'Làng chài' bên bờ sông Hàn

Nằm sát bên bờ sông Hàn, Khu dân cư làng cá Địa Bảo (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) là thế giới thu nhỏ của ngư dân Đà Nẵng mà ở đó, mỗi gia đình là một mảnh ghép, phản ánh chân thực đời sống của những người dân vốn sống dựa vào biển. Qua thời gian, thành phố ngày càng phát triển, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng không vì thế mà làm mất đi tinh thần cộng đồng vốn đã hình thành từ rất lâu của những con người mộc mạc, chân chất này.

Người dân ở Khu dân cư làng cá Địa Bảo gỡ lưới sau mỗi chuyến đi biển về. Ảnh: Trúc Hà

Người dân ở Khu dân cư làng cá Địa Bảo gỡ lưới sau mỗi chuyến đi biển về. Ảnh: Trúc Hà

Khu dân cư làng cá Địa Bảo vốn là khu tái định cư được bố trí chủ yếu cho những hộ dân thuộc “xóm nhà chồ” ven sông Hàn trước năm 2005 theo chủ trương của thành phố Đà Nẵng. Với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân từ bỏ những mái nhà liêu xiêu được ghép bằng đủ thứ tôn, gỗ, vỏ bao, hộp giấy nằm dọc sông và “chồ” ra cả mép nước, về làm nhà trên những lô đất rộng rãi, vuông vắn.

Giờ đây, nhà cửa san sát, cây cối đã phủ xanh những con đường ô bàn cờ. Hàng ngày, những phụ nữ luống tuổi ngồi từng nhóm hàn huyên, trò chuyện. Thói quen này hình thành từ việc đàn ông đi biển, phụ nữ ở nhà trông con, chờ chồng về mang cá ra chợ bán. Cứ tầm tháng 9 âm lịch, những người đàn ông trong xóm lại sửa soạn lưới, vệ sinh lại ghe để bắt đầu những chuyến đi lưới trong ngày. Tùy theo con nước, khi thì xẩm tối xuất bến, sáng sớm về, hoặc 1-2 giờ sáng đi, đầu giờ chiều về.

Những năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng có chủ trương xả bản các phương tiện nhỏ để bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ nên việc đi lưới ngày chỉ còn vài hộ duy trì. Nhiều khi, đàn ông đi lưới không chỉ vì có thêm thu nhập, mà đôi khi là ăn cá lưới tươi, ngọt quen rồi, giờ ăn cá bến (cá đi tàu đánh bắt xa bờ về) không quen. Vừa gỡ những chú cá giò chỉ bằng 2 ngón tay, ông Trần Văn Phi vừa bảo: “Chỉ hơn chục năm trước, mỗi lần đi biển về lưới dính đầy ghẹ, tôm. Cá giò cứ phải nửa bàn tay, cá hanh bằng vài lạng không ai mua. Giờ thì cá hiếm quá”. Bởi vậy, hôm nào đi lưới được nhiều thì hàng xóm mua lại, nếu được ít thì ông Phi làm mồi nhậu với bạn bè hoặc vợ ông kho mặn ăn trong ngày. Cuộc sống cứ trôi đi trong sự đơn giản như thế.

Nhà ông bà Thanh, Xí là một trong những hộ khá giả nhất ở Khu dân cư làng cá Địa Bảo. Ông bà không chỉ nuôi mà còn mở vựa hải sản kinh doanh, đổ mối cho các nhà hàng, các tiểu thương trong chợ. Ở vịnh Mân Quang, ông bà có cả chục lồng, bè chuyên nuôi cá mú, vẹm xanh, nhưng chủ yếu là hàu sữa - thứ sinh vật ưa sống trong những chiếc lốp xe máy cũ ngâm dưới vịnh. Tháng 11, vợ chồng ông cùng con cái tập trung thả giống, tháng 3, 4 năm sau sẽ cho thu hoạch. Tháng 5, mọi người lại tiếp tục thả giống lứa mới để rồi 6 tháng sau có thể thu hoạch thành quả của mình. Hàu nuôi ở vịnh Mân Quang béo, ngọt thịt, các nhà hàng rất chuộng. Những năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng tăng nên lượng hải sản tiêu thụ ngày càng lớn. Nhà ông bà Thanh, Xí phải nhập thêm hải sản từ Nha Trang, Hải Phòng, Quảng Ninh. Bà Xí đã gần 60 tuổi, cả ngày bận bịu với các bè hải sản, thế nhưng buổi chiều từ 4 đến 6 giờ lại mang vẹm xanh, hàu, ốc ra ngã ba Hồ Hán Thương và Dương Lâm, cách nhà hơn trăm mét để bán. Các con học được tính chịu thương, chịu khó của bà nên dù là gái hay trai, cứ sáng sớm đã sơ chế, đóng bao hải sản và chở cho khách, khi cả xóm đã đi ngủ trưa thì mới ngả cơm ra ăn. Bù lại, anh chị em ai cũng có nhà riêng, đi xe tay ga đắt tiền, con được học trường chất lượng cao...

Anh Lập là người hiếm hoi trong xóm còn theo bạn trên những con tàu đánh bắt xa bờ. Nhà anh cũng thuộc diện khá giả khi các con đã trưởng thành, chị Cúc - vợ anh hàng ngày chạy chợ ngoài cảng cá Thọ Quang. Trước đây, mỗi chuyến đi biển, anh được chia có khi cả chục triệu đồng. Số tiền ấy, anh chị đã cất được nhà, cho con cái ăn học thành nghề. Những năm gần đây, đi biển ít trúng, thu nhập giảm, nhiều người đã bỏ nghề, anh Lập bảo: “Từ bé tôi đã đi biển nên giờ mà bỏ biển thì nhớ. Hơn nữa, có lên bờ cũng không biết làm nghề gì”. Mỗi khi có ai hỏi chuyện ngoài khơi xa có gì, anh lại sôi nổi kể về những chuyến lênh đênh trên biển cả tháng trời. Khi còn trẻ, tàu anh đã tới tận vùng biển Philippines là bình thường. Sau này, khi được tuyên truyền về phạm vi vùng đánh bắt, tàu các anh chỉ đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Anh bảo: “Dân Đà Nẵng mình hiền, tuân thủ nghiêm pháp luật. Trong khi tỉnh khác có tàu bị nước ngoài bắt giữ vì vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy, hải sản thì Đà Nẵng không có trường hợp nào. Ra đánh bắt vùng biển nước ngoài, có thể nhiều cá hơn, nhưng nguy hiểm. Thôi thì cứ tuân thủ pháp luật là sống khỏe”. Tôi khá bất ngờ khi chỉ là một thuyền viên đi bạn thôi mà anh Lập lại hiểu biết như thế, anh bảo: “Lần nào đi biển, qua trạm kiểm soát, cán bộ BĐBP cũng nhắc nhở, lại còn phát cả tờ rơi tuyên truyền pháp luật. Đi biển lúc nào rảnh lại mang ra đọc. Đọc nhiều nên nhớ”.

Hôm nào cũng thế, trừ ngày bão, còn trời có mưa như trút hay lạnh thấu xương thì cứ 23 giờ 30 phút, chị Cúc lại dắt xe ra khỏi nhà ra cảng cá Thọ Quang. Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng, chị thu mua cá của các tàu đậu trong âu thuyền, sau đó bán lại cho các tiểu thương về bán lẻ ở chợ. Chị Cúc tính tình rất xởi lởi. Chồng đi bạn, khi về được chủ tàu chia cá, chị chia lại cho hàng xóm, coi như “lộc biển”. Đợt nào anh Lập được chia ít, chị lại ra chợ mua thêm về chia đủ cho mọi người. Cái tình ấy chỉ có người làm nghề biển mới có.

Nhà ông bà Thanh, Xí sơ chế hàu để bán cho khách. Ảnh: Trúc Hà

Thêm một “gam màu” không thể không nhắc đến trong bức tranh cuộc sống của Khu dân cư làng cá Địa Bảo, đó là những người lính đang công tác tại Bộ Chỉ huy BĐBP Đà Nẵng, như Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Thiếu tá Trần Duy Tuấn, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hà, Thiếu tá Mai Hoài Linh. Trong đó, thú vị hơn cả là câu chuyện về gia đình Thiếu tá Trần Duy Tuấn. Bố vợ của Thiếu tá Trần Duy Tuấn là ông Trần Xuân Hữu, Tổ trưởng Tổ dân phố 10 và anh cũng sở hữu nhà ở đường Nguyễn Thị Ba (thuộc Khu dân cư làng cá Địa Bảo). Mọi người vẫn nói vui với nhau rằng, sở dĩ, ông Hữu được bầu làm Tổ trưởng không chỉ vì lối sống gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung, mà còn vì ông có con rể là BĐBP. Có sống cùng mới hiểu được mối liên hệ giữa ngư dân với những người lính quân hàm xanh. Các anh không chỉ là điểm tựa cho ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, mà còn là nơi bà con tìm đến khi cần lời giải đáp cho những câu chuyện mang tính thời sự.

13 năm, cuộc sống của người dân đã ổn định tại Khu dân cư làng cá Địa Bảo. Không có quá nhiều thay đổi khi người lớn vẫn duy trì lối sống giản dị theo nếp sống cũ. Chỉ khác là những đứa trẻ được đi học, từ đó có thêm cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-chai-ben-bo-song-han/