Lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng

'Đọc sách là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên' - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam vào tháng 4 vừa qua. Có thể thấy, hiện nay, văn hóa đọc bằng nhiều cách đã và đang được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, đến với nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau, góp phần xây dựng một xã hội học tập tiến bộ, nâng cao trình độ dân trí.

Sinh viên Đại học Hạ Long tìm đọc sách tại thư viện trường.

Sinh viên Đại học Hạ Long tìm đọc sách tại thư viện trường.

Tôi còn nhớ, khi mới bước chân vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Hạ Long, chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy văn yêu cầu mỗi bạn ra thư viện tỉnh làm một thẻ đọc. Và vào thứ 7 hằng tuần, trong giờ sinh hoạt lớp, luân phiên mỗi bạn sẽ lên giới thiệu về nội dung một cuốn sách hấp dẫn mà mình đã đọc trong tuần cho cả lớp. Đồng thời, mỗi bạn sẽ lập một danh sách những cuốn sách mình có để cả lớp cùng trao đổi, mượn nhau sách đọc. Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được gieo vào mình niềm vui, niềm yêu thích đọc sách như thế. Còn với riêng tôi, từ hồi còn là sinh viên đến bây giờ, mỗi khi có dịp lên Hà Nội, địa điểm mà tôi không bao giờ bỏ qua chính là con phố Đinh Lễ, nơi có rất nhiều cửa hàng sách để mua về cho mình một vài cuốn yêu thích.

Tìm hiểu được biết, hiện nay, ở các trường học trên địa bàn tỉnh cũng triển khai rất nhiều hoạt động, phương pháp thú vị để đẩy mạnh văn hóa đọc, rèn cho học sinh, sinh viên một thói quen đọc sách hằng ngày. Cũng trong tháng 4 vừa qua, chúng tôi có dịp tham dự một buổi hội thảo “Sinh viên với văn hóa đọc hiện nay” của Trường Đại học Hạ Long. Mang đến hội thảo là những bài tham luận rất tâm huyết của các bạn sinh viên, thông qua những chia sẻ hữu ích về việc đọc sách hiệu quả như cách đọc sách thông minh; đọc sách và vấn đề tự học...

Em Phạm Quốc Phong, Khoa Công Nghệ - Thông tin, Đại học Hạ Long, chia sẻ: Hàng năm, hưởng ứng “Ngày sách Việt Nam”, nhà trường đều tổ chức các chương trình phong phú như ngày hội trưng bày, triển lãm sách, các buổi tọa đàm, hội thảo về văn hóa đọc, mời các diễn giả, nhà văn để trao đổi về kinh nghiệm đọc sách hiệu quả. Không chỉ phụ thuộc vào sách, em cũng cập nhật thêm các phần mềm đọc sách trên điện thoại thông minh. Đây cũng là một phương pháp đọc khá phù hợp hiện nay, giúp duy trì việc đọc thuận tiện mỗi khi có thời gian thay vì chỉ lướt web, xem phim giải trí đơn thuần.

Ở Bình Liêu, ngành giáo dục huyện cũng đã chủ động lồng ghép, phát động nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả để giúp các em học sinh được đọc sách mỗi ngày. Đến các trường tiểu học của Bình Liêu, hình ảnh của những tủ sách Bác Hồ được thiết kế ngay tại sân trường với mái che, ghế đá và bóng mát cây xanh tạo nên những không gian đọc sách thoải mái cho các em sau những giờ học căng thẳng đã không xa lạ. Ngoài số sách được cấp phát, tủ sách được thầy cô, phụ huynh quan tâm xã hội hóa các nguồn kinh phí thường xuyên cập nhật thêm nhiều đầu sách phong phú phục vụ cho học tập, giải trí của học sinh.

Các em học sinh tìm đọc sách tại các gian hàng sách trong Ngày hội sách Quảng Ninh năm 2019.

Ngoài các nhà trường, một xu thế mới hiện nay khá phát triển phải kể đến các quán cafe sách. Thay vì phục vụ nước uống, là nơi tán gẫu, gặp gỡ thông thường, những quán cafe đã mở rộng không gian, đặt thêm nhiều giá sách với các thể loại để phục vụ khách đến uống nước và đọc sách như một hình thức giải trí, thư giãn. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ quán Thư viện Yến, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, chia sẻ: Trước kia, tôi kinh doanh cho thuê, mượn sách truyện truyền thống. Song xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều người nhất là học sinh nhiều khi mượn sách, truyện thường tranh thủ ngồi đọc vào những lúc tan trường, chờ vào giờ học nên tôi cũng sắp xếp thêm những bộ bàn ghế, phục vụ nước uống giúp các bạn có không gian đọc sách hiệu quả, thoải mái hơn.

Bên cạnh những cách làm hiệu quả từ các nhà trường, đơn vị, doanh nghiệp, thời gian qua, để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Quảng Ninh thường xuyên triển khai nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt vào các dịp Ngày sách Việt Nam 21/4, Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4. Hàng năm, Thư viện tỉnh bổ sung từ 5.000-7.000 bản sách, trên 200 loại báo, tạp chí. Toàn tỉnh hiện có 13 thư viện cấp huyện duy trì mở cửa phục vụ bạn đọc thường xuyên, ổn định, thu hút các đối tượng bạn đọc. Ngoài ra, Quảng Ninh có 186 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tủ sách cộng đồng, tủ sách pháp luật với ít nhất từ 50-80 đầu sách.

Văn hóa đọc vẫn luôn được coi là một nét đẹp văn hóa của dân tộc từ xưa đến nay. Tin tưởng rằng, văn hóa đọc ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn trong đời sống.

Duy Khoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201905/lan-toa-van-hoa-doc-trong-cong-dong-2439503/