Làng cổ giữa trùng khơi

Về hình thái địa lý và cấu tạo địa chất, đảo Quan Lạn, Minh Châu… khác hẳn với quần đảo thần tiên Hạ Long và Bái Tử Long.

 Chợ Quan Lạn.

Chợ Quan Lạn.

Nếu như Hạ Long là rồng mẹ, Bái Tử Long là rồng con, Cô Tô là chấm đuôi xa nhất của rồng, thì chuỗi đảo Ba Mùn, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Phượng Hoàng, Thượng Mai, Hạ Mai, chạy vòng cung ngoài khơi vịnh Bắc Bộ chính là sống lưng của Rồng mẹ, ôm ấp che chở cho đàn con, thành lũy bảo vệ đất liền.

Nếu Hạ Long, Bái Tử Long là bồn địa karstơ già lún sụt, bị biển tiến, thì Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… là những núi đất nổi lên giữa biển, có bãi bồi và đồng ruộng.

Chính vì thế, từ nghìn năm trước, những cư dân cổ đã đến đây sinh sống, để đến triều Lý, hình thành một làng Việt có tên Cái Làng, và tiếp đó thương cảng đầu tiên của nhà nước Đại Việt ra đời, có tên thương cảng Vân Đồn, vừa là thương cảng vừa là tiền đồn chống giặc phương Bắc.

Thời vua Lý Anh Tông, 1136 - 1175, để bảo vệ vùng phên dậu hiểm yếu của Đại Việt, nhà vua đã cử hoàng tử Lý Long Tường thống lĩnh hạm đội thủy binh trấn giữ Vân Đồn.

Khi Trần Thủ Độ lập mưu thoán ngôi nhà Lý, biết khó thoát hiểm họa, hoàng tử Lý Long Tường đã đưa vợ con và thủ hạ thân tín vượt ngàn dặm biển lên xứ Cao Ly lánh nạn và trở thành người anh hùng chống quân Nguyên Mông cho xứ sở Kim Chi. Nghe nói, để tổ chức thành công chuyến vượt biển lịch sử lên phương bắc, bộ hạ của ông đã đưa xuống hạm thuyền mấy trăm con chó để làm thực phẩm phòng khi cạn nguồn lương thảo, hay khi gặp bão tố, sóng gầm.

Tiếp đến thời Trần, các đảo đông bắc càng được củng cố thành trang Vân Đồn. Thương cảng Vân Đồn thành thương cảng quốc tế, thuyền buôn nước ngoài tấp nập. Năm 1288, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 đại thắng lợi, có chiến công hiển hách của quân và dân Vân Đồn do Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chỉ huy, tiêu diệt toàn bộ hạm thuyền chở 70 vạn hộc lương của tướng giặc Trương Văn Hổ.

Vân Đồn giờ đây (bao gồm nhiều đảo đất có dân sinh sống, trong đó có cụm đảo Cái Bầu, Trà Bàn, Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…) đã trở thành một huyện đảo đặc biệt, có đường cao tốc, có sân bay quốc tế, thương cảng, với các thế mạnh kinh tế, thương mại, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, đặc biệt là du lịch và nghỉ dưỡng …

Từ bến cảng Hòn Gai, lướt tàu qua di sản thiên nhiên địa chất Hạ Long khoảng 90 phút; từ bến cảng Vân Đồn qua Bái Tử Long chừng 60 phút, sẽ tới Quan Lạn. Đi đường biển từ Vân Đồn ra Quan Lạn gần hơn và lý thú hơn, bởi du khách sẽ được đi chừng mười hải lý trên dòng Sông Mang, “con sông” độc đáo “chảy” trên biển.

Ấy là vì tạo hóa đã ban tặng cho nước Việt một kỳ sơn đặc hải chỉ nơi này mới có. Bắt đầu từ Cửa Đối, hai dãy đảo chạy song song , mạch núi đảo Cái Bàn, Bản Sen chảy dài theo hướng đông bắc - tây nam ôm vòng Bái Tử Long bên trong, bên ngoài là đảo Minh Châu, Quan Lạn, có địa hình kéo dài hơn hai mươi cây số, trông giống như nước Nhật.

Tàu thuyền từ phía đảo Hải Nam, từ bán đảo Lôi Châu, từ đảo Cô Tô, muốn vào cửa sông Chanh, cửa Bạch Đằng để tiến vào kinh đô Thăng Long của Đại Việt, bắt buộc phải qua Cửa Đối, theo dòng Sông Mang êm đềm bất khả gió bão. Cửa Đối cũng có tên gọi Cửa Tử, vì đầu cửa Sông Mang, nước luôn chảy xiết theo cả hai hướng xuôi ngược, tùy con nước thủy triều, tùy hướng gió bão.

Rất nhiều tàu bè khi ra khơi, đến đây gặp ngày sóng lớn, phải quay đầu hoặc bị làm mồi cho thủy thần. Chính đoạn Sông Mang từ Cửa Đối đến thủy ải Vân Đồn là trận địa phục binh tiêu diệt hạm đội binh lương Trương Văn Hổ của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đầu năm 1288. Dân gian bảo, nếu có phương tiện trục vớt trên dòng Sông Mang này, ắt sẽ thấy vô vàn tàu thuyền của bọn giặc phương Bắc, từ các đời Hán, tới Tống, Nguyên Mông, Mãn Thanh…

Bến thuyền của ngư dân Quan Lạn.

Thương cảng Vân Đồn xưa nằm ở cuối Sông Mang , nơi ngoặt vào cửa vụng Quan Lạn. Cái Làng xưa cũng ở đó, dấu tích còn lại là cái giếng cổ và những trang trại của dân Quan Lạn gốc hiện vẫn đang trồng cây trái.

Quan Lạn, Minh Châu nay đã trở thành địa chỉ du lịch biển hấp dẫn. Khách sạn sáu, bẩy tầng mọc san sát dọc con đường trục đảo dài hai mươi cây số từ cảng Minh Châu phía bắc xuống eo gió Gót Beo phía nam. Các khu nghỉ dưỡng kiểu homestay mọc khắp các bãi tắm Quan Lạn, Sơn Hào, Rừng Trâm, Minh Châu... Tắm ở cụm đảo ngoài khơi này là tắm ở chốn bồng lai. Cát trắng tinh, thứ cát Vân Hải ngày xưa người Pháp khai thác để xuất khẩu và chở về mẫu quốc làm thủy tinh pha lê.

Trải nghìn năm, bãi bồi đã lấp đầy vịnh, tạo ra những bãi sá sùng và mênh mông cánh đồng sú vẹt. Dân Cái Làng chuyển qua vụng, vào lập làng mới ở khu đất hiện nay. Việc đầu tiên là lập đình thờ vua Lý Anh Tông, đền và nghè thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư cùng ba ông tướng họ Phạm có công cùng vua tôi nhà Trần đánh giặc.

Ngôi đình cổ và ngôi chùa, cùng nghè, tạo thành một quần thể văn hóa độc đáo của làng cổ Quan Lạn giữa biển khơi. Các cụ già bảo, mấy trăm năm trước, khi dựng đình, bậc tiền nhân đã chọn thế đất rất độc đáo: Đình ở giữa làng, nhìn ra vịnh biển nơi có ba hòn đảo (tam thai) tạo nên bức bình phong, phía sau tựa vào năm ngọn núi (ngũ nhạc) ở làng cũ Cái Làng. Đó chính là thế “tiền tam thai, hậu ngũ nhạc”.

Về kiến trúc, đình cổ Quan Lạn cũng tinh xảo, bề thế, có dáng dấp như đình Trà Cổ miền cực bắc Móng Cái, như đình làng Đình Bảng quê hương của chín vua triều Lý ở Bắc Ninh.

Hãy tưởng tượng, một ngày đầu đông đằm mình trong nước biển trong xanh Quan Lạn. Đang bơi lội giữa sóng biển, bỗng thấy từ xa một mảng màu hồng sẫm rộng bằng mấy tấm chiếu theo sóng tiến vào bờ. Ta ngơ ngác không hiểu sao nước biển lại có màu lạ. Thì kia, dọc bãi cát, bốn, năm thanh niên Quan Lạn đã cầm sẵn những chiếc lưới vợt đang đứng chờ mảng hồng sẫm tiến vào gần bờ.

Rồi bất ngờ, họ lao ra, chao vợt giữa đám nước sẫm màu. Hàng trăm nghìn giọt nước màu hồng bắn lên như pháo hoa. Đàn moi biển chừng dăm mười cân đã nằm gọn trong vợt. Những con moi trong suốt, hơi ngả hồng, như những tép bưởi, ngỡ có thể ăn ngay được.

‘’Món đặc sản này người Hàn và người Nhật thường ăn gỏi ngay khi bắt lên bờ’’. Phó giáo sư Phùng Ngọc Kiếm, người vừa có ba năm làm chuyên gia văn học tại đại học Busan, Hàn Quốc, thích thú xem những ngư dân trút moi vào thùng và đưa ra nhận xét.

"Thì dân Quan Lạn tôi đây cũng thường ăn gỏi moi như người Nhật - chàng ngư phủ tán đồng - nhưng phải có nhiều chanh, rau thơm các loại, gia vị và dầu hạt cải".

"Cho em tham gia với nhé - nàng Nghiêm Hảo phu nhân vị phó giáo sư vội đề nghị - Em sẽ mua hết số moi này để mang về Hà Nội làm quà".

Và tối ấy, tại ngôi nhà tổ phụ vừa được nâng cấp như một khách sạn ba sao giữa thôn Đoài, Quan Lạn của nhà thơ Nguyễn Tiến Lộc, Việt kiều Canada, chúng tôi đã được chủ nhà thết một bữa tiệc gỏi moi vừa vớt từ biển Quan Lạn lên. Một bữa ẩm thực kiểu homestay thật linh đình. Chao ơi, lần đầu tiên được tham gia đánh bắt và thưởng thức loại hải sản mặn mòi thanh khiết hương vị biển khơi, quả là một bữa cỗ… như tết.

Biển Quan Lạn, 11/2019

NHÀ VĂN HOÀNG MINH TƯỜNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lang-co-giua-trung-khoi-post255579.html