Lan tỏa sức sống của Truyện Kiều

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020), ngày 26/11, tại Hà Nội, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia 'Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương, nghệ thuật'.

Cảnh trong vở Ballet Kiều.

Cảnh trong vở Ballet Kiều.

Tại Hội thảo, hơn 30 tham luận của các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu đã nhìn lại những thành tựu của Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều. Bên cạnh đó các tham luận cũng hướng đến những tìm tòi mới về những tư liệu, thông tin và diễn giải về sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Du; việc chuyển ngữ, tái tạo Truyện Kiều trong các ngôn ngữ khác cũng như trong sáng tác văn chương đương đại và các hình thức văn hóa nghệ thuật khác…

Đơn cử như câu chuyện của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh- Viện Văn học về bản Kim Vân Kiều tân truyện được lưu trữ tại thư viện nước Anh. Đây là văn bản rất độc đáo cả về hình thức trình bày cũng như bố cục. Điều đặc biệt Kim Vân Kiều tân truyện hiện chỉ có độc bản lưu trữ ở nước Anh, không có bản cùng loại ở Việt Nam. PGS Thanh cho biết, đây là một bản Kiều Nôm độc đáo, rất quý, rất giá trị, có thể coi là “vô tiền khoáng hậu” cho đến ngày nay. Về mặt văn bản truyện, cơ bản là theo hệ thống bản Thăng Long, rất sát với bản Liễu Văn đường 1871. Bên cạnh đó, về chữ viết và tranh cũng có giá trị nghệ thuật. 146 trang sách, chữ viết đều đặn, chân phương, không chệch khung, lệch dòng, không để lại một sai sót kỹ thuật hay mỹ thuật nào, chứng tỏ chủ ý, công phu và tận tâm của người thực hiện. Cuối cùng phải kể đến giá trị của phần tranh minh họa mà từ xưa gọi là “tháp đồ văn học”. 146 bức tranh thủy mặc, nét vẽ tinh mỹ, diễn tả đủ cảnh buồn vui, thiện ác… Ngoài ra, phần tranh còn có giá trị độc lập, ở chỗ bản thân những bức tranh đã để lại chứng tích lịch sử, góp phần khẳng định tác quyền của những người làm sách. “Tác phẩm một lần nữa nhấn mạnh mục đích, ý tưởng sáng tạo của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều, đồng thời bộc lộ những cảm thụ, quan điểm của họa gia về Truyện Kiều và cuộc sống xã hội bấy giờ”- PGS.TS Băng Thanh nói.

Không chỉ hình ảnh Nguyễn Du và Truyện Kiều được lan tỏa đến nhiều quốc gia, những giá trị đó còn đang được tái hiện thông qua các hình thức văn hóa nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, hội họa…

Toàn cảnh Hội thảo.

Theo ThS Đào Thị Diễm Trang- Đại học Văn Lang: Những năm trở lại đây, Truyện Kiều không ngừng nhận được sự quan tâm của các nghệ sĩ lẫn công chúng thưởng lãm. Đồng nghĩa với việc nhiều tác phẩm chuyển thể từ trang viết của Nguyễn Du tiếp tục ra đời. Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay Truyện Kiều đã nhiều lần được chuyển thể thành các tác phẩm sân khấu đương đại. Ví dụ như vở nhạc kịch Kim Vân Kiều của Nhà hát L Attrape (Pháp), vở rối cạn Thân phận nàng Kiều do Nhà hát Múa rối Việt Nam thực hiện, vở Ballet Kiều của Nhà hát Vũ kịch TPHCM và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Việt Nam phối hợp thực hiện.

Cũng theo ThS Đào Thị Diễm Trang, xét ề ý nghĩa học thuật, việc chuyển thể Truyện Kiều là một cuộc trình diễn văn học mà lời thơ dù có được xướng lên đúng với nguyên tác thì vẫn mang đặc tính của lời nói, không còn ngôn ngữ viết, từ đó tạo nên một đứa con tinh thần từ cuộc hôn phối giữa văn bản, văn họa và sân khấu. Một lý do khác khiến chuyển thể sân khấu được chú trọng chính là mục đích “mềm hóa” các thông điệp chính trị và văn hóa. Các nhà chuyển thể nhận ra văn bản cổ điển có thể giải quyết các vấn đề thời sự một cách tỉ mỉ, mượt mà, sâu sắc. Các tác phẩm chuyển thể từ Truyện Kiều liên tục xuất hiện qua nhiều năm tháng cho thấy rõ ràng sự tiếp nhận văn bản là khác nhau ở từng thời điểm.

“Những tác phẩm càng dàn dựng về sau thì càng có cơ hội giãi bày quan điểm chính trị-xã hội nhiều hơn, vì theo thời gian, nhà quản lý nghệ thuật rõ ràng đã cấp nhiều quyền tự do hơn nữa cho người làm nghệ thuật”- bà Diễm Trang nói.

Các bức tranh sơn dầu minh họa Truyện Kiều.

Có thể nói, trải qua một hành trình lịch sử, những giá trị của Truyện Kiều và Đại thi hào Nguyễn Du vẫn đang đồng hành vào hành trình phát triển của đất nước. Theo một thống kê tương đối đầy đủ, hiện nay trên thế giới có tổng số 75 bản dịch Truyện Kiều sang 20 ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, bản dịch nhiều nhất là tiếng Anh với 18 bản.

Việc chuyển ngữ Truyện Kiều không còn phụ thuộc vào tuổi tác, lĩnh vực chuyên môn, quốc gia, dân tộc… mà phụ thuộc vào cảm hứng sáng tạo, tình yêu và sự tôn trọng đối với các tác phẩm của Nguyễn Du. Ở đó mỗi tác phẩm Truyện Kiều được chuyển ngữ góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn học và văn hóa của nơi tiếp nhận. Đây cũng là phương tiện của sự trao đổi tri thức nhằm lưu thông ngôn ngữ văn học và văn hóa ngày càng mở rộng trên thế giới.

Trước những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Văn học, Phó GS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho biết: Nguyễn Du và Truyện Kiều là hiện tượng văn học, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, hàm chứa giá trị bất tận ở mọi thời đại, mọi không gian. Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa như một sự tiếp nối, nhìn lại những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều bao gồm những phát hiện tư liệu mới, những thông tin và diễn giả mới về cuộc đời, sự nghiệp và tácphẩm của Nguyễn Du. Bên cạnh đó, các dịch giả, nhà nghiên cứu - phê bình văn học trong và ngoài nước thúc đẩy đưa học thuật Việt Nam hòa nhập vào đời sống nghiên cứu quốc tế, đưa Nguyễn Du và Truyện Kiều giới thiệu với bạn bè thế giới tạo kết nối văn hóa vững chắc, sinh động giữa quá khứ và hiện tại.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lan-toa-suc-song-cua-truyen-kieu-525055.html