Làng Cựu ngày nay

Làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) chưa được công nhận là làng cổ, di sản văn hóa, nhưng du khách nào đến đây cũng phải trầm trồ vì những ngôi biệt thự hẳn là đã từng đẹp lắm một thời. Các bậc cao niên kể lại rằng, làng lập đã trên 500 năm, thờ một vị tướng nhà Trần chuyên dạy hổ làm Thành hoàng. Sinh nghề, tử nghiệp, ông bị chính con hổ mà mình đang dạy cắn chết. Hội làng hàng năm chính là ngày giỗ ông, ngày 9 tháng Giêng âm lịch.

Nhưng dường như làng không còn công trình nào là dấu ấn của thời xa xưa ấy. Nghe nói, hơn một trăm năm trước, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã biến một nửa ngôi làng thành tro bụi.

Trong rủi có may, chính vì thế mà những người làng quyết tâm đem nghề “may đồ Tây” xuống Hà Nội làm ăn. Những thập niên đầu thế kỷ 20, cuộc sống khấm khá, họ mang tiền về làng xây dựng hàng chục ngôi biệt thự pha trộn giữa kiến trúc Pháp với kiến trúc truyền thống. Vì thế, ngôi làng trở thành “địa chỉ đỏ” cho những người yêu thích nhiếp ảnh và các nhà làm phim. Anh Trần Đình Thông, người đang sống ở một góc ngôi biệt thự của ông Xã Vinh ngày trước, kể, gia đình anh đã từng đón nhiều đoàn làm phim như “Thương nhớ ở ai”, Chạy trốn tuổi thanh xuân... Rất nhiều clip ca nhạc cũng đã chọn bối cảnh làng Cựu. “Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã về đây. Nhờ bác ấy nói mà tôi mới biết chữ ở trên cổng nhà này là “Nam Hải” - anh Thông vui vẻ “khoe”.

Vào một ngày mưa xuân phơi phới bay, lòng người khách du bỗng như lắng lại khi thả bộ trên một con ngõ nhỏ uốn lượn quanh co, lát đá phiến xanh, rất phù hợp với không gian cổ kính của làng. Dù những con ngõ ấy cũng không còn nhiều và đang bị thay thế bằng những con đường bê tông, nhưng chúng vẫn sạch sẽ, ngăn nắp, đúng như lời anh Thông kể với tôi, rằng người làng rất cố gắng giữ gìn truyền thống “đói cho sạch, rách cho thơm”. Vì thế, làng không giàu có, nhưng bình yên, thư thả. Rất ít khi xảy ra nạn trộm cắp hay cảnh cãi vã, xô xát nhau.

Đáng tiếc là hầu hết những ngôi biệt thự cổ ở làng hiện nay đều khóa trái cổng, rêu phong phủ đầy. Hỏi Thông, anh bảo, chủ những ngôi nhà này đều ở Hà Nội, đều giàu có, nên không có nhu cầu bán nhà. Nhưng thế hệ từ làng ra đi thì mất cả rồi, con cháu họ thì bây giờ còn mải làm kinh tế, họ chưa thể về tu sửa, cứ giữ lại đó mà thôi.

Những người còn ở làng như Thông thì cảm thấy thư thái, “không giàu, nhưng… sướng”, vì cuộc sống bình an. Thông chỉ làm đủ ăn, không bon chen thái quá. Điều khiến anh và nhiều người cùng làng tự hào.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/lang-cuu-ngay-nay-102005.html