Làng 'giời đày'

Nhà tôi tiện đường, hễ mở mắt là thấy cảnh người người đến chờ xe. Mẹ tôi than, sống cận lộ khổ quá, suốt ngày nhà rung như đứng trên bùn.

Đã thế còn phải nghe bao nhiêu chuyện của đám người làm thuê tứ chiếng, mặt mũi luôn hớt hải, toàn chuyện đơm đặt, vô lý đến tàn nhẫn.

Thì như chuyện o Kiên bỗng trở về sau mười hai năm bị lừa bán ra nước ngoài nửa tháng nay làm cả làng rộn rạo. Mỗi sáng, mẹ tôi bảo, đám đàn bà lẫn đàn ông đứng chờ xe không ngớt gánh chuyện đó đổ vào tai nhau. Họ bàn, vì sao trong đám con gái bị lừa mười mấy năm trước tới nay chỉ mỗi o Kiên được về? Mà ngày về da thịt o đổi thay phúng phính, áo quần lượt là, vàng đeo đầy các ngón? Đã thế, o đâu về một mình, o về cùng anh chồng ngoại béo núc, bụng dạ không đoán được…

“Đấy, mày xem, nhà mình nay thành cái chợ mà không cần con vịt nào”, mẹ tôi thở dài rồi nha nhẩn kể. Chuyện o Kiên bị lừa bán ra nước ngoài mười hai năm trước tôi biết, vì năm đó chị gái tôi cũng suýt đi theo, may mắn làm sao ở phút cuối chị quyết định Nam tiến, vào Sài Gòn làm công nhân da giày, thế là thoát. Còn o Kiên thì bặt tín bao nhiêu năm bỗng thình lình trở về, cùng một anh chồng ngoại.

“Cả làng non tháng nay sống trong ngờ vực. Họ bàn tán trước nhà mình chán chê rồi kéo nhau lên “Phây” bàn tiếp. Người ta thi nhau chia sẻ bài báo “Từng là nạn nhân, quay về lừa người thân ra nước ngoài” rồi gắn chuyện o Kiên vào đó”. Mà này, mày học báo chí, thế bài báo đó là thực hay hư?”. Mẹ hỏi khi tôi vẫn còn ngẩn ngơ lục tìm ký ức hình ảnh của o Kiên.

Tôi trả lời, việc báo đăng là thật, còn chuyện o Kiên thì chưa hẳn, vì từ ngày về o đã lừa ai đâu. Mẹ tôi thở dài bảo, “Vậy thì tội cho o Kiên thật”. Vì tuần trước o làm mấy mâm cơm “hương vị mới” ra mắt làng nhưng không dám đụng đũa. Trong đám tha nhân vẫn thường đứng đón xe trước cửa nhà tôi có người kể với mẹ rằng, họ thử xúc mỗi món một thìa, lén thả xuống gầm bàn cho mèo xơi trước. “Làm thế chắc ăn, biết đâu trong những món lạ ấy trộn thứ quái quỷ gì, nuốt vô là cứ thế để người lôi đi”.

Thôi kệ, chuyện đời nước chảy bèo trôi, người ta lại quên nhanh ấy mà. Nhưng cái đám người “giời đày” vẫn ngày ngày mang chuyện tới trước ngõ. Mẹ tôi lại kể, họ đã bàn khuyên gia đình bảo o Kiên bỏ phắt thằng chồng ngoại đi. Cơ mà lạ, o Kiên cứng đầu mãi, o bảo người ta cũng như người mình, có tốt có xấu, đời o may mắn gặp được “quân tử”, thương o thật lòng.

O Kiên cùng chồng bay đi trước dự định. Mẹ tôi trong một phút nào đó bà phát hiện cái làng này đích thị bị “giời đày”, bởi bao nhiêu năm vẫn không thoát khỏi thứ định kiến cầu bơ cầu bất của những kẻ cả đời chỉ thích bỏ đồng đi làm mướn.

Chiều nay, tôi đứng đợi xe bus để về thành phố, chợt nhớ quê đến ngẩn ngơ. Lại mường tượng về con đường trước nhà ngày nối ngày xe vẫn nườm nượp chạy, ở đó không biết bao giờ ngớt những câu chuyện đời nhàm nhí.

ĐẶNG ĐỨC LỘC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/lang-gioi-day-642823.ldo