Làng Chăm chăm lo công tác khuyến học

Thời gian qua, cùng với cộng đồng người Kinh, Hoa và Khme, cộng đồng người Chăm trong tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực chăm lo công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hội Phụ nữ Chăm An Giang luôn đồng hành cùng chính quyền, chăm lo công tác khuyến học

Đi đầu trong công tác này, trước hết phải kể đến sự nỗ lực của Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Chăm mà đứng đầu là ông Haji Jacky, Trưởng ban Đại diện. Để phong trào phát triển đồng đều ở các xóm Chăm, ông cùng các xóm Chăm trong tỉnh phát động phong trào chăm lo công tác khuyến học- khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hàng năm, vào thời điểm chuẩn bị khai giảng năm học mới, các địa phương đã phát động “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục”, nhân tháng hành động này, các chùa ở 9 xóm Chăm trong tỉnh đã có nhiều buổi sinh hoạt cộng đồng (vào ngày thứ sáu) để trao đổi, động viên các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường phải tạo điều kiện để các em đến lớp.

“Người Chăm đa phần sống bằng nghề buôn bán. Nhiều hộ gia đình xuống tận Cà Mau, lên Tây Nguyên hay các tỉnh phía Bắc để sinh sống bằng nghề mua bán. Khi đi, họ đưa gia đình cùng đi, vì vậy những năm trước đây, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ra lớp rất thấp. Nay, nhờ làm tốt công tác vận động, tỷ lệ học sinh đến lớp được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể” - ông Haji Jacky chia sẻ.

Ngoài việc động viên cho các em trong độ tuổi đến lớp, các em đang theo học tại các trường hạn chế bỏ học giữa chừng, ban đại diện tìm nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi được đến trường thông qua chương trình “Chắp cánh ước mơ” hoặc “Tiếp bước đến trường”. Hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, nhờ suất học bổng “Chắp cánh ước mơ” với số tiền 10 triệu đồng của Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang mà em mua tập, sách, dụng cụ học tập, quần áo để đến trường. Đây là nguồn động viên rất to lớn đối với bản thân em và gia đình. Em vô cùng biết ơn các cô chú trong ban đại diện đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực giúp em thực hiện được ước mơ để vươn lên lập thân, lập nghiệp, có việc làm ổn định về sau”- em Afan Die Za kria (sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ.

Đảng và nhà nước từ Trung ương đến địa phương quan tâm chăm lo đời sống, xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó đồng bào dân tộc thiểu số Chăm trong tỉnh ra sức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát triển kinh tế...

Kinh tế các xóm Chăm đang hiện chuyển đổi theo hướng đi lên, từ đó đã làm cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục không ngừng phát triển. Đường nông thôn ở các xóm Chăm cơ bản đã được nhựa hóa 100%. Đã thành lập được 6 khu dân cư: Quốc Thái, Nhơn hội, Vĩnh Trường (An Phú), Châu Phong (TX. Tân Châu), Khánh Hòa (Châu Phú). Nhờ đó, người Chăm đã có cuộc sống ổn định, đời sống phát triển, các gia đình người Chăm quan tâm chăm lo việc học hành của con em. Hiện nay, tại các trường học trong xóm Chăm, ngành giáo dục còn dạy song ngữ ở các trường, từ đó giúp học sinh là con em người Chăm hòa nhập cộng đồng dễ dàng.

“Công tác khuyến học tại các xóm Chăm trong tỉnh luôn được thực hiện song song với công tác giảm nghèo. Để có được nguồn lực thực hiện công việc này, đa phần kinh phí phải vận động từ nhiều nguồn khác nhau, nhờ đó ở các xóm Chăm trong tỉnh nhiều gia đình tiếp tục chăm lo cho con em đến lớp. Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh chăm lo công tác khuyến học trong thời gian tới” - ông Haji Jacky chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/lang-cham-cham-lo-cong-tac-khuyen-hoc-a285877.html