Làng dệt thổ cẩm Công Dồn của người Cơ Tu ở Quảng Nam

Công Dồn, được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu của tỉnh Quảng Nam. Trải qua hàng thế kỷ tồn tại, từ những chiếc áo, váy, khố… được làm từ vỏ cây rừng, nghề dệt thủ công Công Dồn ngày nay vẫn được duy trì phát triển trong cộng đồng.

Một góc làng dệt thổ cẩm Công Dồn vào những năm 2000.

Một góc làng dệt thổ cẩm Công Dồn vào những năm 2000.

Trong ký ức của những năm 2000, khi lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến vùng đất nằm trên thượng nguồn của dòng sông Bung huyền thoại này. Khi ấy, muốn vào được Công Dồn không có con đường nào khác là đi bộ từ Chà Val (Trung tâm cụm xã vùng cao của huyện Nam Giang), trải theo con đường độc đạo và cần phải vượt chặng đường dài chừng hơn 10km với đồi dốc quanh co lổn nhổn đất, đá, một bên là vực sâu, một bên núi cao và mất hơn 5 tiếng đồng hồ đi bộ đường rừng. Nhưng nay, con đường từ Chà Val (Trung tâm cụm xã vùng cao của huyện Nam Giang) đến xã Zuôih đã được thảm nhựa phẳng lỳ và chỉ mất chừng 30 đi bằng xe máy theo con đường vào công trình Thủy điện Sông Bung 4 là có thể đến được Công Dồn.

Khi chúng tôi đến nơi, những ánh nắng vàng trải rộng trên vùng biên này vừa vụt tắt, cũng là lúc một màn đêm đã bao trùm lên Công Dồn với bốn bề núi bao quanh. Từ xa, nhà nào cũng đã lần lượt lên đèn, tạo Công Dồn như một phố núi huyền ảo. Và khác hẳn với những gì chúng tôi nghĩ. Một Công Dồn sau 10 năm ấy, đó là sự thay da đổi thịt ở vùng đất khi điện lưới quốc gia, nước sạch tới từng hộ gia đình, hệ thống trạm y tế, trường học, đường giao thông nông thôn trải dài khắp xóm đã được đầu tư. Người Cơ Tu Công Dồn sống khá tập trung. Nhà ở gần như quần cư nhau, tạo một vòng tròn với nhà xây, mái lợp tôn, có nhà làm theo kiểu nhà sàn truyền thống với mái lợp lá nón, lá mây hoặc lá tranh. Chính giữa có ngôi nhà chung (gươl), là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của cộng đồng, nơi sinh hoạt văn hóa, nơi vui chơi của trẻ em chung của làng. Tất cả, tạo nên một Công Dồn trên vùng biên yên lành.

Đàn ông Cơtu làng Công Dồn trong trang phục vỏ cây.

Công Dồn, được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu của tỉnh Quảng Nam. Trải qua hàng thế kỷ tồn tại, từ những chiếc áo, váy, khố… được làm từ vỏ cây rừng, nghề dệt thủ công Công Dồn ngày nay vẫn được duy trì phát triển trong cộng đồng. Với 159 hộ với khoảng 398 nhân khẩu, thì đã có tới 120 thợ dệt, đầy kinh nghiệm gắn bó lâu năm bên khung dệt. Ngoài việc lên nương làm rẫy, bà con nơi đây vẫn bảo tồn và duy trì được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đến Công Dồn, du khách sẽ tận mắt chứng kiến những người phụ nữ lớn tuổi đến những thiếu nữ Cơ Tu cần mẫn luồn từng sợi chỉ dệt thổ cẩm, có khi mất cả tháng mới xong. Phụ nữ Cơ Tu làng Công Dồn thì ai cũng biết trồng cây bông để kéo sợi và dệt vải.

Những ngày lưu lại Công Dồn, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm thổ cẩm kỳ công, được tận mắt, tận tay trải nghiệm quá trình dệt. Mỗi sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu làng Công Dồn, không những có giá trị về mặt kinh tế mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình. Với người Cơ Tu làng Công Dồn, từ khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên những tấm aduông (tấm dồ); áo (adoóh); áo choàng (adây); áo chữ X (chrơ gul/chrơ peng); khố của đàn ông (h’giăl), khố của thanh niên Cơ Tu (g’hul); váy ngắn (ơ réch) của phụ nữ lớn tuổi, váy dài (cơ dơ ớch) của thiếu nữ và trẻ em gái Cơ Tu, tấm đắp, trang phục trẻ em và những khăn trùm đầu; tấm địu con (aduông kon); túi thổ cẩm (chơ dhung); yếm (xờ nát) của người già và những phụ nữ Cơ Tu lớn tuổi; túp lều bằng tấm htút (g’nâu bh’muối) thổ cẩm xinh đẹp...

Trang phục thổ cẩm làng Công Dồn luôn đồng hành trong lễ hội truyền thống của làng.

Nhiều phụ nữ lớn tuổi, hằng ngày vẫn cùng con cháu trong làng đến nhà gươl để dệt vải. Và khi người con gái Cơ Tu làng Công Dồn lớn lên, cũng như trước khi đi lấy chồng luôn được bà, mẹ dạy cho cách se vải, nhuộm màu, bày cách trồng bông dệt vải, quay sợi, các thao tác về dệt. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của làng để người thợ dệt gửi gắm tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.

Chính vì vậy, ngày 12/8/2014, trong phiên họp Hội đồng Di sản Quốc gia lần thứ VII, thì nghề dệt thổ cẩm làng Công Dồn đã được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đây không chỉ là niềm tự hào của bà con dân tộc Cơ Tu mà niềm vinh dự chung của các tộc người đang sinh sống trên dải đại ngàn Trường Sơn và đồng thời mở hướng trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu.

Công đoạn thu hoạch bông, đến công đoạn bật bông, se bông, kéo sợi và dệt thổ cẩm ở làng Côn Dồn.

Có dịp đến Quảng Nam, bạn không nên bỏ qua một chuyến để về thăm làng dệt thổ cẩm Công Dồn, mà ở đó còn nhiều thứ để bạn tha hồ mà trải nghiệm và khám phá.

(Baodulich.net.vn)

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/lang-det-tho-cam-cong-don-cua-nguoi-co-tu-o-quang-nam-127193.html