Làng dát vàng Kiêu Kỵ 400 năm: Công phu có 'một không hai' khi tạo sản phẩm

Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực 'lướt' quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách, người thợ phải tập trung cao độ, chỉ cần lơ đãng một chút là búa quỳ sẽ đập vào ngón tay ngay lập tức.

Chỉ có đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ mới làm được nghề này. Ảnh vietnamplus.vn

Chỉ có đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ mới làm được nghề này. Ảnh vietnamplus.vn

Kiêu Kỵ là làng nghề truyền thống thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc xưa, làng duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ, nay thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội). Theo sử sách ghi lại, nghề dát vàng quỳ có từ 400 năm trước dưới thời Hậu Lê. Thuở ấy, có ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên – Liễu Trai – Hải Dương học rộng, tài cao được cử đi xứ bên Trung Quốc. Khi sang đó, ông học được nghề dát vàng bạc để sơn son thếp vàng các đồ thờ cúng và hoành phi câu đối sau mang về truyền dạy cho dân làng Kiêu Kỵ.

Sau này, ông được tôn xưng làm Tổ sư nghề và chọn ngày mất của ông là giày giỗ tổ. Vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, làng vào đám, mở hội nghề khai xuân và lễ cúng tổ nghề. Dân làng từ khắp nơi nô nức về quê tham gia lễ hội.

Đến Kiêu Kỵ hôm nay, từ xa đã nghe tiếng âm vang khúc nhạc đập quỳ khoan mau, vang qua lũy tre làng, trải trên các cánh đồng suốt ngày không dứt. Không chỉ riêng tại làng, người Kiêu Kỵ còn đem theo nghề của mình đi khắp các vùng, miền trên đất nước như: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Huế… lập nghiệp. Có lẽ, quê hương Kiêu Kỵ mới có nhiều người mang nghề đi lập nghiệp bốn phương trời như thế. Vào ngày 12 tháng giêng âm lịch, làng vào đám, mở hội nghề khai xuân và lễ cúng tổ nghề. Dân làng từ khắp nơi nô nức về quê tham gia lễ hội.

Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải khéo tay, kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiêc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực “lướt” quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách, người thợ phải tập trung cao độ, chỉ cần lơ đãng một chút là búa quỳ sẽ đập vào ngón tây ngay lập tức.

Người thợ dát vàng quỳ ở Kiêu Kỵ, chỉ cần 1 chỉ vàng có thể đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2, điều mà chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả ngành công nghiệp dát vàng hàng đầu trên thế giới như Anh, Nhật Bản…

Quy trình sản xuất dát vàng bạc trải qua 3 khâu chính: làm quỳ mới, đập diệp và làm quỳ cũ sau đó mới thếp lên sản phẩm. Trong làm quỳ mới lại có khâu làm mực và làm giấy giống, giấy làm giấy giống làm từ giấy dó được người làng cẩn thận lựa chọn từ những làng nghề làm giấy truyền thống như Yên Thái mới đảm bảo độ dai và mang lại độ sáng bóng cho quỳ vàng

Để có một vàng quỳ, người thợ phải đập khoảng 1 giờ đồng hồ liên tục, tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi ở trong màn, vì chỉ cần vô ý thở mạnh, vàng cũng đã bay tứ tung.

Khi sử dụng, người thợ sẽ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc bằng mảng tre vát mỏng để dát vàng lên các sản phẩm; họa sỹ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài. Chính vì vậy mà cho đến ngày nay, làng Kiêu Kỵ vẫn là một làng duy nhất ở nước ta làm nghề này, vì vậy mà làng nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ có thể nói đây là một làng nghề quý nhất ở Việt Nam.

Trước đây và ngày nay, các họa sỹ trang trí những công trình kiến trúc lớn cũng đã tìm đến vàng quỳ Kiêu Kỵ dùng cho việc trang trí nội thất. Các di sản văn hóa, kiến trúc của nước ta được UNESCO công nhận như Văn Miếu Quốc Tử Giám, kinh đô Huế, phố cổ Hội An càng không thể thiếu được vàng quỳ, bạc quỳ.

Hiện nay, nghề làm quỳ vàng bạc của làng Kiêu kỵ đã phát triển thành hai loại: Làm quỳ vàng, quỳ bạc cựu và làm quỳ vàng, quỳ bạc tân. Trong đó quỳ vàng bạc cựu làm từ bạc thật còn quỳ vàng bạc tân được làm từ thiếc. Làm vàng quỳ khó hơn nhiều công đoạn hơn bạc quỳ nên không phải hộ gia đình nào cũng làm được, để lưu trữ và phát triển nghề truyền thống của làng Kiêu Kỵ, cần phải được truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối, có như vậy mới lưu trữ và phát triển làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ cho hôm nay và mai sau.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-dat-vang-kieu-ky-400-nam-cong-phu-co-%E2%80%9Cmot-khong-hai%E2%80%9D-khi-tao-san-pham-75670