Làng Chanh - nơi gợi nhớ về một miền ký ức!

Đã hơn 50 năm sống xa quê hương, mặc dù vẫn thường xuyên đi về nơi quê cha đất tổ; nhưng hôm nay, tôi và nhiều người con trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng đồng bào quê hương đến đình, đền làng Chanh với một tâm thế và những nỗi niềm khó tả.

Đối với những người sinh ra, lớn lên tại quê hương; khi xa quê, kỷ niệm gợi nhớ nơi "chôn rau cắt rốn" của mình chính là cổng làng, con đê, dòng sông, bến nước... Tuy nhiên, với sự đổi thay của quê hương, không ít cảnh cảnh sắc đó của làng quê ấy dần thay đổi hoặc biến mất; chỉ có những công trình tín ngưỡng, tâm linh như chùa, đình, đền là trường tồn cùng với thời gian.

Tôi là một người con sinh ra và lớn lên tại làng Chanh, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Cũng như bao làng quê Bắc bộ, quê hương tôi có công trình đình, đền - nơi mỗi khi có hội làng, hoặc mỗi dịp tết đến, xuân về; lũ trẻ chúng tôi lại xúng xính trong những bộ quần áo mới, cùng ông bà, cha, mẹ ra đình, đền để hội họp, thắp hương, thể hiện sự tôn kính của mình với các vị Thành hoàng làng đã phù hộ, che chở cho người dân làng Chanh có được cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi...

Thật vinh dự và tự hào, đình, đền làng Chanh quê tôi đã được Nhà nước cấp bằng xếp hạng Di tích Quốc gia (loại hình nghệ thuật kiến trúc).

 Mặt trước đình làng Chanh.

Mặt trước đình làng Chanh.

Trong 2 ngày 6 và 7 tháng 4-2019 (tức ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 3 năm Kỷ Hợi), bà con làng Chanh dù đang sinh sống tại quê hương hay làm ăn, sinh sống xa quê đều cố gắng trở về, tham gia buổi lễ đón quyết định của Nhà nước. Đến chung vui với bà con làng Chanh, về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa; ông Nguyễn Công Việt, Phó giáo sư - Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán nôm. Về phía chính quyền tỉnh Hà Nam có ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh.

Đình làng Chanh được xây dựng vào thế kỷ thứ 18; chạm khắc mang dấu ấn đời Nguyễn. Đình dựng theo kiểu chữ "Công", mặt quay về hướng Bắc. Trước cửa đình có siêu hương diện tích 9 x 9m; mỗi góc là bốn cột gỗ lim đường kính 35 - 40 cm.

Nếu như Đình là nơi thờ 10 vị dương thần, thì đền Chanh lại thờ 3 âm thần được nhân dân bao đời nay ngưỡng mộ, tri ân, đó là: Liễu Hạnh công chúa, Bát nạn phu nhân và Đào Ngọc Hoa thủy sa công chúa. Các vị thần, thành hoàng thờ ở đình, đền Chanh là các vị linh thần có công với dân, với nước; đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.

Điều này đã được khẳng định qua các tài liệu Hán nôm ở địa phương và hồ sơ lưu trữ ở kho tư liệu cổ của Viện Thông tin khoa học, Viện Nghiên cứu Hán nôm và các bản thần tích cùng 19 đạo sắc phong của các triều đại cổ còn lưu giữ được

Có thể nói, hiếm có một ngôi đình nào thờ nhiều Thành hoàng như đình làng Chanh. Mặt đình quay về hướng Bắc nơi có Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến...

Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, bom đạn chiến tranh, một số hạng mục của đình, đền Chanh đã xuống cấp. Nhưng với nỗi niềm đau đáu muốn giữ bằng được "hồn cốt" của quê hương; từ nhiều năm qua, bà con làng Chanh, đặc biệt là gia đình Bác sĩ quân y Trần Văn Thường, cùng một số nhà hảo tâm đã đóng góp nhiều tỷ đồng; bỏ ra nhiều công sức để trùng tu, sửa chữa một số hạng mục đã xuống cấp, nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên giá trị kiến trúc của đình, đền mà cha ông đã để lại cho hậu thế.

Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đình, đền Chanh.

Lễ rước bằng xếp hạng Di tích quốc gia.

Ngoài ra, còn xây mới một số hạng mục, đào ao tạo cảnh quan làm tăng thêm giá trị của di tích. Một số cá nhân không có điều kiện về kinh tế, thì miệt mài sưu tầm, tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị vật thể và phi vật thể của đình, đền làng Chanh, đóng góp những tư liệu quý báu vào hồ sơ xin xếp hạng Di tích quốc gia... Đó là những tấm lòng chân quý, thể hiện tình cảm với quê hương; dù đi đâu, ở đâu,vẫn luôn hướng lòng mình về với cội nguồn...

Đình, đền, chùa ở các làng quê Việt Nam luôn gắn liền với dòng chảy văn hóa dân tộc qua các thời kỳ. Đối với đình, đền Chanh cũng vậy! Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình làng cũng là nơi hội họp của du kích.

Năm 1948, tại đình Chanh, Chi bộ xã Nhân Mỹ quyết định thành lập đội du kích của xã. Đội du kích một thời huyền thoại, với bao chiến công bi hùng đã viết lên lịch sử Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xã Nhân Mỹ giai đoạn kháng chiến chống Pháp - được Nhà nước công nhận.

Với tôi và lớp lớp các thế hệ khác đã sinh ra và lớn lên tại làng Chanh, đình, đền Chanh còn ghi dấu ấn một thời tuổi thơ, chơi bi, chơi khăng, đánh đáo, ô ăn quan... Đó là một miền ký ức tươi đẹp, mãi mãi đi theo tâm tưởng của chúng tôi - những người con sống xa quê hương đến trọn cuộc đời.

Đào Minh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/dinh-den-lang-chanh-noi-goi-nho-ve-mot-mien-ky-uc-540479/