Làng cổ Khánh Sơn (Nam Đàn) là di sản cần bảo tồn

Đó là đánh giá của đoàn công tác Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản sau khi khảo sát nhiều điểm văn hóa di sản thuộc huyện Nam Đàn.

Tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được đối với việc triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp Nghệ An giai đoạn 2015 - 2018, từ ngày 10 -11/3, Đoàn công tác Nhật Bản do Giáo sư Tomoda Hiromichi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế Nhật Bản và các thành viên cộng sự đã có chuyến công tác tại Nghệ An.

Đoàn công tác có chương trình khảo sát lại các điểm văn hóa di sản thuộc huyện Nam Đàn và có buổi làm việc, chia sẻ với chính quyền người dân địa phương xã Khánh Sơn - nơi còn lưu giữ những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi có giá trị văn hóa do ông cha để lại.

Ngôi nhà cổ vô giá của dịch giả Ông Văn Tùng thực sự là một “bảo tàng” vô giá trên quê hương Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Ngôi nhà cổ vô giá của dịch giả Ông Văn Tùng thực sự là một “bảo tàng” vô giá trên quê hương Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Dịp này, đoàn cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo hai Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch và UBND huyện Nam Đàn. Tại buổi làm việc, Đoàn đánh giá làng cổ Khánh Sơn sẽ là một trong những điểm có thể xây dựng và phát triển tương tự như: làng cổ Phước Tích - Thừa Thiên Huế, Đường Lâm - Hà Nội, Cái Bè - tỉnh Tiền Giang, Phố Cổ Hội An… do Viện quốc tế Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam.

Đoàn công tác Nhật Bản kiến nghị, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch sớm phối hợp với huyện Nam Đàn và các sở, ngành liên quan trước mắt xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị công nhận Làng cổ Khánh Sơn được xếp hạng di tích cấp tỉnh trong năm 2019 và tiến hành các nội dung tiếp theo.

Đoàn đã có buổi làm việc với đồng chí Hồ Mậu Thanh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; lãnh đạo Sở Du lịch và UBND huyện Nam Đàn. Ảnh: Đức Chung

Để phát huy các giá trị di tích, trong đó có làng cổ Khánh Sơn, Sở cam kết sẽ tham mưu tích cực chuẩn bị các hồ sơ liên quan sớm trình UBND tỉnh công nhận làng cổ Khánh Sơn là di tích cấp tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Một chiếc móc để treo áo dài trong ngôi nhà cổ của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở xóm 4, Khánh Sơn 2, xã Khánh Sơn. Ảnh tư liệu

Song song với việc chuẩn bị các hồ sơ, 2 Sở sẽ chỉ đạo địa phương sớm xây dựng dự thảo quy chế hoạt động, trưng cầu ý kiến người dân trong làng cổ Khánh Sơn, tổ chức tập huấn đón tiếp khách du lịch, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phát triển các sản vật địa phương làm quà tặng, quảng bá xúc tiến khách du lịch đến làng cổ; tiếp tục đề nghị tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng để giúp du khách và các doanh nghiệp lữ hành dễ dàng tiếp cận làng cổ Khánh Sơn theo lộ trình đã được dự án xây dựng trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, chính phủ Nhật Bản, cụ thể là Văn phòng JICA tại Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giúp đỡ Nghệ An trong việc phát triển các dự án nông nghiệp du lịch di sản, bước đầu các dự án đã mang lại những kết quả nổi bật trong việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, quà tặng phục vụ khách du lịch và phát triển loại hình du lịch cộng đồng homestay tại các huyện miền Tây Nghệ An.

Hoàng Đức Chung

(Sở Du lịch Nghệ An)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/lang-co-khanh-son-nam-dan-la-di-san-can-bao-ton-236439.html