Làng Gia Rai trong phố

Tự bao đời nay, mỗi làng quê Việt Nam nói chung hay làng Tây Nguyên nói riêng đều khác đô thị, là dẫu có phát triển đến đâu vẫn cần giữ cái hồn, cái bản sắc làng. Hình ảnh làng quê luôn trong tâm trí để cho mỗi người phải thương, phải nhớ, dẫu có xa xôi nghìn trùng nhưng vẫn cứ đau đáu, tìm mọi cách để về.

Biểu diễn cồng chiêng tại khu ẩm thực Ba Zan, làng Chuết, TP Plây Cu (Gia Lai).

Chuết là một làng người dân tộc Gia Rai nằm ở vùng ven thành phố Plây Cu (Gia Lai). Ngày xưa thì có vẻ xa xôi, nhưng bây giờ thì lọt thỏm hẳn trong phố với khu ẩm thực Ba Zan nổi tiếng được khách du lịch trong nước và ngoài nước biết đến, bởi “tiếng lành” về ẩm thực và văn hóa Tây Nguyên bình dị, đặc sắc.

Chủ nhân nhà hàng này là vợ chồng Ksor Thức, Ksor H’Oanh, cùng là người Gia Rai. Gia đình Ksor Thức ở làng Chuết đã mấy đời; anh dạy mỹ thuật tại Trường tiểu học Chu Văn An trong thành phố Plây Cu. Là một giáo viên cần mẫn, hát rất hay chơi đàn rất giỏi, đã từng đi biểu diễn nhiều nơi từ hồi còn là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Chị Ksor H’Oanh học Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Gia Lai, chuyên ngành thanh nhạc, đã từng đoạt nhiều huy chương, giải thưởng trong các cuộc thi, giờ là nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai. Điều kiện kinh tế gia đình tương đối, nhưng hai vợ chồng thấy thương dân trong làng thường phải đi làm thuê xa, theo ngày trong cuộc sống mưu sinh, phập phù về thu nhập khi “phố lan vào làng”. Những bản sắc dân tộc phai nhạt, từ cồng chiêng, ghè, ché cho đến áo váy, thậm chí cả những điệu múa, bài hát dân tộc mình cũng ít có dịp dùng đến. Làng thành phố, nhưng lại vẫn phải là làng. Đó là ý tưởng thôi thúc hai vợ chồng phải làm một cái gì đó, để có thể giữ được bản sắc Gia Rai, vì nó là máu thịt mình. Đó cũng là ý tưởng ban đầu để có được khu ẩm thực Ba Zan bây giờ. Đầu tiên là cái nhà sàn của gia đình được cải tạo thành chỗ... ngồi, ngồi xếp bằng trên sàn. Gà trong vườn, rau trong rẫy, rượu ghè làm lấy, bảo đảm ngon và sạch. Các món ăn Gia Rai được chính tay hai vợ chồng chế biến. Nguyên vật liệu được đặt cho chính dân ở các làng Gia Rai cung cấp. Nào là lá mì hái trong rẫy, ớt kiến, muối kiến, lá é, lá teng neng, cà đắng... Ban đầu lác đác khách đến, rồi sau cứ đông dần, nhất là những buổi chiều cuối tuần, bởi họ đến đây mới thấy chất Tây Nguyên thật sự. Phải về làng, giữa cái sàn nhà thân thuộc, bãi cỏ mượt mà, cây nêu gắn bó, đống lửa huyền thoại kia... rượu cần cao nguyên mới là rượu, mới lên hết men của nó! Rồi nhu cầu tăng dần, Ba Zan có hẳn một đội chiêng, đội xoang phục vụ du khách. Từ căn nhà sàn vốn là nhà ở được cải tạo, giờ khu ẩm thực mở rộng như một cái làng thu nhỏ. Giữa là sân, có nơi dành cho chiêng và xoang, nơi đốt lửa, chung quanh là nhiều ngôi nhà sàn bao quanh, có thể chứa một lúc hàng trăm khách. Vợ chồng Thức, H’Oanh thổ lộ, mục đích không chỉ là kinh doanh, mà là giữ lại làng. Làng với tất cả phần hồn tinh túy độc đáo của nó. Bởi từng làng hết sức khác nhau, người sinh ra ở làng như con sinh ra từ mẹ, không thể có làng thứ hai, không thể thương nhớ làng thứ hai như thế. Làng chứa trong nó những bí ẩn riêng mà làng khác không có, nó làm nên ký ức làng. Và ký ức con người gắn với ký ức làng. Giữ lại “hồn ngôi làng Chuết” là ước mơ của vợ chồng Thức.

Gần như toàn bộ dân làng được huy động về đây, làm tất cả mọi việc từ nấu bếp, quản lý, kế toán thủ quỹ, phục vụ… Nhưng quan trọng là còn khôi phục và duy trì được đội chiêng và đội xoang của làng. Người dân tộc Tây Nguyên nói chung, Gia Rai nói riêng vốn có năng khiếu âm nhạc. Vấn đề là biết khơi gợi đúng khả năng tiềm ẩn giúp họ phát huy, đặt họ vào đúng môi trường và tạo điều kiện cho họ. Ksor Thức cho biết, ở Ba Zan có khoảng hơn 20 nhân viên làm việc thường xuyên với tổng cộng mức lương trả họ khoảng 80 triệu đồng/tháng; bốn nhà chuyên làm rượu ghè, chặt nứa... toàn con cái anh em trong làng. Đội cồng chiêng giao hoạt động riêng, theo đặt hàng của khách... Ksor Thức cho biết: “Vợ chồng tôi rất biết ơn bà con trong làng, vì có họ Ba Zan mới tồn tại và phát triển; ngược lại công việc ở đây cũng giúp họ có thu nhập để trang trải cuộc sống”.

Làng trong phố. Mục tiêu ấy được nhiều đô thị đặt ra khi sự phát triển đang ở ngưỡng nóng, nhưng rất khó thực hiện. Có thể là không chủ ý, nhưng khu ẩm thực Ba Zan của vợ chồng người Gia Rai Ksor Thức và Ksor H’Oanh đã làm nên một điểm nhấn đẹp trong lòng thành phố Plây Cu đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Những vẻ đẹp đặc trưng một thời của thành phố cao nguyên như những con dốc, sương mù và thông xanh đang có nguy cơ biến mất. May mắn thay, vẫn còn đó làng Chuết và trong ấy là “làng ẩm thực Ba Zan” với những món ẩm thực và thể hiện nghệ thuật đặc trưng Gia Rai. Đây là một cách để các làng Tây Nguyên phát triển mà không bị mất bản sắc, giúp người dân ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất của cha ông mình.

Làng Chuết tuy chưa thật quy mô bằng một số mô hình làng du lịch khác, nhưng mang lại hy vọng, từ đốm lửa này, đến ngày nào đấy, thành phố Plây Cu sẽ có một hệ thống làng trong phố, gắn với phố, mở ra một sự phát triển mới dựa trên đúng đặc trưng, bản sắc của mình, do chính những con người bản địa sáng tạo và làm chủ. Cái quan trọng là, dẫu phát triển, nhưng vẫn còn những ngôi làng đúng nghĩa, vẹn nguyên, không hư hao bản sắc. Và những khu phục vụ ẩm thực, nghệ thuật truyền thống như Ba Zan trở thành hạt nhân của những ngôi làng giữa bạt ngàn phố. Nơi ấy, bản sắc văn hóa, linh hồn làng, sức sống dân tộc được bảo tồn. Để đôi khi, giữa phố phường náo nhiệt, ta có chỗ tìm về.

VĂN CÔNG HÙNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/37458102-lang-gia-rai-trong-pho.html