Lắng đọng không gian văn hóa Cơ Tu

Biễu diễn nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu.

Biễu diễn nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu.

Sáng 12-4, UBND H. Hòa Vang (Đà Nẵng) phối hợp với DNTN Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) tổ chức khai mạc Hội trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ Tu với sự tham dự của 16 nghệ nhân đến từ các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) và H. Hòa Vang. Với chủ đề “Lắng đọng văn hóa người Cơ Tu”, hội trại diễn ra trong thời gian 15 ngày, dự kiến mỗi nghệ nhân tham gia sáng tác 3 tác phẩm điêu khắc là tượng người, tượng động vật, tượng nhà mồ hoặc phù điêu con người trong sản xuất, đời sống hàng ngày, săn bắt thú rừng… Sau khi kết thúc trao giải, toàn bộ tượng sẽ được trưng bày tại Khu du lịch sinh thái Suối Hoa cho khách tham quan. Tham dự hội trại có nghệ nhân Bhriu Pố (70 tuổi, xã Lăng, H. Tây Giang) - người gắn bó lâu đời với loại nghệ thuật tạo hình này. Những Nhà gươl ở vùng cao đều có bóng dáng, ý tưởng của ông. Ông tự tay chạm khắc hoặc thiết kế, vẽ mẫu rồi hướng dẫn cho các nghệ nhân trẻ, trai tráng trong làng thực hiện. Điều đặc biệt là tác phẩm điêu khắc của ông đã đến nhiều nơi trong nước, giới thiệu cho nhiều người biết về nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình. Ông đã tham gia nhiều cuộc thi, trại điêu khắc gỗ dân gian tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Có thể nói, được sống với đồng bào Cơ Tu trong không khí hội trại, cùng với việc biểu diễn các loại nhạc cụ, các điệu múa “Tung tung, ya yá”, “Mừng lúa mới”… mang hơi thở, nhịp sống đặc trưng của người dân miền núi, chúng tôi hiểu rằng, các cấp chính quyền đang nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Và, qua bàn tay, khối óc của các nghệ nhân, những thớ gỗ vô tri sẽ được hóa thân thành những tượng người, tượng linh vật, tượng thần linh sông núi. Với những nhát gọt, đẽo không cầu kỳ về đường nét, song các bức tranh, tượng gỗ đều phản ánh được nhân sinh quan về vũ trụ, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt và lao động sản xuất. Bằng khả năng quan sát thực tiễn và tiếp nối truyền thống, từ chất liệu nguyên sơ của núi rừng, các nghệ nhân Cơ Tu sẽ tạo nên những tác phẩm mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_204810_lang-dong-khong-gian-van-hoa-co-tu.aspx