Lãng đãng như một bài thơ tình

Đó là tứ mà tôi đã nảy ra trong đầu ngay sau khi xem xong bộ phim 'Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi'.

Từng khung hình, nét nhạc, lời ca mộng mơ đến vậy, giữa những ngày cả đất trời như đang sang thu. Giữa những thước phim thị trường ồn ào, xô bồ nào là thanh xuân vườn trường, nào là những tiếng cười hời hợt, hay những kiểu kinh dị hù cũng không sợ, thì một màu sắc mới lạ cũng đáng để chờ đợi.

Tôi thích cách kể chuyện “tự nhiên chủ nghĩa” của ê kíp làm phim: Tự nhiên nhưng không sa đà. Rất đời, có chút tục nhưng không quá đà. Một sự tự nhiên được tiết chế nhẹ như không. Từng khung hình trên màn ảnh khi hiện lên dẫn dắt tôi vào một câu chuyện mà hồ như mình đang dõi theo bước chân của 2 nhân vật chính.

Với một người không sinh ra và lớn lên ở TPHCM như tôi, chọn thành phố này là nơi dừng chân để lập nghiệp và rồi tự gắn bó, coi là quê hương thứ hai, nhiều hình ảnh trong phim, với tôi lạ lẫm lắm. Gần 10 năm ở thành phố, tôi vẫn thốt lên có những góc phố, con đường đẹp và thơ đến thế nhưng mình chưa có cơ hội đặt chân đến. Những cây cầu sắt đã cũ, những quán cũ hoài niệm…, hay chợ đêm Bến Thành, bảo tàng mỹ thuật thật quen đấy, nhưng lên phim cứ bàng bạc.

Trên nền không gian ấy, theo bước chân của 2 nhân vật chính trong hành trình gần 24 giờ rong ruổi, một câu chuyện tình đã chớm nở theo cách rất đặc biệt. Họ có chung sự đồng điệu trong tâm hồn. Họ trải qua những đổ vỡ trong tình yêu, để rồi hoặc để lại vết thương lòng trong chính mình, hoặc nơi đối phương. Họ đều đang trên hành trình đi tìm lại chính mình, tìm bản ngã, lẽ sống, niềm yêu. Những người trẻ trên phim dễ bắt gặp ở ngoài đời. Họ ở cái tuổi đang loanh quanh, phân vân giữa những lựa chọn sau những sai lầm, vấp ngã. Nhẹ nhàng mà thấm thía qua phần diễn xuất tự nhiên của 2 nhân vật, cả hai vừa thể hiện nhạc phim, vừa là lần đầu có vai chính trong một dự án điện ảnh.

Cùng với những khung hình đậm chất thơ, âm nhạc chính là mạch nguồn cảm xúc dẫn lối, giống như lời tâm tình. Hát như kể chuyện. Hát như thay lời muốn nói. Từng ca từ được đặt để đúng mạch cảm xúc của mỗi nhân vật trong từng thời điểm. Và dĩ nhiên, có cả sự lạc quan, sự “đu đưa” để hai con thuyền tình tìm thấy điểm chạm. Nhạc đầy chất thơ, lời thoại đậm chất đời.

Cách cô gái, một người đã trải qua mấy mối tình, từ sâu đậm cho đến kiểu quen trên mạng thời hiện đại, nói về tình yêu và cả chuyện tình dục nhẹ nhàng, đủ khiến khán giả bật cười thích thú. Lời thoại cũng có những dấu lặng đầy sự chiêm nghiệm của tuổi trẻ. Cuộc đối thoại ngắn ngủi của mẹ và con trai khiến ta chợt nhận ra, mình vì mải mê chạy theo ham thích cá nhân mà quên trở về, để những ký ức trong cha mẹ, chỉ là hình bóng ta những ngày thơ bé. Gia đình là nơi quay về nương náu, một thông điệp nhẹ nhàng mà thấm thía.

Miên man theo mạch cảm xúc, nếu dùng lý trí để phán xét Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi chưa hẳn là hoàn hảo. Mạch phim có những phần nối kết chưa thật sự liền lạc, mở đầu có phần gượng gạo. Về mặt kỹ thuật, còn đâu đó những khung hình chưa thật sự mượt mà. Phong cách “tán gẫu” kiểu đặc trưng của thành phố này cũng không hẳn làm hài lòng số đông. Nhưng, với một bộ phim khơi gợi được cảm xúc, vậy là quá đủ.

HOÀNG LÊ HUY (Phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lang-dang-nhu-mot-bai-tho-tinh-620959.html