Làng Đắk Rô Gia cúng lúa mới

Cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, lúa chất đầy kho, người Xê Đăng (xã Đắk Trăm, huyện Đắk Tô, Kon Tum) tổ chức 'cúng lúa mới'.

Trước ngày “Cúng lúa mới” người dân trang hoàng lại nhà rông.

Trước ngày “Cúng lúa mới” người dân trang hoàng lại nhà rông.

Già làng khấn rằng: “Hỡi giàng suối, giàng sông đừng làm con nước đầy đem lũ lụt nhấn chìm cây cối. Xin hồn lúa hãy cho chúng tôi được no đủ…”.

Mừng lúa mới

Mọi người trong làng quây quần bên tiếng cồng chiêng, múa điệu xoang uyển chuyển.

Làng Đắk Rô Gia (xã Đắk Trăm) một sáng mùa đông se lạnh. Dưới màn sương sớm người dân nơi đây rộn ràng, háo hức chuẩn bị tổ chức “Cúng lúa mới”. Dưới mái nhà rông của xã, người dân tập trung đông đúc. Người thì chuẩn bị cơm cúng, chỗ thì chuẩn bị rượu cần, lúa mới… Người ra vào tấp nập khiến không khí ngày càng nhộn nhịp hơn.

Lễ hội “Cúng lúa mới” hay còn gọi là mừng cơm mới là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Xê Đăng ở Kon Tum. Lễ hội thường được tổ chức với nhiều nghi thức cúng khấn thần linh. Đan xen vào đó là các hoạt động múa hát khiến không khí của ngày hội mang nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh.

Khi lúa đã về đầy khắp các kho, già làng họp toàn thể người dân lại rồi thống nhất ngày tổ chức “cúng lúa mới”. Sau đó, từng gia đình lên rẫy lúa của mình dùng cây le tươi đánh dấu các vị trí, làm nghi thức tín ngưỡng trước khi tuốt lúa. Lúa tuốt xong được đưa về kho cất giữ và người dân để riêng một gùi lúa lớn mang về nhà cúng. Trên đường về, nếu gặp ngã rẽ họ dùng cành cây chắn các lối đi phụ, chỉ chừa một lối từ kho lúa về nhà mình để hồn lúa không bị đi lạc.

Trước hôm diễn ra buổi lễ chính thức, khi trời còn chưa sáng tỏ, tất cả đàn ông trong làng đã vào rừng tìm những cây lồ ô to, đẹp và thẳng nhất để làm cây nêu. Khi đi, người dân mang theo lúa mới và thức ăn có từ rừng như: Cá suối, chim, chuột rừng. Những người đàn ông ở lại rừng cho đến khi cây nêu được hoàn thành.

Đến rừng, thanh niên khỏe mạnh chịu trách nhiệm tìm và chặt cây lồ ô. Người lớn tuổi hơn phụ trách vót lồ ô để làm bùi nhùi trang trí treo lên cây nêu. Trong làng có bao nhiêu hộ gia đình thì bấy nhiêu búi bùi nhùi sẽ được vót và treo lên cây.

Người Xê Đăng quan niệm, cây nêu tượng trưng cho sự đoàn kết, đồng lòng của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, cây nêu cũng tượng trưng cho cây lúa, những búi bùi nhùi tượng trưng cho bông lúa. Cây nêu nếu đẹp thì vụ mùa tới mới thuận lợi, lúa đầy kho.

Người Xê Đăng cũng quan niệm, cây nêu là nơi thần linh trú ngụ. Do đó, khi thanh niên trai tráng chặt cây nêu không được nhúng vào nước, không được chọn cây lồ ô mất ngọn, trong khi làm không được bước qua cây nêu, như vậy sẽ mất linh thiêng…

Khi đàn ông lên rừng làm cây nêu, phụ nữ ở nhà sẽ đem lúa mới rang khô rồi giã lấy gạo. Nhóm khác lên nương hái rau rừng và ủ rượu ghè. Khi cây nêu được mang về đặt trước nhà rông, những người phụ nữ cũng đã chuẩn bị sẵn thức ăn được làm từ đồ rừng.

Ăn lúa mới ở 206 nóc nhà

Người dân trong làng đến từng nhà ăn cơm mới.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, già làng A Hiền mặc trên người bộ áo quần thổ cẩm, bước ra trước nhà rông khấn: “Hỡi giàng suối, giàng sông đừng cho con nước cạn ruộng đồng héo khô, đừng làm con nước đầy đem lũ lụt nhấn chìm cây cối.

Hỡi giàng núi không làm lở núi, lở đồi. Hỡi thần lúa đừng cho chim, chuột sâu bệnh phá hoại mùa màng. Hôm nay hồn lúa về với làng chúng tôi, chúng tôi cầu mong thần lúa cho chúng tôi sang năm mới đừng thiếu lúa để ăn, dân làng không phải đói. Xin hồn lúa hãy ở với chúng tôi, cho chúng tôi được no đủ…”.

Già làng A Hiền vừa dứt lời, cồng chiêng được đánh vang lên khắp buôn làng. Già làng đi trước, theo sau là đội cồng chiêng đi quanh nhà rông để cảm tạ thần linh đã phù hộ để dân làng có một vụ mùa bội thu. Già làng cũng cầu mong thần linh phù hộ năm mới mưa thuận gió hòa, dân làng có sức khỏe để có vụ mùa tốt tươi.

Khi già làng đã khấn cầu thần linh, tất cả đàn ông tập trung thành đoàn đến 206 hộ dân ăn lúa mới. Tại đây, mọi người sẽ gửi lời chúc đến gia chủ mong một năm mới sức khỏe, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

Khi người dân đã đến đủ đầy 206 nóc nhà, già làng A Hiền đánh chiêng mời tất cả mọi người tập trung về nhà rông để “cúng lúa mới”. Từng hộ lại mang đến rượu cần, lễ vật quây quần dưới mái nhà rông để hòa chung không khí vui tươi, nhộp nhịp của ngày hội.

Người dân dâng lên thần linh những ghè rượu ngon, cơm lam, cơm nếp, thịt chuột, thịt sóc, măng rừng, cá suối… Người dân cũng cầu mong thần linh phù hộ gia đình có thật nhiều sức khỏe, mùa màng năm sau sẽ bội thu để cuộc sống dân làng ngày càng ấm no, hạnh phúc. Nếu có khó khăn thì dân làng luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua.

Khi tiếng cồng chiêng nổi lên, già làng A Hiền trong bộ trang phục truyền thống bước đến cây nêu. Già khấn thỉnh thần linh chứng giám, mong mọi điều tốt đẹp đến với người dân. Sau đó, toàn thể dân làng quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn đặc sắc, say men rượu cần bên tiếng cồng chiêng trầm bổng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lang-dak-ro-gia-cung-lua-moi-xlpml3xMR.html