phát triển cho làng gốm Bàu Trúc.

Khả Như

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/lang-gom-co-nhat-dong-nam-a-sac-mau-dan-bi-mai-mot-635782.ldo