Lan tỏa thông điệp 'Đã uống rượu bia - Không lái xe': Nói phải đi đôi với làm

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những trường hợp uống rượu bia tham gia giao thông bị phát hiện phải được công bố danh sách công khai, thu giữ bằng lái ngay lập tức. Bây giờ phải làm nghiêm, làm công khai, minh bạch để ai cũng sợ, không dám làm sai.

Hàng ngàn người đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Ảnh: PV

Hàng ngàn người đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Ảnh: PV

“Đừng để bánh xe được điều khiển bằng cồn”

Tại khoa Cấp Cứu – Bệnh viện Việt Đức, dù nói năng vẫn còn khó khăn, nhưng anh N.T.T (38 tuổi, ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vẫn gắng gượng tiếp chuyện chúng tôi. Với vẻ mặt đầy tiếc nuối, anh T cho hay: “Hôm đó mấy bạn học cũ hội tụ “chén chú, chén anh” nhưng không biết điểm dừng. Sau cuộc nhậu, khi lái xe về do không làm chủ được tay lái nên tôi lao vào một nhà dân ven đường. Cùng ngồi trên xe với tôi lúc đó còn có một người bạn hiện vẫn đang hôn mê sâu. Tôi ân hận lắm, tất cả cũng do rượu dẫn đến mất kiểm soát”.

Tại khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực, khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện Viện Đức, trường hợp như anh T không phải là hiếm, chưa kể còn những trường hợp là nạn nhân của các lái xe uống rượu bia gây nên. Theo báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sử dụng rượu bia và sức khỏe năm 2018, trong số các trường hợp tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam có nguyên nhân do sử dụng rượu bia thì 32,4% là nam giới và 19,6% là nữ giới. Đồng thời, WHO chỉ ra rằng, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong đó 20% số ca tử vong do TNGT gây ra.

Trước tình trạng liên tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu bia, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, một số đông bộ phận người dân đã cùng nhau hưởng ứng phong trào “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Ngay tại Hà Nội ngày 12/5 vừa qua, khoảng 5.000 người đã xuống đường tuần hành phản đối những hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Nhiều chuyên gia nhận định việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi là đúng, nhưng vẫn chưa đủ. Chính quyền cần mạnh tay, có chế tài thật nặng đối với những tài xế sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông, kể cả chưa gây tai nạn.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, nếu chúng ta tổ chức một sự kiện tuyên truyền và sau đó dừng lại thì hiệu quả sẽ rất thấp. Hoạt động tuyên truyền đó chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta tăng cường việc hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như hiệu lực thực thi pháp luật.

“Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền và xử phạt phải đồng hành với nhanh, bản chất của công tác xử phạt là giáo dục, răn đe và nếu cần thiết thì chấm dứt vi phạm. Đặc biệt trong trường học và trong gia đình của mỗi người dân cần thay đổi thói quen uống rượu bia bởi đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Minh bày tỏ.

Phải “bêu tên” người vi phạm

Cùng bàn về vấn đề trên, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Tuyên truyền và hướng dẫn luật thuộc Cục CSGT chia sẻ: “Theo tôi biết, tại nhiều nước trên thế giới, việc bắt buộc tài xế vi phạm uống rượu, bia lái xe phải lao động công ích đã được áp dụng từ lâu. Ngoài việc bị phạt tiền với mức rất cao, họ còn bị cưỡng bức vào bệnh viện chăm sóc bệnh nhân bị TNGT, hỗ trợ CSGT hướng dẫn các phương tiện lưu thông trên đường phố.

Ở nước ta, nếu áp dụng biện pháp này, theo tôi sẽ rất nhiều người sợ hơn là hình thức phạt tiền thuần túy. Lâu nay, những người có tiền, có địa vị xã hội, họ sẵn sàng bỏ tiền ra nộp phạt. Nhưng giờ nếu bảo họ phải đi dọn rác, nạo vét sông, hình ảnh họ làm những việc đó được ghi lại, đưa lên mạng xã hội thì tôi chắc chắn nhiều người sẽ không dám lái xe khi đã uống rượu bia nữa. Bởi hình phạt đó đánh trực diện vào cái sĩ diện của họ”.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay đối với các vụ TNGT, tất cả đều được xếp vào lỗi vô ý, mức phạt tù cao nhất cũng chỉ là 15 năm tù. Trong khi đó, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, còn việc uống rượu bia khi lái xe là điều bị cấm. Vậy khi anh cố tình làm điều cấm, trong khi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có nên coi là vô ý nữa hay không?. “Tôi cho rằng ở góc độ nào đó, nếu tài xế uống rượu bia mà gây tai nạn chết người là lỗi gián tiếp giết người chứ không còn là lỗi vô ý nữa. Bởi anh biết điều anh làm là nguy hiểm cho xã hội nhưng anh vẫn cố tình làm”, ông Trần Sơn nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng bày tỏ: Sau những tai nạn thương tâm do lái xe uống rượu bia gây ra chúng ta có thể trắc ẩn và thương cảm dành dụm, quyên góp để chia sẻ, vợi bớt một phần nỗi đau và cũng để tìm sự an yên cho tâm hồn mình, có thể kêu gọi cộng đồng thức tỉnh đã lái xe thì không bia rượu để không còn những hậu quả đau lòng. Nhưng đấy chỉ là những ân tình tự phát, nhất thời.

Theo bà Trang, thời gian qua, cụm từ “Uống có trách nhiệm” là một giải pháp hoa mỹ được ngành công nghiệp rượu bia quốc tế khởi xướng nhằm làm nhẹ đi đặc tính “gây nghiện”, “gây hại”… vốn là đặc trưng tiềm ẩn của sản phẩm này. Bà Trang chỉ rõ, thực tế hiện nay việc tiếp thị bia, rượu tràn lan khiến cho người uống “ngay cả trước khi uống có đau đáu đến trách nhiệm nhưng uống một cốc, một ly vào đã chuếnh choáng; rồi những tiếng reo hò ở các bàn nhậu xung quanh; rồi sếp, đối tác, bạn bè cứ đứng chờ uống hết để bắt tay thì ta có còn đủ tỉnh táo nghĩ được trách nhiệm không?”.

“Vấn đề là phải làm cho rượu bia trở nên khó tiếp cận hơn, không sẵn có, tràn lan như hiện nay bằng cách đánh thuế cao, hạn chế/cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, hạn chế mật độ điểm bán, giờ bán, điểm uống, giờ uống, lái xe thì không uống và xử phạt nghiêm. Đấy mới là giải pháp gốc rễ để cho con người có thể còn đủ tỉnh táo mà nghĩ đến trách nhiệm sau mỗi cốc bia, chén rượu”, ThS Trần Thị Trang chia sẻ thêm.

Người Việt tiêu thụ rượu bia gấp 4 lần Singapore

Trong một báo cáo công bố năm 2018 từ WHO, mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Số liệu tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “chóng mặt” tỷ lệ thuận với TNGT từ ma men. Đơn cử trong 4 ngày Tết dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do TNGT, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu, nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/lan-toa-thong-diep-da-uong-ruou-bia-khong-lai-xe-noi-phai-di-doi-voi-lam-20190515200953459.htm