Làng chài An Cường đang 'giàu chậm'

Làng chài An Cường (thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nằm trên nhánh rẽ của khu đô thị Vạn Tường – Dung Quất. Trước mặt làng là bãi biển và bờ cát trắng muốt; rìa làng là một gành đá với những phiến đá xếp chồng lô nhô. Buổi sáng, gành đá được dát ánh vàng từ mặt trời mọc và buổi chiều hơi pha sắc tím khi mặt trời ngả về bên kia núi...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải tuần tra trên bãi biển An Cường. Ảnh: Lê Văn Chương

Trên bản đồ, ngôi làng ít người biết đến, nhưng lại có vị trí quan trọng về chiến lược phòng thủ bờ biển. Trận đánh Vạn Tường vào ngày 18-8-1965, lính Mỹ đã cho xe tăng M113 từ ngoài biển đổ bộ vào bãi biển An Cường, tạo thế gọng kìm bao vây quân chủ lực của cách mạng ở thôn Vạn Tường.

Gần 53 năm sau sự kiện bánh xích xe tăng nghiến trên bờ biển của làng quê này, An Cường chỉ còn lưu dấu bằng tấm bia khắc chữ về trận đánh. Những người lớn tuổi nhất trong làng thì vắt dòng ký ức để kể chuyện. An Cường giờ đây đã trở thành một làng chài êm đềm và có nhiều nét đẹp mà không phải ai cũng biết.

Buổi sáng mát lành, khi tiếng kẻng vang lên từ Đồn Biên phòng Bình Hải cũng là lúc từng tốp ngư dân đi trên thuyền thúng trở về bến. Toàn thôn có 400 thúng máy lẫn thúng chèo, chỉ có 16 chiếc thuyền nhỏ. Nhà ở của những người dân chài nằm gần biển.

Mỗi buổi chiều, bãi biển trở thành sân chơi cho lũ trẻ trong làng. Những người già và phụ nữ ra bãi cát ngồi ngắm những chiếc thúng chèo bơi ra biển đánh cá cho đến khi mặt trời khuất bóng. Cuộc sống nơi đây cứ trôi trong sự bình lặng.

Nếu ai đó chỉ đưa ra phép tính đơn thuần về mặt kinh tế thì sẽ thấy bi quan về sản lượng cá, vì làm nghề thúng mỗi đêm chỉ thu được vài chục ki-lô-gam, còn nghề giã cào mỗi đêm cũng được 3-5 tấn hải sản. Nhưng, nếu ai xem trọng việc bảo tồn biển thì bức tranh từng đoàn thúng trở về bến là dấu hiệu của một làng biển thanh bình, cá tôm dồi dào, người dân “giàu chậm” nhưng bền vững. Vùng biển An Cường có gành đá kéo dài vài ki-lô-mét, vì vậy các loại hải sản có điều kiện sinh sôi.

Cựu chiến binh Hoàng Văn Tiến, người từng giữ chức Trưởng thôn An Cường vài nhiệm kỳ, ông cũng là một “cựu binh” của biển cả. Tính cách thật thà của ông trưởng thôn này được bộc lộ ngay từ lúc mới gặp. Ông Tiến kể, cách đây 10 năm về trước, người dân An Cường phải khăn gói đi khắp nơi, vào Phước Tĩnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) để đi bạn cho tàu cá làm nghề giã cào; đi làm mướn ở thành phố Hồ Chí Minh, đưa gia đình vào sinh sống ở huyện La Gi, tỉnh Bình Thuận và lập ra làng An Cường 2. Nhưng đến giờ này, nhiều người đã bắt đầu quay về, vì ở đây đã qua thời sống nghèo, cá đánh được ít nhưng có giá, bà con chòm xóm gần gũi, không khí mát lành, sống rất sướng vì không bị ô nhiễm.

Cũng vì nhận ra được giá trị của An Cường mà đến nay, nhiều người từng ra đi từ nơi này đã trở về quê phát triển nghề biển theo cách của bãi ngang. Cuộc sống của 520 hộ và 2.900 nhân khẩu giờ đây đã ổn định. “Mỗi ngư dân ở đây đánh bắt mỗi năm cũng kiếm được 70 triệu tới 100 triệu đồng, người khá hơn thì 120 triệu đồng. Mùa tôm nhí từ tháng 11 tới tháng Chạp là trúng lớn” – Ông Tiến kể về cuộc sống hiện tại của làng An Cường.

Gặp những ngư dân trẻ tuổi, họ vui mừng nói về chuyện con cá kình hồi xưa giá trị rất thấp, còn bây giờ giá tới 50 nghìn đồng/kg. Mỗi đêm, chèo thúng ra biển, sáng vào bờ cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Còn những ngư dân lớn tuổi thì kể chuyện cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải những ngày xây dựng đồn, chất bờ tường, đi bộ vài ki-lô-mét cấy lúa, trồng mì để thoát cơn đói. Những người lớn tuổi hơn ông Tiến thì nhớ như in những người lính Biên phòng từ ngày mới thành lập đồn sau năm 1975; những chàng tân binh được tăng cường từ Bình Định ra như anh Lá, anh Hoàng, anh Trung...

Kẻng báo thức buổi sáng trên Đồn Biên phòng Bình Hải vang lên là lúc vợ các ngư dân chạy ra bến đón thúng, giũ cá, chuẩn bị chạy chợ. Tiếng kẻng là hiệu lệnh trong ngày của bộ đội, nhưng cũng “lập trình” luôn cho người dân nơi đây thói quen giờ giấc. Kẻng báo thức là thúng vào bến; kẻng cơm buổi sáng thì vợ các ngư dân chở cá vội vã băng qua trước cổng đồn Biên phòng để lên chợ Bình Hòa... Kẻng giao ban buổi chiều là lúc các cặp vợ chồng gồng gánh lưới, mang thức ăn ra thúng và chiếc thúng nhỏ lại bắt đầu một đêm trên biển cả.

Thúng chèo trở về gành An Cường lúc bình minh. Ảnh: Lê Văn Chương

Con đường chính của làng đi trước cổng đồn. Chỉ cần nhìn vợ ngư dân xuôi ngược qua con đường này là có thể biết được cuộc sống thăng trầm của làng chài. Nhiều năm trước, làng chài quá nghèo, việc mang cá chạy chợ được chị em gồng gánh, chạy bộ. Cho đến thời khá hơn thì oằn lưng trên chiếc xe đạp thồ. Còn thời đói kém, những người phụ nữ phải đội rổ cá trên đầu chạy 5km lên chợ Bình Hòa.

An Cường nằm sát biển, nhưng một thời vẫn khô khát nước. Đào giếng xuống vài mét là gặp đá tảng. Cả thôn chỉ có vài giếng nước, trong đó có một giếng ở đầu làng được khắc chữ Đồn 598, nên người trong làng gọi là giếng Đồn. Giếng Đồn trở thành nơi múc nước sinh hoạt của Đồn Biên phòng Bình Hải và người dân đầu xóm. Việc tắm, giặt, sinh hoạt của bộ đội và người dân cùng diễn ra bên cạnh chiếc giếng nhỏ. Gần gũi đến vậy, nên một thời có vài chiến sĩ, dù chê gái An Cường da đen láng và “đượm mùi cá”, nhưng vẫn kết duyên.

Vài năm gần đây, An Cường đã có công trình nước sạch, giếng Đồn chỉ còn là địa danh của quá khứ. Những cô gái An Cường giờ đây đã thay đổi nước da, do không còn phải làm việc quăng quật ngoài biển như người đàn ông. Vài tổ ấm của con em địa phương và người lính Biên phòng tiếp tục mọc lên và có một thế hệ con em Biên phòng được sinh ra, sau này có thể nối nghiệp tiếp tục bảo vệ biên giới, biển, đảo.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lang-chai-an-cuong-dang-giau-cham/