Làng Bảo Thượng - nơi nuôi chí lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Làng Bảo Thượng (xã Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) nằm khiêm nhường bên con sông Ngàn Phố. Nơi đây đã nuôi dưỡng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nghiệp lớn làm thầy thuốc cứu dân.

Những ngày tháng Giêng, chúng tôi về thăm lại làng Bảo Thượng đúng vào dịp chính quyền, nhân dân Hương Sơn đang tưng bừng tổ chức lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác năm Kỷ Hợi 2019.

Toàn cảnh khuôn viên nhà thờ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang. Ảnh: Minh Lý

Làng Bảo Thượng xưa là chốn thâm sơn cùng cốc nhưng phong cảnh hữu tình, nhân dân ở đây sống hòa thuận cùng nhau bên nếp nhà tranh. Đền thờ Lê Hữu Trác cổ kính ngày nay có vườn đào, núi, hồ sen từng là nhà của Hải Thượng Lãn Ông sống và đón tiếp bệnh nhân, cùng với các kỷ vật như bàn, tủ, dao cầu và cả những bức hoành phi viết bằng chữ Hán đã nhuốm màu thời gian.

Nhà văn hóa thôn Bảo Thượng. Ảnh: Thanh Hoài

Dẫn chúng tôi thăm vườn đào nay là khu vườn nhà thờ Hải Thượng, ông Lê Hữu Dũng - cháu đời thứ 8 của dòng họ Lê Hữu trò chuyện: Khu vườn đào rộng 6 mẫu, chính nơi đây cụ Lê Hữu Trác thường xuyên quan sát hướng gió để xem mạch, chữa bệnh và là chốn tri ân, nơi ông thường cùng bạn bè ngắm trăng, đón gió, đánh cờ, đọc sách và ngâm vịnh thơ ca.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UBND huyện Hương Sơn tổ chức long trọng. Ảnh: Minh Lý

Ông Dũng kể tiếp, vào khoảng năm 1750, sau khi cụ rời quê cha Hải Dương, danh y về quê mẹ làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc. Danh y tìm đọc các sách, đêm ngày miệt mài, tiếc từng giây, từng phút. Và cũng từ đấy, danh y lấy biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông.

Do kiến thức rộng, chẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn Ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa mãi không khỏi. Tên tuổi Hải Thượng vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, ra tới tận kinh thành Thăng Long. Cũng trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh, cứu người, Hải Thượng còn mở trường đào tạo thầy thuốc. Người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học rất đông. Ngoài ra, ông còn tổ chức ra Hội y, nhằm đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và để có cơ sở cho họ liên lạc, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Xã Sơn Quang ngày càng khởi sắc

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng thôn Bảo Thượng cho biết: “Thôn Bảo Thượng ngày nay là vùng đất trù phú, toàn thôn hiện có 140 hộ, chủ yếu sống bằng nghề nông. Nhân dân trong thôn từ bao đời nay gắn bó, đoàn kết”.

“Làng Bảo Thượng khó khăn xưa kia, hôm nay đã đổi thay nhiều lắm, cuộc sống người dân đã được nâng lên rất nhiều. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, đường sá, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng hiện đại, khang trang, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Niềm vui lớn nhất của người dân Bảo Thượng là đã chung tay cùng toàn xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên cao, với thu nhập bình quân đầu người trên 28 triệu đồng/năm” - ông Hoàng vui mừng chia sẻ.

Những thay đổi của Bảo Thượng hôm nay, như một lời đáp nghĩa với ân tình Đại danh y Lê Hữu Trác từng tâm huyết dành cho nơi này.

Ninh Hà

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/lang-bao-thuong-noi-nuoi-chi-lon-cua-dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong/168852.htm