Làng bánh đa sắn xứ Nghệ vào vụ Tết

Mùa đông là mùa nhộn nhịp của làng bánh đa sắn. Dịp trước Tết Nguyên đán, sản phẩm bánh đa sắn ở làng Dinh Chu, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương sản xuất không kịp để bán.

Nghề bánh đa sắn xuất hiện ở xã Thanh Tường (Thanh Chương) khoảng 10 năm nay. Hiện có hơn 35 gia đình làm nghề, tập trung ở xóm 1. Nguyên liệu để làm bánh là củ sắn tươi loại ngon, được bóc vỏ và xay nhuyễn. Ảnh: Huy Thư

Nghề bánh đa sắn xuất hiện ở xã Thanh Tường (Thanh Chương) khoảng 10 năm nay. Hiện có hơn 35 gia đình làm nghề, tập trung ở xóm 1. Nguyên liệu để làm bánh là củ sắn tươi loại ngon, được bóc vỏ và xay nhuyễn. Ảnh: Huy Thư

Bánh đa sắn không phải tráng trên khuôn vải như bánh đa gạo mà được dạt mỏng trên tấm nilon nhờ một cái vỏ chai lăn tròn, sau đó được bỏ vào nồi hấp. Tùy vào từng người mà tốc độ làm bánh nhanh chậm khác nhau, nhưng trung bình khoảng 50 chiếc bánh/giờ. Ảnh: Huy Thư

Nhờ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ mà bột sắn sẽ được dạt thành những chiếc bánh mỏng tròn đều; thường thì bánh đa sắn không nêm gia vị. Ảnh: Huy Thư

Chị Lê Thị Thành - một người có kinh nghiệm làm bánh đa sắn trong làng cho biết, mỗi ngày chị làm khoảng 1 tạ sắn tươi, cứ 1 kg thì làm được 5 chiếc bánh, nhập sắn về hôm nào là làm bánh ngay hôm đó, sắn càng tươi thì bánh càng ngon. Ảnh: Huy Thư

Về xóm 1, xã Thanh Tường vào những ngày giáp Tết sẽ thấy không khí sản xuất bánh đa sắn của bà con khá nhộn nhịp. Sản phẩm được các hộ dân đem phơi khắp vườn nhà, đi đâu cũng thấy bánh đa sắn. Ảnh: Huy Thư

Người dân làng nghề luôn theo dõi sát sao dự báo thời tiết để hoạch định công việc. Thường thì xen giữa những đợt gió mùa là những ngày nắng ấm, đặc biệt là những ngày nắng to, các hộ dân sẽ tăng cường độ làm việc để làm được nhiều bánh hơn. Họ thức dậy từ 2 - 3 h sáng để làm cho kịp nắng. Ảnh: Huy Thư

Bánh đa sắn được phơi khắp ngõ cổng, đường làng và di chuyển theo nắng, được lật trở để mau khô. Ảnh: Huy Thư

Cũng như bánh đa gạo, bánh đa sắn được phơi đến độ khô nhất định thì thu cất, không để bánh khô quá dễ vỡ. Ảnh: Huy Thư

Sau khi đưa ngoài nắng vào, bánh đa sắn sẽ được xếp thành chồng hàng trăm chiếc và được ép bằng một tấm gỗ nặng. Theo bà con, ép như vậy cho bánh có độ phẳng, dễ xếp, dễ nướng. Ảnh: Huy Thư

Bánh đa sắn Thanh Tường hiện được tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, góp phần tạo việc làm và thu nhập khá ổn định cho người dân địa phương. Ảnh: Huy Thư

Huy Thư

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/lang-banh-da-san-xu-nghe-vao-vu-tet-230563.html