Làng du lịch cộng đồng trên vùng cao Sông Hinh

Từ thành phố Tuy Hòa, sau 1 giờ 30 phút chạy xe máy, vượt 60km trên con đường nhựa băng qua những triền đồi, dốc cao, chúng tôi đến với buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Đây là buôn làng của cộng đồng người Ê Đê, cũng là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám phá văn hóa các dân tộc khi đến với Phú Yên.

Các cô gái Ê Đê của buôn Lê Diêm duyên dáng trong điệu nhảy a rap. Ảnh: P. Oanh

Dấu ấn văn hóa truyền thống

Những cung đường bê tông nối tiếp, chạy giữa những dãy nhà sàn đang ẩn mình trong màu xanh cây trái, đưa tôi đến với ngôi nhà dài, nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương. Buôn Lê Diêm đang tất bật cho sự kiện Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc lần thứ IX năm 2016 của tỉnh Phú Yên sắp diễn ra với cả trăm đoàn khách đến thăm buôn làng. Giữa muôn cờ hoa, pa nô, các tấm biển trang trí nhiều sắc màu, không khí ngày hội trên vùng cao này càng về chiều càng trở nên tưng bừng, nhộn nhịp bởi những âm thanh chập cheng của giàn cồng chiêng. Nhiều nam, nữ thanh niên trong những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống luôn nở nụ cười rạng rỡ, vui tươi đón chào du khách.

Đêm xuống nhanh, những nghệ nhân cồng chiêng và đội múa xoan đã tề tựu đông đủ trước nhà dài. Khi ngọn lửa khai hội bùng lên cũng là lúc các chàng trai, cô gái Ê Đê duyên dáng bước ra sân. Tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm, lục lạc, xập xèng hòa quyện vào nhau, tạo thành những âm thanh rộn rã, ngân xa. Ché rượu cần được mở ra, những cô gái Ê Đê trong trang phục thổ cẩm truyền thống cúi xuống vít cần, mời rượu du khách đến với buôn làng. Những giờ phút ban đầu e ngại qua nhanh. Chốc lát, dường như hơi lửa và men rượu ấm nồng đã ngấm vào huyết mạch, cả du khách và chủ nhà cùng nắm chặt tay nhau dập dìu trong điệu nhảy a ráp. Mọi người cùng kết nối tạo thành một vòng xoan lễ hội và chìm vào những giai điệu núi rừng để cùng hướng về nguồn cội văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc vùng cao này.

Bày tỏ niềm tự hào trước ngày hội của buôn làng, Ma Hồng, Trưởng buôn Lê Diêm cho hay, diễn tấu cồng chiêng là nghệ thuật luôn xuất hiện trong các chương trình lễ hội hay các buổi biểu diễn phục vụ du khách đến với buôn Lê Diêm. "Với khả năng diễn tấu điêu luyện của các nghệ nhân, tiếng chiêng như kết nối, làm cho những con người xa lạ trở nên gần gũi nhau hơn. Khi tiếng chiêng vang lên, mọi khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, sắc tộc... như tan biến, chỉ còn lại tình người ấm áp, thân thiện" - Ma Hồng khẳng định.

Cũng theo Ma Hồng, trong hàng chục loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào Ê Đê ở buôn Lê Diêm, nếu nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và điệu múa xoan làm say lòng người miền xuôi thì nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật điêu khắc hay kể sử thi còn làm cho nhiều du khách không khỏi ngẩn người trước sự tài hoa của đồng bào địa phương. Đặc biệt, lối làm rượu ché bằng men truyền thống và các món ẩm thực với ớt xanh cay nồng rất hấp dẫn, khiến du khách khi về xuôi luôn thấy nhớ để rồi mong có dịp trở lại với buôn làng.

Ông Trưởng buôn cũng bộc bạch, thức ăn được người dân buôn Lê Diêm chế biến theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đơn giản nhưng hương vị đậm đà. Nhiều món ăn khá phổ biến như thịt bò, thịt gà nướng với muối ớt sả, canh lá sắn nấu với thịt bò phơi nắng, hay bông đu đủ đực nấu với cá sốc sông Ba... "Món canh được coi là đặc sản số 1 ở vùng cao này là canh bồi được nấu từ hàng chục loại rau cùng măng tươi. Người ta đem rau giã với gạo rồi thả vào nồi nước măng, khi chín, canh đông đặc lại. Canh này ăn với cơm nóng có chút muối ớt xanh thì ngon tuyệt " - ông Ma Hồng giải thích thêm.

Sau một ngày dạo quanh buôn làng, chúng tôi đến thăm nhà Oi Thao và được ông chiêu đãi một bữa cơm gạo lúa rẫy ăn với thịt bò nướng, chấm muối ớt kiến vàng và canh bồi. Sau bữa cơm, Oi Thao còn cho chúng tôi thưởng thức rượu ché do chính tay vợ ông bốc bằng men truyền thống, nguyên liệu làm men lấy từ núi Hòn Cồ. Màu rượu sẫm như mật ong, thơm lựng, nồng cay. Oi Thao tự tin bộc bạch, từ khi được huyện chọn buôn Lê Diêm làm khu du lịch, hễ có đoàn du khách nào về với địa phương, ông cũng sẵn sàng nấu những bữa ăn đậm đà hương vị của buôn làng để mời du khách.

Bảo tồn văn hóa

Buôn Lê Diêm có 160 hộ là đồng bào dân tộc Ê Đê. Cư dân ở đây không chỉ nổi tiếng cần cù, giỏi giang trong lao động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mà còn là những nghệ nhân tài hoa trong các lĩnh vực âm nhạc, hát múa, điêu khắc, văn học dân gian truyền miệng… Có thể thấy điều này qua kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc được lưu truyền qua các thế hệ nơi đây.

Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sông Hinh, buôn Lê Diêm là nơi được tỉnh lựa chọn đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng của địa phương. Đây cũng là buôn làng đầu tiên ở huyện miền núi Sông Hinh được công nhận buôn văn hóa. "Cán bộ và bà con nơi đây đã ý thức được niềm vinh dự của buôn làng nên luôn nhắc nhở con cháu gìn giữ phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Điều đáng quý, cư dân ở đây rất hiếu khách và biết chiều lòng du khách khi đến với buôn làng".

Ông Quyền cho biết, để duy trì bản sắc văn hóa và các nghề truyền thống hướng tới phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, địa phương đã lựa chọn các gia đình tiêu biểu tham gia những mô hình văn hóa, câu lạc bộ nghề truyền thống để truyền dạy cho các em tuổi từ 12-14 trở thành lớp kế cận. Hiện buôn Lê Diêm đã thành lập một câu lạc bộ cồng chiêng và múa xoan với gần 30 "diễn viên". Hội phụ nữ cũng đứng ra vận động các bà, các mẹ phục hồi nghề dệt thổ cẩm truyền thống, dạy con cháu trong buôn cách ủ rượu cần bằng men lá, vỏ cây rừng. Cán bộ thôn buôn thường xuyên kêu gọi bà con nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trong khuôn viên nhà, đường sá, nơi công cộng.

"Việc xây dựng buôn văn hóa, du lịch Lê Diêm nhằm tạo điểm nhấn để phát triển du lịch ở huyện Sông Hinh. Đồng thời với thế mạnh từ khai thác du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, việc giới thiệu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê sẽ tạo thêm những hấp lực riêng thu hút du khách. Tất cả hội đủ điều kiện làm nên một thương hiệu du lịch cộng đồng ở vùng cao của tỉnh Phú Yên". Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Để nâng cao kỹ năng biểu diễn nghệ thuật, hàng năm, buôn làng cũng duy trì các đội tham gia hội thao văn hóa các dân tộc ở Sông Hinh như lễ hội đua thuyền truyền thống, liên hoan cồng chiêng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra, những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong đám cưới, lễ bỏ mả, lễ cúng nhà mới, lễ cúng vòng đời, lễ đâm trâu, lễ cấp sắc... cũng được giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ và sẵn sàng giới thiệu với du khách.

Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cũng cho biết, ngoài tài nguyên sẵn có, với vị trí của mình, Sông Hinh có mối liên hệ vùng khá tốt với các điểm có tiềm năng du lịch. Điều này sẽ tạo nên những tour du lịch liên hoàn hấp dẫn. Vì thế, trong quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020 đã chỉ rõ, Sông Hinh là trung tâm của không gian du lịch miền núi phía Tây Nam Phú Yên. Hướng khai thác và sản phẩm du lịch chủ yếu của Sông Hinh sẽ là du lịch sinh thái rừng và văn hóa bản địa.

Nhiều năm qua, cùng với việc từng bước đầu tư để hình thành kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, xây dựng các tuyến điểm du lịch sinh thái tự nhiên, huyện Sông Hinh còn triển khai thực hiện có hiệu quả đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-du-lich-cong-dong-tren-vung-cao-song-hinh/