Làng Báo chí xưa và nay

Sài Gòn có một xóm nhỏ từ hơn nửa thế kỷ nay mang tên Làng báo chí. Đó là nơi nhiều nhà báo kỳ cựu từng sinh sống, cũng là nơi chứng kiến những bước chập chững vào nghề của bao nhà báo trẻ ngày nay.

Đêm, những con đường nhỏ cô tịch, thỉnh thoảng mới thấy bóng người. Giữa tiếng mưa đêm rả rích, từ một ngôi nhà trên đường số 4 vọng ra tiếng dương cầm da diết, man mác buồn trong giai điệu bản Dạ khúc của Chopin. Tiếng đàn khắc khoải, chứa chan niềm hoài hương của người nhạc sĩ lưu vong, nhẹ thả từng giọt vào thinh không. Lành lạnh…

Từ mấy chục năm nay, Làng Báo chí đã quen với nhịp sống thư thái, chậm rãi như vậy.

* * *

Xưa, nhà cửa ở xóm này thô sơ mộc mạc, nằm bên những con đường đất đỏ tinh khôi. Xen lẫn màu đỏ của đất là những căn vườn xinh xắn, như nhà văn Nguyễn Đình Toàn miêu tả:

“Này em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải

Nơi mỗi sớm nằm nghe nắng dòm trên mái…”.

Cái tên Làng Báo chí bắt đầu có từ năm 1973, khi Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam (thời chế độ cũ) đứng ra vay tiền ngân hàng để xây khoảng 300 căn nhà cho các nhà báo về ở, trả góp hàng tháng. Làng gồm 7 con đường. 5 con đường chạy dọc từ đường Nguyễn Văn Hưởng ra bờ sông Sài Gòn và 2 con đường cắt ngang. Mỗi căn nhà đều có diện tích 110 m2, tường xây gạch thô, mái lợp tôn xi măng. Ông Lê Đoan Hùng, cựu chủ bút tờ Tin Vịt nổi tiếng một thời, hiện sống trên đường số 5, là một trong những người sáng lập Làng Báo chí, cho biết: “Thời ấy, anh em làm báo đa phần nghèo lắm, có một chỗ dung thân như vầy là mơ ước cả đời”.

Trịnh Công sơn, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn tại làng báo chí Thủ Đức.

Trịnh Công sơn, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn tại làng báo chí Thủ Đức.

Nằm ở vùng ven Sài Gòn trước đây, vây quanh là những cánh đồng lúa và ao đầm suốt năm ếch nhái à uôm, đây là nơi mà nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng về náu thân, như muốn trốn chạy không khí náo nhiệt, ồn ã chốn thị thành. Một thời, Trịnh Công Sơn có căn nhà sàn cũ nho nhỏ, nơi từng đưa người tình Dao Ánh đến tâm sự. Ở đây còn có nhà của họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng Tôn Thất Văn. Hồi xưa, tuần nào nhạc sĩ họ Trịnh cũng đi chiếc PC màu cam về nhà Văn uống rượu cùng đám bạn tâm giao. Cô hàng xóm nhà Văn xinh tươi tên Lộc khiến tâm hồn Trịnh chao đảo. Để rồi ông cảm tác viết lên những dòng nhạc đẹp tươi như mùa Xuân: “Cây sẽ cho Lộc và cây sẽ cho hoa”…

Hồi ấy, ở làng ai cũng thương mến nữ nhà văn Thụy , cây bút truyện ngắn nổi tiếng Sài Gòn trước 1975. Chị có cô con gái rất kháu khỉnh, nhưng chẳng may bị tai nạn từ năm 2 tuổi phải nằm liệt, sống đời thực vật. Từ đó, chị Vũ phải tạm rời xa cây bút lao vào cuộc mưu sinh, từ buôn thúng bán bưng đến làm lơ xe buýt tuyến Sài Gòn - Thủ Đức để kiếm tiền nuôi con.

Làng Báo chí xưa có bao con người giàu tài năng nhưng phải sống trong nghèo khó. Họ quen tìm niềm vui từ nỗi buồn, lấy nụ cười để giấu đi những giọt nước mắt…

* * *

Gần 40 năm đã trôi qua từ ngày Làng Báo chí hình thành. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt. Những căn nhà thô mộc năm xưa giờ thay bằng những ngôi nhà mới khang trang. Những con đường đất đỏ gồ ghề đã được trải nhựa phẳng phiu. Những lớp người mới đổ về, mang theo không khí phố thị ngập tràn xóm nhỏ, dù nó vẫn mang danh là làng. Làng Báo chí giờ đủ mọi tầng lớp, từ ông chủ “Nón Sơn” nổi danh trong giới doanh nhân tới những công chức cần mẫn, từ những người làm nghề tự do đến những sinh viên Đại học Văn hóa sống trong mấy khu ký túc xá cũ kỹ. Có cả dăm bảy chục gia đình ngoại kiều…

Đầu làng có một quán cà phê nhỏ, chỉ vài ba chiếc bàn với hơn chục chiếc ghế, là nơi mà những công dân của làng cùng nhau trải lòng, sẻ chia tâm sự. Chị chủ quán nói rằng, dù mới nhìn, các gia đình ở đây sống có vẻ khép kín, nhưng thực ra sự thân tình như những mạch nước ngầm lặng lẽ đã kết nối những con người thành một quần thể mang nhiều nét tương đồng. “Những con đường nhiều năm trước luôn bị ngập nước, các gia đình đã tự nguyện góp hàng tỷ đồng để nâng đường. Giờ thì chẳng đường nào còn bị ngập nữa”, chị cho biết.

Anh Trần Hoàng Thái, giáo viên trường ĐH Văn hóa TP.HCM chia sẻ: “Sự tình cờ của số phận đã đưa tôi đến và gắn bó với Làng Báo chí suốt bao năm qua. Tôi đã yêu cái làng bình yên này ngay từ những ngày đầu. Khi ấy, làng toàn những căn nhà đơn sơ. Ấn tượng nhất với tôi là màu xanh luôn phủ kín các lối đi, những chùm hoa màu vàng giăng khắp lối. Giờ đây, sau hơn 10 năm, Làng Báo chí đã thay đổi rất nhiều, trở thành khu phố đẹp và sang trọng”.

Còn chị Nguyễn Thị Mộng Thu, cựu sinh viên trường ĐH Văn Hóa kể về một thời “áo trắng mộng mơ” của mình: “Không gian nơi đây thật yên tĩnh, mát mẻ và sạch sẽ. Con người ở Làng Báo chí này thân thiện. Mỗi ngày đến trường, chúng tôi đều dạo bước trên những con đường rợp bóng mát. Buổi tối, gió từ bờ sông Sài Gòn thổi mát rượi. Sinh viên chúng tôi hay đi dạo để tận hưởng không khí trong lành lúc trời đêm. Khi đến đây, tôi từng thắc mắc về lý do người ta gọi đây là Làng Báo chí và biết được, đây từng là nơi có nhiều nhà báo nổi tiếng sống và làm việc. Dẫu biết cuộc sống có nhiều đổi thay, chúng tôi giờ cũng đã rời xa “khung trời kỷ niệm” của một thuở đầy lãng mạn, nhưng chúng tôi sẽ mãi không quên Làng Báo chí, nơi đã ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của những tháng ngày tươi đẹp đã qua”.

Người dân ở Làng Báo chí rất tự hào với danh hiệu “Khu phố văn hóa” của mình. Trước hết, bởi nơi đây đã từng là nơi trú ngụ của ông Hồng Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, “cha đẻ” của mô hình “Khu phố văn hóa”. Nhưng trên hết, họ tự tin rằng mỗi con người ở đây đều mang đậm chất văn hóa. Làng thường đông đúc nhất vào sáng sớm, khi mọi người ríu rít gọi nhau đi chơi thể thao. Ban ngày, ai cũng có công việc nên mấy con đường trở nên vắng vẻ. Đêm về càng vắng hơn, nhưng không ai cảm thấy lo ngại mỗi khi có việc phải ra đường. Vì hàng chục năm qua cuộc sống luôn bình yên, cái xấu dường như không hiện hữu chốn này…

* * *

Giờ đây, nhà văn Thụy Vũ đã về quê. Họa sĩ Tôn Thất Văn đã qua đời cách đây chừng hơn chục năm. Cựu ký giả Đoan Hùng sau thời gian chuyển sang kinh doanh, giờ đã thanh thản tận hưởng tuổi già. Những người bạn nghề của ông năm xưa giờ chỉ còn khoảng chục người, đều đã ở tuổi 80, 90, thi thoảng vẫn tụ lại bên chén rượu nồng để hồi tưởng về những thăng trầm, buồn vui đã trải qua trên đường đời, đường nghề.

Dẫu xa nghề đã lâu, nhưng những công dân đầu tiên của Làng Báo chí vẫn tự hào vì trong gần 20 năm qua, hàng chục nhà báo có tên tuổi đã từ xóm nhỏ này chập chững bước vào nghề. Có lẽ cái hồn của nghề báo đã thấm đẫm vào từng con đường, nếp nhà ở đây, để thắp lên niềm khát khao và đam mê nghề báo ở những lớp hậu sinh…

Làng Báo chí thuộc khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2, TP.Hồ Chí Minh.

Làng Báo chí thuộc khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, hình thành từ năm 1973. Khoảng những năm 1980 - 1990, nhiều căn nhà ở làng được trưng dụng làm ký túc xá của trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM (nay là Đại học Văn hóa TP.HCM). Hiện làng có hơn 200 gia đình sinh sống, phần lớn là người từ các địa phương khác mới chuyển đến.Nhiều sinh viên trường Đại học Văn hóa từng sống tại các ký túc xá ở làng đã trở thành những cây bút khá nổi tiếng ở các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao động & Xã hội, Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ TP. HCM...

BẢO KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/lang-bao-chi-xua-va-nay-d99853.html