Làng chài nổi cổ xưa trên miền di sản thiên nhiên thế giới

Cửa Vạn là làng chài nổi cổ xưa trên Vịnh Hạ Long, lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo và từng được đưa vào danh sách 16 làng cổ nổi tiếng nhất thế giới.

 Cách bờ gần 20 km, Làng chài Cửa Vạn là một phần trong tuyến tham quan số 3 trên Vịnh Hạ Long. Để ra được làng, du khách có thể đi thuyền từ khu vực Bến Đoan hoặc Tuần Châu, thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ và đi qua một số địa điểm nổi tiếng khác trên Vịnh Hạ Long như Đảo Ti tốp, Hang Sửng sốt... Hành trình ra Cửa Vạn du khách có thể thoải mái ngắm nhìn phong cảnh hữu tình, vịnh, trời xanh, biển xanh, những ngọn núi trùng điệp và đặc biệt là rất lặng sóng.

Cách bờ gần 20 km, Làng chài Cửa Vạn là một phần trong tuyến tham quan số 3 trên Vịnh Hạ Long. Để ra được làng, du khách có thể đi thuyền từ khu vực Bến Đoan hoặc Tuần Châu, thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ và đi qua một số địa điểm nổi tiếng khác trên Vịnh Hạ Long như Đảo Ti tốp, Hang Sửng sốt... Hành trình ra Cửa Vạn du khách có thể thoải mái ngắm nhìn phong cảnh hữu tình, vịnh, trời xanh, biển xanh, những ngọn núi trùng điệp và đặc biệt là rất lặng sóng.

Từ trên cao nhìn xuống, Cửa Vạn giống như một thiên đường nhiệt đới, xung quanh là những ngọn núi phủ đầy cây xanh và nước biển trong và xanh nhạt vì không quá sâu. Năm 1963, làng chài Cửa Vạn được thành lập sau khi tập trung ngư dân sống rải rác trên các con thuyền lênh đênh trên vịnh về đây. Thời điểm đó, Cửa Vạn là làng chài lớn nhất trong số 7 làng chài trên Vịnh Hạ Long với hơn 100 hộ dân và gần 600 nhân khẩu và từng được trang du lịch Journeyetc.com đưa vào danh sách 16 ngôi làng cổ đẹp nhất thế giới.

Đến năm 1996, hình thức nuôi cá lồng bè xuất hiện, từ đó người dân dần dần chuyển từ tàu, thuyền lên nhà nổi, sống cố định hơn chứ không còn lang thang chài lưới trên biển nữa. Từ xa nhìn vào, Cửa Vạn nhấp nhô những mái nhà nổi, lồng nuôi cá và tàu thuyền các loại. Lợi dụng địa hình như thung lủng khoét vào lòng biển, những ngôi nhà ở đây quanh năm không bị sóng to, gió lớn đe dọa, dưới là nước, trên là núi tạo nên hình ảnh ấn tượng với khách du lịch.

Năm 2014, thành phố Hạ Long có chủ trương đưa dân chài định cư nên gần như toàn bộ dân số của làng Cửa Vạn đều về bờ sinh sống. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 13 hộ ở lại làng làm nghề nuôi cá lồng bè nhưng chỉ là các lao động chính, trẻ em và người lớn tuổi đều có chỗ ở ổn định trên bờ. Ngoài sản xuất thủy sản, những người dân này cũng tham gia vào hoạt động du lịch như chèo thuyền, đò chở khách hay tái hiện các hoạt động văn hóa truyền thống trên biển.

Mặc dù có nhà trên đất liền nhưng nhiều trẻ em vẫn theo bố mẹ ra nhà bè, nhất là vào thời gian nghỉ hè. Ngoài phụ giúp việc gia đình, các em cũng có thể hỗ trợ khách du lịch đến thăm làng. Chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ, những đứa trẻ này có thể di chuyển thuần thục trên biển chẳng khác gì đi xe đạp trên bờ.

Một căn nhà nổi điển hình của người dân làng chài Cửa Vạn và hiện nay có hơn 20 nhà nổi được bảo tồn để phục vụ khách du lịch tham quan. Tùy thuộc vào thời gian, ngoài làng chài Cửa Vạn, du khách mua vé tuyến số 3 có thể đi thăm thêm Hang Tiên Ông, Áng Dù, Cọc Chèo hay Hồ Ba Hầm.

Để duy trì hoạt động du lịch tại đây, ngoài các nhà nổi còn có Trung tâm bảo tồn văn hóa biển, được xây dựng vào năm 2006 dưới sự tài trợ của Chính phủ Na Uy. Khu vực này bao gồm bảo tàng trưng bày các hiện vật thể hiện truyền thống văn hóa, sinh hoạt của người Cửa Vạn, khu lớp học nổi, nhà nổi dành cho giáo viên, thư viện... Đây cũng là điểm soát vé cho các du khách trước khi bắt đầu tham quan làng, giá vé tuyến số 3 trên Vịnh Hạ Long hiện nay có giá 200.000 đồng, nếu muốn trải nghiệm cảm giác ngủ lại qua đêm, du khách sẽ phải trả thêm 550.000 đồng nữa.

Hiện nay, trung tâm có 22 cán bộ, chia nhau làm việc tại 2 điểm chính là Làng chài Cửa Vạn và Hang Tiên Ông với quân số ít nhất là 70%, 30% còn lại sẽ được nghỉ luân phiên nhưng thường tránh các ngày cuối tuần vì lượng khách đông. Ban đêm, sẽ có ít nhất 4 cán bộ trực, chia đều tại Cửa Vạn và Hang Tiên Ông. Đa số các cán bộ của Trung tâm bảo tồn văn hóa biển ở Cửa Vạn là con em của làng, chuyển từ đi biển sang làm du lịch.

Lớp học nổi là một phần trong khu bảo tồn của làng Cửa Vạn, đây là nơi trẻ em được dạy học từ năm 2000 cho đến khi chính sách định cư lên bờ của thành phố được triển khai. Nhờ gìn giữ được các hiện vật như vậy, Cửa Vạn là một điểm đến hấp dẫn với các du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 khách ra thăm làng và một phần không nhỏ trong số đó còn ở lại qua đêm để trải nghiệm cuộc sống của người dân chài trước đây.

Ngoài tham quan các khu vực bảo tồn hay thưởng thức các màn biểu diễn văn hóa truyền thống, du khách đến với Cửa Vạn cũng có thể trải nghiệm việc làm ngư cụ, chăm sóc cá, đánh cá, câu mực vào ban đêm nhưng chưa chính thức nên mới dừng lại ở hình thức khách yêu cầu thì sẽ được bố trí.

Không chỉ có hoạt động du lịch, các gia đình ở Cửa Vạn hiện nay còn phát triển rất tốt nghề nuôi thủy sản lồng bè, đặc biệt là các loại cá có giá trị kinh tế cao như vược, song... Theo ông Nguyễn Minh Nghĩa, Tổ trưởng tổ quản lý Hang Trai – Hang Đầu Bê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện nay làng có khoảng 15 ha mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, đem lại kinh tế ổn định cho 13 hộ dân vì đầu ra ổn định, không bấp bênh như đi biển.

Với những cách làm trên, Làng chài Cửa Vạn đang là một mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa đặc sắc bản địa thành công của tỉnh Quảng Ninh. Người dân trong làng không còn phải lang thang đánh bắt trên biển nữa mà chuyển sang sản xuất tập trung, con em của làng có thể tham gia vào các hoạt động du lịch, vừa có thu nhập ổn định, vừa gìn giữ được những nét văn hóa của ông cha để lại.

Tùng Đinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lang-chai-noi-co-xua-tren-mien-di-san-thien-nhien-the-gioi-d271931.html