Lan tỏa tinh hoa nghệ thuật sơn mài

Từ nhựa cây, gỗ, vỏ trứng, vàng, bạc, phù sa…, những người trẻ ở La Sonmai đã mang tinh hoa nghệ thuật sơn mài truyền thống thổi hồn vào những sản phẩm ứng dụng hiện đại. Đó là cách họ gìn giữ, lan tỏa tình yêu đối với di sản văn hóa cha ông.

Các bạn trẻ nhóm La Sonmai trao đổi về một sản phẩm ứng dụng sơn mài.

Các bạn trẻ nhóm La Sonmai trao đổi về một sản phẩm ứng dụng sơn mài.

Ngắm những chiếc ốp lưng điện thoại xinh xắn được treo ngay ngắn trên những khoảng tường bắt mắt nhất của văn phòng làm việc La Sonmai, không khỏi ngạc nhiên và thích thú khi phát hiện mỗi chiếc ốp đều như một tác phẩm nghệ thuật sơn mài thu nhỏ. Ở đó không chỉ chứa đựng sự tinh tế của nghề cổ mà còn lấp lánh vẻ đẹp văn hóa truyền thống với những họa tiết đặc sắc của trống đồng Đông Sơn, rồng thời Lê, phượng bào triều Nguyễn, xích hổ thần vương… Đưa ra ngoài sáng, có thể cảm nhận độ sâu của những vân màu trong lớp sơn mài trong suốt, láng bóng. Đó là kết tinh của đam mê, sự khéo léo, tỉ mỉ, và cả những nỗ lực sáng tạo không ngừng của những người trẻ muốn đem lại sức sống mới cho nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Chàng trai sinh năm 1990 Vũ Anh Đức, một trong những người sáng lập La Sonmai cho biết: Khi bắt đầu hình thành ý tưởng thực hiện những chiếc “áo khoác” cho điện thoại bằng chất liệu sơn mài, Đức và những người bạn đồng hành đã tìm về làng nghề sơn mài Hạ Thái ở Thường Tín, Hà Nội để học hỏi, tìm gặp các nghệ nhân nơi đây đặt hàng mẫu. Qua nhiều lần trao đổi, sản phẩm đặt hàng đã thành hình nhưng tính ứng dụng không cao vì sau những lần chà, vuốt, các lớp hoa văn bị nhòe, mờ nhanh. Vậy là với quyết tâm đưa sản phẩm có thể đi xa hơn, nhóm bạn trẻ đã phối hợp một số nghệ nhân sơn mài ở Hà Nội nghiên cứu, đúc rút những kỹ thuật thực hiện riêng, và tìm ra công thức để có lớp phủ bên ngoài sản phẩm vừa bảo đảm độ bền, mỏng, bóng mà vẫn giữ được sắc trong và ánh màu của họa tiết. Sau hơn bảy tháng với nhiều cuộc thử nghiệm, cứ thất bại lại rút ra kinh nghiệm để thực hiện tiếp, cuối cùng, sản phẩm đầu tiên đã ra đời. Và tháng 9-2017, La Sonmai chính thức được thành lập, chở đi giấc mơ tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống thông qua những sản phẩm mang tính ứng dụng cao.

Thực hiện một bức tranh sơn mài khổ lớn đã khó, thực hiện những tác phẩm sơn mài trên khổ nhỏ như ốp lưng điện thoại càng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng hơn nếu muốn từng chi tiết được rõ ràng, sắc nét. Lê Thanh Quỳnh Anh, bạn trẻ đảm nhận vai trò thiết kế chính của La Sonmai chia sẻ: Mỗi tác phẩm đều trải qua quy trình chế tác phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và sự tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc sản xuất của nghệ nhân với năm công đoạn chính và 15 công đoạn nhỏ: từ tạo chất, nhuộm màu, dán bạc, phủ cánh gián, đến can hình, đi nét, mài, phủ bóng… Dựa vào những nguyên lý “mài”, “hom”, “thí”… chung trong sơn mài, mỗi nghệ nhân sẽ có những sáng tạo riêng cùng với chất liệu truyền thống và hiện đại. Điều này lý giải tại sao với cùng mẫu thiết kế, mỗi sản phẩm được làm theo hình thức thủ công vẫn luôn khác biệt, không hoàn toàn giống nhau. Sau khi có mẫu và phương án thử nghiệm, mỗi chiếc ốp sơn mài cần 15 đến 20 ngày mới có thể hoàn thiện, với những mẫu có chi tiết phức tạp hơn thậm chí mất cả tháng đến vài tháng mới thực hiện xong.

Đó là chưa kể, để bảo đảm độ bền và sự tinh tế của sản phẩm, nguyên liệu sử dụng cũng đòi hỏi sự khắt khe cao. Sơn phải được lấy từ mủ của những cây sơn ta quý trồng ở vùng đồi núi Phú Thọ, trải qua quy trình đánh sơn cho chín suốt ba ngày rồi ủ, sơn mới có độ mịn hoàn hảo và có thể trải mỏng. Ngay cả đá mài cũng phải kén loại có độ mềm nhất định thì khi mài mới bảo đảm độ trong, bóng… Lớp sơn ta muốn phơi khô phải trong môi trường có độ ẩm cao hơn, trong khi lớp phủ ngoài lại cần khô trong môi trường có độ ẩm thấp, nên làm sao để dung hòa đòi hỏi kinh nghiệm và cả kỹ năng của những người thực hiện. Nghề chơi công phu là vậy nên giá thành của một sản phẩm không hề rẻ. Tuy vậy, hiện nay, đây là mặt hàng được khá nhiều bạn trẻ Việt, đặc biệt là giới nghệ sĩ ưa chuộng bởi họ cảm nhận được văn hóa Việt, tinh thần Việt chứa đựng trong cách thực hiện sản phẩm và cách mà những hoa văn truyền thống được khai thác. Những chiếc ốp lưng sơn mài xinh xắn cũng đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ quảng bá văn hóa, nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam ra thế giới khi mà các du khách nước ngoài tìm đến sản phẩm của La Sonmai ngày một nhiều.

Đến nay, với đội ngũ 12 người trẻ và năm nghệ nhân, bên cạnh việc chế tác những sản phẩm ốp lưng điện thoại sơn mài, La Sonmai còn tích cực tổ chức những buổi tọa đàm, workshop thực hành về từng công đoạn như gắn trứng, mài và xoa bóng, đi nét và thếp vàng… để giới thiệu, bồi dưỡng tình yêu, sự quan tâm dành cho nghệ thuật sơn mài trong cộng đồng. Nhóm bạn trẻ cũng đang ấp ủ dự án sắp tới sẽ cho ra mắt những sản phẩm sơn mài được ứng dụng trên những phụ kiện thời trang tinh xảo…

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/42046402-lan-toa-tinh-hoa-nghe-thuat-son-mai.html