Làng Bừng - Ngọn lửa Cách mạng Tháng Tám

Ở Bắc Giang có một ngôi làng mang tên Bừng nổi danh trong Cách mạng Tháng Tám. Làng được ví như vùng đất thép, thành đồng xứ Bắc, che chở cán bộ, chiến sĩ và góp công quan trọng vào thắng lợi chung, Bắc Giang là 1 trong 4 tỉnh dành chính quyền sớm nhất.

Về lại mảnh đất Bừng hôm nay, chúng tôi được nghe chứng nhân sống kể những câu chuyện oanh liệt về một thời: “Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng”.

Nơi che chở cán bộ, chiến sĩ

Chúng tôi về làng Bừng (nay thuộc 4 thôn: Tề, Trung, Thuận, Đông), xã Tân Thanh, Lạng Giang, Bắc Giang vào những ngày tháng 8 khi tiết trời dần chuyển sang thu. Về vùng quê cách mạng để hồi nhớ lại mùa thu hào hùng của 73 năm trước, khi “Người Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những dấu tích thời khởi nghĩa cách mạng đã chìm lấp sau những tòa nhà cao tầng, dưới con đường nhựa trên vùng quê đang ngày ngày thay da đổi thịt. Còn những chứng nhân sống giờ đây đã U90, 100 tuổi.

Chúng tôi may mắn được anh Dương Ngọc Quyến, trưởng thôn Tề, dẫn tới nhà ông Nguyễn Khắc Nhượng, năm nay đã 91 tuổi, là chứng nhân hiếm hoi trong câu chuyện xưa. Ông Nhượng là ông giáo già, được coi là kho sử sống của làng Bừng hiện nay.

Ông cho biết: “Tên cũ của làng là Chuyên Mỹ dưới thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sau đó đổi tên thành Bừng sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời. Tên Bừng mang hàm ý cả làng bừng cháy, một lòng đi theo cách mạng”. Làng Bừng là điểm trung chuyển các chiến sĩ cách mạng giữa vùng Cao Bằng, Thái Nguyên (cơ quan đầu não của Việt Minh) xuống các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, rồi ra khu Đông Triều (Quảng Ninh). Làng Bừng có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa để Mặt trận Việt Minh quyết định lập căn cứ địa cách mạng ở đây.

Từ cuối năm 1941, nhiều chiến sĩ cách mạng chủ chốt của Mặt trận Việt Minh đã được cử về làng Bừng bí mật hoạt động. Cụ Giáp Văn Oanh là người đầu tiên được giác ngộ đi theo cách mạng. Căn nhà đắp đất, mái lá của cụ Oanh đã trở thành nơi đón tiếp, che chở của các chiến sĩ cách mạng như: Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị, Hà Thị Quế, Lê Quang Đạo, Trung tướng Lư Giang… Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã từng đóng vai thầy giáo về làng Bừng dạy học, nhằm đào tạo và tuyên truyền đường nối của Đảng, của Mặt trận Việt minh đến những người chiến sĩ và giác ngộ cách mạng ở làng.

Những cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng hoạt động tại làng Bừng.

Những cán bộ, chiến sĩ cách mạng từng hoạt động tại làng Bừng.

Ông Nhượng hiện này còn giữ được một số tư liệu quý về lịch sử làng Bừng. Trong những bức ảnh đen trắng đã ố mờ cùng thời gian, chúng tôi chú ý đến đến tấm hình chụp năm 1977. Đứng giữa bức hình là một người đàn bà trung tuổi với nụ cười tươi tắn. Ông Nhường cho biết đó chính là bà Hà Thị Quế, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ.

Bà được gọi với cái tên “Nữ tướng Việt Minh”, “Bà tướng không quân hàm”. Năm 1943, khi mới ngoài 20 tuổi, bà đã tới làng Bừng bắt mối liên lạc với các đồng chí cách mạng đang hoạt động trong vùng. Để tránh tai mắt địch, bà Quế thường phải cải trang thành thôn nữ đi cấy, đi bán rau hoặc xay thóc, trồng ngô… Thời gian hoạt động ở làng Bừng, bà Quế chính là người trực tiếp in báo Phục Quốc, rồi sau đó mang ra Nghè Vườn Hơm phơi, và bí mật phân phát đi các nơi.

Những chiến công vẻ vang

Nửa cuối năm 1944, chàng thanh niên dân tộc Nùng tên Lê Bá Ước (tức Trung tướng Lư Giang), người con vùng đất Lục Nam, Bắc Giang đã được tổ chức Việt Minh phân về làng Bừng để huấn luyện dân sĩ, tổ chức đấu tranh vũ trang. Trung tướng Lư Giang khi còn trẻ đã học thông thạo môn võ cổ truyền và những bài võ bí truyền của đồng bào Nùng. Ông cũng cưỡi ngựa giỏi, sử dụng súng và mã tấu thuần thục.

Trung ướng Lư Giang và bà Hà Thị Quế nhanh chóng tập hợp được gần 50 người làng Bừng tham gia rèn luyện vũ trang tinh nhuệ, có thể sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Ông Nhượng kể: “Ban ngày mọi người vẫn đi làm đồng và các công việc nhà. Đến buổi tối, bà Quế và ông Giang tập trung mọi người lại, để huấn luyện võ thuật, tập cưỡi ngựa, bắn súng, sử dụng mã tấu”.

Sau một thời gian tập luyện, đến tháng 2-1945, đội du kích vũ trang làng Bừng đã chính thức ra đời ở khu vực Nghè Vườn Hơm, dưới sự chứng kiến của bà Hà Thị Quế và ông Hồ Công Lạng (nguyên bí thư tỉnh Thái Nguyên). Chiến công đầu tiên của đội du kích vũ trang làng Bừng là vào ngày 6-3-1945, đội đã chặn và cướp lại được 3 thuyền chở thóc của phát xít Nhật đang chở trên sông Thương. Tiếp sau đó, vào cuối tháng 3-1945, đội tiêu diệt được tên Việt gian Nguyễn Văn Y cùng gã võ sĩ kiếm đạo người Nhật.

Tháng 4-1945, bà Hà Thị Quế dẫn theo một số anh em trong đội du kích vũ trang làng Bừng sang vùng rừng núi huyện Yên Thế tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, vào ngày 15-4-1945, bà Quế và ông Cát Lượng (sau này trở thành Thiếu tướng, Trưởng ban kiểm tra Quân khu 1) đã phối hợp đội du kích vũ trang làng Bừng cùng lực lượng cứu quốc quân đóng tại đây đánh chiếm đồn Yên Thế.

Trận đánh diễn ra chớp nhoáng và đã dành thắng lợi lớn, chúng ta thu được 17 súng, 2 máy đánh chữ, tiêu hủy toàn bộ sổ sách, giấy tờ. Ngày 18-7-1945, bà Hà Thị Quế chỉ huy đội quân du kích làng Bừng kết hợp với cứu quốc quân đã giải phóng hoàn toàn các đồn, phủ ở huyện Yên Thế, Tân Yên (Bắc Giang). Đến nay ở ngôi chùa Nam Thiên, Thị trấn Nhã Nam, Tân Yên có khắc 2 câu ca: “Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế/ Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”.

Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật buông súng đầu hàng quân Đồng minh. Nhận thấy đây là thời cơ ngàn năm có một, Đảng, Mặt trận Việt Minh đã quyết định tổng khởi nghĩa dành chính quyền trong cả nước. Bắc Giang chính là tỉnh lị tiên phong trong cuộc tổng khởi nghĩa ấy. Đêm ngày 17-8-1945, Chủ tịnh ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bắc Giang khi đó là ông Nguyễn Thanh Bình đã huy động đội tự vệ vũ trang làng Bừng cùng một số chiến sĩ ở những nơi khác tiến về Phủ Lạng Thương để chiến đấu, bảo vệ tỉnh lị, giải giáp quân Nhật.

Do Nhật đã đầu hàng từ trước, cùng với khí thế cách mạng dâng lên mạnh mẽ, khiến tên quan tỉnh ở Phủ Lạng Thương Nguyễn Ngọc Đĩnh nhanh chóng phất cờ trắng đầu hàng. Do đó cuộc nổi dậy dành chính quyền ở Bắc Giang vào đêm 17-8-1945, chiến sĩ không phải đổ máu. Đến sáng 18-8-1945 chính quyền Phủ Lạng Thương đã chính thức về tay cách mạng, về tay nhân dân. Bắc Giang đã trở thành 1 trong 4 tỉnh (cùng với Hải Dương, Hà Tĩnh và Quảng Nam) giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Ngay trong ngày chính quyền ở Bắc Giang hoàn toàn về tay nhân dân, đội du kích vũ trang làng Bừng đã tập hợp với các chiến sĩ ở khắp nơi thành lập liên đội du kích vũ trang, mang theo súng, cờ đỏ sao vàng tiến về Hà Nội cướp chính quyền vào đêm 18 rạng sáng 19-8-1945. Trên quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội sáng 19-8 lịch sử ấy có mặt những chiến sĩ yêu nước làng Bừng. Họ hòa cùng đoàn quân đi mít tinh, tuần hành và cướp chính quyền ở cơ quan đầu não của phát xít Nhật.

Với những chiến công và đóng góp cho thành công chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám, làng Bừng được Nhà nước trao tấm bằng “Có Công với nước” cho toàn thể cán bộ, nhân dân làng Bừng do đích thân cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Ông Nhượng cho biết đến nay hiếm có ngôi làng nào được trao một tấm bằng danh giá như vậy.

Nguyễn Hường

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/lang-bung-ngon-lua-cach-mang-thang-tam-61011.html