Làng cọ

Ngày tôi sinh ra, Đan Hà đã thôi là một vùng rừng heo hút, hẻo lánh, đã nổi tiếng về cây cọ, cây chè, cây quít. Nhưng khi bố tôi cưới mẹ tôi, thì nó vẫn còn rừng già, rừng nguyên sinh nhiều gỗ quý như lim, sến, táu… Bà nội tôi gọi bố mẹ tôi tới, cấp cho con dao phát, cái cuốc, cái nồi đồng, ít cân gạo, bảo hãy đi mở rừng lập trại.

Bố mẹ tôi đến vùng đồi gò gọi là Gò Sồi, đẵn cây làm cột, xin họ hàng mấy trăm tầu cọ, dựng một căn nhà ngoãm. Tuổi trẻ là nguồn lực vĩ đại để kiến thiết tương lai. Cha mẹ tôi thức khuya dậy sớm, sáng đi làm, tối trở về hai lần quần áo ướt sương, phát cây bới cỏ, đồi xa thì trồng cọ, vườn gần thì trồng cam quýt, trồng dứa, trồng chè, lập nghiệp.

Cây cọ là thứ cây lưu niên, đâu có thể ngày một ngày hai khai thác được, bởi mỗi tháng chỉ nở ra một lá, mỗi năm chỉ cao thêm mấy tấc. Cam quýt cũng vậy. Khi tôi ra đời, căn nhà ngoãm đã được thay bằng căn nhà gỗ, mái cọ được lợp dày hàng tấc đủ sức chịu đựng mưa nắng hàng chục năm trời. Vườn nhà tôi xanh tốt cam quít, mùa trái chín vàng rực cứ như là đất tỏa sáng, gò Sồi trở thành rừng cọ, mưa rào xuống nghe như gõ trống.

Nhà văn Hà Phạm Phú (phuhapham@gmail.com)

Nhà văn Hà Phạm Phú (phuhapham@gmail.com)

Ấn tượng mạnh mẽ nhất khi tôi biết theo bố ra rừng cọ là chứng kiến ông trèo cây chặt lá. Bố tôi với một thân hình săn chắc, bắp tay bắp chân nổi lên cuồn cuộn, lưng thắt con dao rựa được mài hồi đêm lưỡi sáng loáng sắc lẻm, vai vác cây hóp đực còn nguyên mấu, to và dài cỡ chục thước ta.

Cọ gò Sồi có nhiều lứa. Bố tôi lựa những cây cao, lá đủ tuổi, áp cây hóp vào thân cọ, dùng một đoạn thừng ngắn buộc chặt, đạp chân vào những mấu hóp thoăn thoắt leo lên. Được một đoạn cao, ông lại dùng dây thừng buộc tiếp. Cứ thế cho đến khi tới ngọn. Tôi đứng ở quãng xa, phòng lá cọ rơi trúng đầu, ngước nhìn bố chót vót trên cao không khỏi thán phục.

Cọ gò Sồi chưa phải có tuổi thọ cao nhất Đan Hà, hiếm cây phải nối hai tầng cây hóp mới tới ngọn. Nhưng lá cọ gò Sồi to và dày, luôn được xếp vào hàng đầu, lợp nhà thì tuyệt, bao giờ lái cọ cũng tranh mua! Bố tôi leo đến ngọn, dọn một chỗ chắc chắn, rồi vung dao chặt lá. Những tầu lá to như cái nong, cái nia mang theo cuống đầy gai nhọn, dài bốn năm thước ta (khoảng 2 đến 2,5 mét) thi nhau sà cánh rơi xuống, tạo ra những âm thanh náo động, nghe nức lòng người.

Bố tôi bảo, chặt lá không chỉ cần kĩ thuật mà còn cần có cái tâm. Nếu chặt ẩu chặt dối, nếu chặt phàm chặt đau sẽ ảnh hưởng đến lứa lá năm sau. Khi tôi lớn hơn một chút, bố tôi dạy tôi cách chặt lá. Dao chặt cọ phải được đánh bằng loại thép tốt, mài sắc có thể cạo râu được, bảo đảm chặt lá chỉ cần một nhát, một nhát chém xuống, bầu cọ sạch nom vừa đẹp mắt vừa để lứa lá mùa sau nở tốt.

Những cây cọ mà người thợ chặt ẩu, cuống cọ còn để dài lởm chởm, bố tôi đều phải đi sửa lại, gọi là rửa cọ. Ông dùng dao hất một nhát lên, chém một nhát xuống, bầu cọ lởm chởm được sửa lại gọn ghẽ. Lá cọ sau khi được chặt xuống, phải được bất cuống, tức là dùng dao phất một nhát ở nơi sát với tầu lá, để phơi nắng cho khô mới bó lại gánh về.

Quả cọ, thức ăn dân dã giờ đã trở thành đặc sản.

Cọ có nhiều khắp vùng Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Đoan Hùng… từ đầu những năm 1960 trở về trước là sản phẩm nổi tiếng của Phú Thọ, là nguồn sống của dân Đan Hà, của dân miền trung du nên thơ với hình ảnh mặt trời xanh. Ngày ấy lá cọ được thu mua chở về xuôi bằng tàu hỏa, bằng bè mảng cứ đông kìn kìn. Nghe nói Đàn Hà quê tôi mỗi mùa thu hoạch trung bình khoảng ba bốn trăm ngàn lá loại một. Thời ấy, những vật liệu lợp mái chưa nhiều, cọ không chỉ là chủ lực mà còn sang trọng. Những gia đình khá giả mới có tiền mua cọ lợp nhà.

Tôi vẫn nghĩ, nếu có một loại cây nào ở miền Bắc đem lại lợi ích con người có thể so với cây dừa ở miền Nam, thì cây đó chính là cây cọ. Lá cọ dùng để lợp nhà, lợp lán che nắng che mưa. Nhà lợp lá cọ thật dày không chỉ mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông mà còn có tuổi thọ vài ba chục năm mới phải đảo mái.

Vào mùa chim ngói về, bố tôi vẫn thường đi đánh lưới. Người chặt mấy tầu lá cọ cắm tụm lại có thể che nắng, nhưng chủ yếu là để ngụy trang. Thấy đàn chim bay về, người tung con chim mồi rồi nấp vào tụm lá cọ ấy. Lũ chim trời vô tư lao theo con chim mồi bị hai cánh lưới chụp xuống bắt gọn. Nói chung khi đi đánh chim, bố không cho tôi theo, nói chim chợn người sẽ không bắt mồi.

Nhưng có một lần bố cho tôi đi cùng. Trước khi đi bố phất một tầu cọ bánh tẻ, lá mỏng để nguyên cuống làm móm. Bố tôi vặn uốn chiếc cuống vừa đủ để làm quai, phần còn lại vót mềm làm lạt buộc. Ông đặt tầu lá, quì một gối làm cỡ, túm đầu lá lại, trong nháy mắt đã có chiếc móm. Mẹ tôi đặt vào móm nắm cơm nắm, gói muối vừng, chai nước chè xanh cho tôi xách theo.

Tôi hỏi bố, "ai nghĩ ra cách làm móm tài thế?". Bố tôi cười, "dân gian nghĩ ra con ạ". Dân gian nghĩ ra cách dùng lá cọ để làm nón, lợp mũ, khâu áo tơi, làm chổi… Dân gian cũng nghĩ ra cách chẻ cật cọ để đan mành, đan chiếu, làm lạt... Dân gian còn dùng cây cọ làm cột nhà, làm rui mè, làm máng nước. Cây cọ không bỏ một thứ gì, nó thể hiện đức tính cần kiệm của dân gian…

“Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương” (thơ Trần Đăng Khoa).

Đồi cọ gò Sồi của bố tôi, cứ vào cuối thu là chim chóc kéo về từng đàn lớn. Đủ các loại chim mà tôi không biết tên, màu lông xanh xanh đỏ đỏ nom hoa cả mắt. Bố tôi bảo, cứ xem cây nào chim xúm vào ăn nhiều thì cây ấy quả ngon. Mấy cây đó xâm lá, quả tròn hơi thuôn, da xanh đậm bóng lên, cùi dày, có thớ mịn, chín màu vàng nghệ không bị sâu ăn. Anh em chúng tôi lấy sào tre dài, ngọn buộc móc câu, ngoắc vào cuống buồng rung cho quả rụng xuống đất, chọn nhặt về cả thúng.

Để chế thành món cọ ỏm, thoạt tiên đổ quả cọ vào rổ xảo, bẻ thêm ít que nứa ngắn cho lẫn vào rồi xóc liên tục đến khi quả cọ tróc phần vỏ xanh, lộ ra phần thịt quả vàng hươm. Sau đó rửa sạch, đổ quả cọ vào nồi nước nóng cỡ 60 độ để chừng mươi lăm phút, gọi là ỏm. Được thời gian, lấy một quả cọ dùng tay bóp nhẹ, tách hột ra khỏi cùi nếm thử, đó là cọ ỏm tuyệt trần rồi.

*

Tháng 6 năm 1961, vừa học hết lớp 9/10 trường cấp III Hùng Vương (lúc ấy cả tỉnh Phú Thọ mới có một trường cấp III đặt tại thị xã), nghỉ hè được một tuần thì tôi có giấy gọi nhập ngũ. Chiều hôm trước khi về Tỉnh đội tập trung, tôi đi dọc con đường sắt Hà Nội - Yên Bái chạy ngang nhà tôi, một bên là sông Thao, một bên là dãy núi đất có đỉnh Hoa Hòe cao hơn mặt biển cả trăm mét, cố ghi sâu vào kí ức hình ảnh Đan Hà.

Tôi nhìn dãy núi Hoa Hòe cao lên như chiếc kì đài, những nương cọ chạy dài mường tượng là những người lính hoặc đội quân danh dự xếp hàng chuẩn bị duyệt binh ra trận. Những năm chiến trận, gặp nhau hỏi quê hương, cứ nghe bảo Quê Cọ là lòng thấy xốn xang, thân thiết.

Sau này, mỗi lần về phép thăm quê, rừng cọ Đan Hà mỗi ngày một thu hẹp lại. Thoạt tiên cọ được phá đi để trồng cây sơn, rồi chẳng hiểu sao đó, rừng sơn cũng được phá đi để trồng sắn. Bây giờ thì sắn cũng hiếm rồi. Đi suốt dãy Hoa Hòe, những cánh rừng già, rừng nguyên sinh thời bố mẹ tôi, cho đến thời tôi vẫn còn, giờ đã biến mất.

Một lần, có một kiến trúc sư trẻ đang xây dựng một khu nghỉ dưỡng sinh thái muốn mua ít nghìn lá cọ, nhờ tôi hỏi hộ Đan Hà có còn cọ không? Thật tiếc khi phải trả lời là không còn nữa.

Nghe đâu cây cọ được du nhập vào Việt Nam, khoảng thế kỉ 19, gặp đất tốt phát triển lên thành đặc sản của một vùng quê. Không phải của trời cho. Trải thời gian, tình nghĩa với cây cọ nhạt đi, bây giờ cọ thành của hiếm. Tôi bỗng nẩy ra ý nghĩ, nếu Đan Hà giành ra một khoảnh đất, trồng lại một rừng cọ nho nhỏ như một bảo tàng cọ, kể về lịch sử của làng Đan Hà, thì sao nhỉ?

Nhà văn Hà Phạm Phú

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/lang-co-588878/