Làng bánh tráng hối hả vào vụ Tết

Các lò bánh tráng tại An Ngãi (huyện Long Điền) luôn đỏ lửa để chuẩn bị cho đơn hàng đang ngày một tăng vào những ngày cận Tết.

Người làng nghề bánh tráng An Ngãi trang thủ vào dịp Tết để nâng cao thu nhập.

Người làng nghề bánh tráng An Ngãi trang thủ vào dịp Tết để nâng cao thu nhập.

Đã hơn 11 giờ trưa, bà Trương Thị Mỹ Hạnh, ấp An Bình, xã An Ngãi vẫn luôn tay xay bột, tráng, phơi từng mẻ bánh để kịp nắng. Mỗi ngày, lò bánh tráng của bà Hạnh sản xuất khoảng 2.000 bánh, nhưng vào vụ Tết thì tăng lên 2.500 cái.

Bà Hạnh cho hay, gắn bó với nghề làm bánh tráng đã hơn 20 năm, mỗi ngày bà thường bắt đầu từ 3 giờ sáng và đến khoảng 3 giờ chiều khi bánh được giao đi cho các mối quen, mọi công việc mới hoàn thành. Tuy nhiên vào dịp Tết, đơn hàng tăng cao, việc tráng bánh sẽ phải bắt đầu sớm hơn và sẽ kết thúc muộn hơn bình thường. Nhu cầu tiêu thụ bánh tráng rất cao nên sản phẩm làm ra chừng nào, bán hết chừng đó. “Bánh tráng An Ngãi thường làm bột từ gạo dẻo, không pha trộn nên dẻo, mềm, rất được khách hàng ưa chuộng”, bà Hạnh nói.

Tại cơ sở bánh tráng của gia đình bà Lâm Thanh Hiếu, ấp An Hòa những ngày này cũng tất bật hơn. Theo bà Hiếu, đối với người dân An Ngãi, món bánh tráng không thể thiếu trong dịp Tết. Bánh tráng trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày đầu năm mới của người dân An Ngãi thể hiện lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Bà Trương Thị Mỹ Hạnh (ấp An Hòa, xã An Ngãi, huyện Long Điền) phơi những liếp bánh đầu tiên trong ngày.

Bánh tráng còn là nguyên liệu để làm nhiều món cuốn trong dịp Tết… Vì thế, cứ vào mùa này thì khách hàng từ khắp nơi đến tận lò bánh đặt mua. Do đó, ngay từ cuối tháng 12/2020, gia đình bà Hiếu bắt đầu nhận đặt hàng. Trước đây, trung bình mỗi ngày bà tráng khoảng 25kg gạo, nhưng để phục vụ cho đơn đặt hàng của các thương lái dịp Tết đã phải tăng lên 70-80kg gạo/ngày. Bà Hiếu cho biết, bánh tráng làm thủ công có chất lượng khác hẳn bánh được sản xuất bằng máy. “Thông thường vào các dịp lễ Tết, giá bánh có tăng chút đỉnh với ngày thường, song không đáng kể”, bà Hiếu nói thêm.

Theo ông Trang Thanh Liêm, cán bộ nông nghiệp xã An Ngãi, là một làng nghề truyền thống lâu đời, hiện toàn xã có khoảng 142 hộ làm nghề tráng bánh, chủ yếu tại các ấp như An Hòa, An Phước, An Lộc, An Bình... Nghề làm bánh tráng truyền thống ở An Ngãi được công nhận là làng nghề truyền thống từ tháng 5/2013. Ngoài tạo ra sản phẩm đặc trưng cho quê hương, nghề bánh tráng còn giúp giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương, thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi rất tự hào vì bánh tráng An Ngãi được tiêu thụ ở khắp nơi và được mọi người ưa chuộng. Đến nay, nhiều người ở An Ngãi vẫn giữ được nghề, như giữ một nét đẹp văn hóa cho quê hương”, ông Liêm nói.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202101/lang-banh-trang-hoi-ha-vao-vu-tet-917199/