Làng Chùa một ngày xuân!

Gửi tặng các bạn tôi - Nhân ngày Hội Thơ - Rằm Tháng Giêng.

Một sớm mùa xuân thật thanh bình khi mưa bụi vẫn lất phất bay trên những cánh đồng lúa bên dòng sông Đáy thơ mộng. Muôn ngàn những giọt sương li ti dường như trong suốt hơn trên những vòm lá non tơ đầy lộc biếc. Không gian nơi đây còn thoang thoảng mùi hoa xoan, thứ hoa sầu đông có màu tím nhè nhẹ đang lan tỏa hương quê trong không gian.

Con đường đê vào nơi Làng Chùa đã hiện ra trước mặt chúng tôi với những vạt cỏ may xao xác theo từng bước chân qua. Đâu đó sau những đám cỏ thấp thoáng có bóng dáng của những vạt chua me với hình những bông hoa tím nở bốn cánh tròn xinh. Loài hoa dại của tuổi thơ đang được phủ trắng bởi một lớp sương mỏng mảnh được mùa Xuân tưới ướp đẫm suốt từ đêm qua. Dù là nhỏ nhoi thế, chúng cũng đang rung rinh trong ngày hội Xuân náo nức. Hoa cũng vui theo bước chân những khách thơ đến với Làng Chùa.

Chúng tôi đến thăm Làng Chùa ( Xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) vào một ngày đầu xuân khi tiết trời vẫn còn lất phất chút mưa bụi. Mặc dù đã được nghe nói về địa danh Làng Chùa từ lâu nhưng cho đến nay, nhânmột ngày Hội Thơ đầu xuân, nhóm bạn thơ chúng tôi mới có dịp đến thăm. Làng Chùa thật đặc biệt, nơi có những người nông dân vất vả chân lấm tay bùn mà luôn dào dạt hồn thơ. Dù cuộc sống vẫn còn nghèo khó, Làng Chùa đã có truyền thống yêu thơ từ nhiều năm nay và bây giờ người dân trong làng từ già đến trẻ đều yêuthơ, biết làm thơ và họ gắn bó với thơ chẳng khác gì người nông dân gắn bó với ruộng đồng.

Có một câu nói rất hay của người dân ở đây: “Người làng Chùa lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức”. Câu nói này tựa như một lời nhắc nhở và chắc hẳn sẽ gây sự bất ngờ và độc đáo đối với nhiều du khách lần đầu tiên đến đây. Mọi người ai cũng ngỡ ngàng khi vừa đến cổng làng đã nhìn thấy cờ hoa được chăng rực rỡ khắp mọi nơi và trên cổng làng nổi bật ngay dòng chữ : “Vọng Tự Nhập Xuất” - có nghĩa là trông chữ để mà ra vào làng. Một câu nhắc nhở với dân làng và mọi người khi bước vào một ngôi làng thơ có nhiều nét văn hóa đặc trưng ở nơi đây. Trên đường làng đi đến nơi hội thơ, con đường lát bê tông có đôi chỗ uốn lượn, chúng tôi đã bắt gặp nhiều tấm pa nô, biển hiệu được treo trên các cột điện với những câu nói khá hay và ấn tượng của người dân LàngChùa. Tôi thực sự rất tâm đắc với những câu nói ấy.

“Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc”.

Hay là câu : “Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người “.

Rồi câu “ Một chữ có ân thì nở hoa, vạn chữ có oán thì sinh ra sâu bọ”...

Có lẽ chưa có ngôi làng nào tôi từng đến và từng biết mà lại yêu thơ và trọng thơ, trọng người thơ và ân tình đến thế. Người ta lấy những câu châm ngôn mộc mạc mà sâu sắc ấy để răn dạy con cháu mình. Tôi còn tâm đắc hơn nữa với những câu nóicủa người Làng Chùa như: “Không có ăn thì không thể bước đi nhưng không có học thì không thể thấy đường” hay là câu: “Người yêu thơ và ta yêu người, nhưng người không yêu thơ ta phải yêu người hơn”…

Những câu nói rất độc đáo và mang đầy triết lý nhân sinh nơi làng quê ấy khiến ai đến đây nhìn thấy, đọc được cũng thấy thú vị. Họ không thể không suy ngẫm về nhữngđiều tốt đẹp vẫn đang hiện hữu ở ngay nơi đây, ngay lúc này, giữa cuộc sống vẫn còn nhiều bề bộn này. Điều tưởng như đơn giản mà ngày nay, vì cuộc sống còn nhiều vất vả bon chen, sẽ không được nhiều người để ý và quan tâm đúng mức. Những thứ tưởng chừng bình dị ấy đã và đang làm nên một nét văn hóa đặc sắc của người dân Làng Chùa, một nét đẹp độc đáo mà chúng ta ít khi tìm thấy ở những vùng quê khác.

Sân đình Làng Chùa hôm nay đông đúc tấp nập với bao khách thơ về đây từmọi miền đất nước trong một ngày Hội Thơ đầu xuân. Ai cũng nói cười và vui vẻ bắt tay nhau sau những ngày dài nghỉ Tết nguyên đán . Ngày hôm nay, người dân làng còn đặc biệt vui hơn vì họ được đến đây dự lễ trao giải cho một cuộc thi thơ toàn quốc khi nhận được sự hưởng ứng từ các nhà thơ và người yêu thơ, họ sáng tác về chủ đề quê hương mang tên - “Thơ ca và nguồn cội”!

Không gian nơi đình làng đang râm ran những tiếng thơ và người ta còn hào hứng trao tặng nhau những cuốn sách mới tinh về thơ Làng Chùa. Đây là kết quả cuộc trao giải lần thứ hai sau một năm phát động cuộc thi“Thơ ca và nguồn cội” của Làng Chùa. Nghe nói đã có trên sáu ngàn bài thơ được gửi về tham dự từ khắp mọi miền đất nước. Người đoạt giải nhất cuộc thi thơ lần này là chị Đinh Thị Như Thúy, một cô giáo yêu thơ và đam mê thơ đến từ vùng đất TâyNguyên, nơi có những vạt hoa Dã Quỳ vàng rực ở tận Đắc Lắc với tác phẩm “Nơingày đông gió thổi”. Còn nhiều nhà thơ nhận các giải thưởng khác là các tác giả ở nhiều vùng miền khác nhau, họ cũng về đây gặp mặt và dự lễ trao giải.

Tôi rất vui khi cùng với nhà thơ Đàm Khánh Phương và mấy bạn thơ về đây để được chia sẻ niềm vui với các bạn thơ và chủ yếu là được cùng nhau đi du Xuân về nơi làng quê trong ngày Hội thơ đầu xuân! Một dịp để gặpgỡ, giao lưu và chia sẻ niềm vui cùng bạn bè, những người cùng chung niềm đam mê thi ca!

Nhiều khách thơ dân dã đã đến từ khắp nơi. Tôi thật bất ngờ khi được gặp nhiều gương mặt nhà thơ, nhà phê bình thơ chuyên nghiệp cũng đang góp mặt ở đây. Thi ca quả là một sân chơi thật đẹp đẽ, ấm áp và sang trọng, nơi ta được gặp gỡ và kết nối với nhiều con người tài năng, những thi nhân đắm say và tấm lòng luôn rộng mở, họ luôn hướng về quê hương, cội nguồn của mình với ruộng đồng, cây đa, bến nước, sân đình.

Trong ngày hội thơ tưng bừng ấy chúng tôi đã được gặp gỡ với ông LêXuân Súng, chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Làng Chùa và được ông dẫn chúng tôi đigặp cụ Nguyễn Gia Tế đã 82 tuổi nhưng rất mê say với thi ca và lúc nào cũng sẵnsàng đọc thơ cho mọi người nghe. Cụ đã nói một câu mà làm cả đoàn chúng tôi ai cũng phải dâng trào xúcđộng: “Tôi có thể nói và đọc thơ cả ngày mà không biết chán và cũng không biết mệt,người ta thì nghiện rượu, nghiện cờ, nhưng tôi thì chỉ nghiện thơ thôi mà...”!

Tôi chợt nghĩ đến một câu nói của người Làng Chùa mà thấm thía: “Thơ không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Tôi sẽ còn nghĩ mãi về những câu nói giản dị ấy, sao mà những câu nói của họ vừa giản dị lại hay và thuyết phục đến thế. Có lẽ sự sâu sắc, độc đáo trong từng câu nói ấy đã thấm đẫm trong hồn cốt và tình yêu ruộng đồng của những người nông dân nơi đây. Chắc hẳn vì thế mà nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Quang Thiều, một người con của quê hương Làng Chùa, Hà Tây, anh đã sinh trưởng và gắn bó máu thịt ở nơi đây luôn tự hào về xứ sở quê hương và nguồn cội của mình.

Khi bạn gặp hay nói chuyện với bât kỳ một người nông dân nào trong làng, họ cũng đều rất đỗi tự hào khi có ai đó nhắc đến tên Làng Chùa yêu thương. Thơ ca đã giúp tình làng nghĩa xóm của họ gắn bó sâu nặng hơn và những người nông dân ở đây luôn tự hào về điều đó .

Ngôi làng cổ và những con đường làng rất đẹp, nơi mà nhiều dòng họ và những phong tục tập quán của làng và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn được gìn giữ và phát huy. Hương thơm ấy sẽ còn bay xa, khi tâm hồn thơ ca được thấm đẫm trong từng ánh mắt,nụ cười của mỗi người nông dân yêu lao động, yêu thơ ca. Ngay cả từng nhành lúa, củ khoai và những nhánh cỏ hoa nở trắng nơi bờ đê cũng trở nên xao xác!

Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến hình ảnh những người đàn bà thôn quê rất đẹp mà luôn vất vả với đồng áng nơi thôn dã, nơi có dòng sông Đáy soi bóng nước rất lúngliếng, đa tình. Tôi chợt nhớ đến hình ảnh “Những người đàn bà gánh nước sông” vất vả và lam lũ từ những ngày xa xưa khi tôi đã từng đọc trong thơ của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Chính nơi “Góc vườn khuya cỏ thức một mình” anh đã viết về cố hương của mình với những hình ảnh đặc biệt:

“Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc

Những trái cây chín mơ ngủ tuột khỏi cành rơi xuống

Góc vườn khuya cỏ thức một mình “!

Tôi hiểu vì sao mà anh lại gắn bó và yêu thương mảnh đất Làng Chùa của mình đến thế.

Chúng tôi thật may mắn khi được ghé thăm ngôi nhà cổ thật xinh xắnvới vườn cây và khoảng sân xanh tươi đầy hoa lá của nhà thơ NguyễnQuang Thiều. Một không gian tuyệt vời cho những người bạn thơ đến đây để gặpgỡ, bình thơ và thưởng ngoạn. Chúng tôi cũng không quên chụp những bức hình kỷniệm bên vườn đào và có một cây cầu bé nhỏ xinh xinh bắc ngang qua một mảnh hồ nước xanh, nơi mây trắng cóthể cúi mình soi gương bầu trời làng quê!

Đã gần trưa, tiết xuân nồng nàn đang hửng dần lên và trời cũng ấm dần. Mọi người đến thămnơi đây cũng thấy lòng mình thêm ấm áp, say thơ hơn và thêm yêu quý ngôi làng cổ kính với những con đường đầy bụi đất. Xung quanh những hồ ao và bờ bãi trù phú ấy là cảnh từng đàn vịt trắng đông đúc, đang thảnh thơi bơi lội hay xoải cánh trắng tựa như lũ thiên nga nằm đón mặt trời.

Thi ca đã giúp người ta gần nhau hơn! Thi ca giúp cho người dân Làng Chùa lưu giữ và lan tỏa đến cộngđồng và con cháu họ những bài học giản dị nhất, sâu sắc nhất về tình yêu quê hương đất nước, về đạo lý làm người và những triết lý sống được đúc kết qua nhiêùthế hệ với những nét văn hóa rất đặc trưng nơi thôn dã.

Chúng tôi chia tay bà con làng quê và ra về sau khi cùng thưởng thức bữa cơm thân mật với những ngươìdân nơi Làng Chùa chân tình, mộc mạc mà yêu thơ.

Từng vạt sương mai mỏng mảnh vẫn còn đọng giọt trên cây lá! Làn mưa bụi giăng giăng đang thấm đẫm trên những vạt cỏ và ướt đẫm trên những bông hoa cỏ dại nơi con đê đầu làng!

Hương Xuân còn đọng trên mái tóc của nhiều chàng trai, cô gái và những khách thơ khi tóc đã hoa râm và khi họ bước chân ra về. Thứ hương xuân thật ẩm ướt và ngọt ngào ấy sẽ còn thấm đẫm gọi mời những người bạn thơ từ khắp nơi đến đây và hẹn một ngày nào đó họ sẽ còn quay trở lại.

Đẹp lắm! Thật nên thơ và khó quên!

Làng Chùa một ngày xuân!

(PTPT- Rút trong tập tản văn Hà Nội dấu yêu)

Phạm Thị Phương Thảo

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-chua-mot-ngay-xuan-82644