Lan tỏa những mô hình hay

Các mô hình Bánh mì xanh ở tỉnh Sóc Trăng, chương trình nói không với rác thải nhựa ở tỉnh Đồng Tháp và huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)... tạo được sự hưởng ứng cao trong cộng đồng về gìn giữ môi trường

Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thời gian qua, ở ĐBSCL xuất hiện nhiều mô hình, hoạt động thiết thực có sức lan tỏa cao.

Ấm áp "Bánh mì xanh"

Những ngày qua, cứ vào lúc sáng sớm, các bạn trẻ, đoàn viên thanh niên ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tất bật đi cắt lá chuối, làm bánh mì phát cho người nghèo. Từng ổ bánh mì thịt được các bạn trẻ gói cẩn thận bằng lá chuối tươi và được cột lại bằng dây lác rồi mang đi phát miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người bán vé số, xe ôm... Đây là mô hình "Bánh mì xanh", đang nhận được sự quan tâm, tán thưởng của cộng đồng.

Anh Lưu Hồng Tài, thành viên sáng lập mô hình "Bánh mì xanh", cho biết mô hình hướng đến 2 mục tiêu chính là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và truyền tải thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa đến cộng đồng. Vì mới ra đời nên mô hình chỉ được triển khai ở 2 địa điểm trên địa bàn thị trấn Mỹ Xuyên và TP Sóc Trăng. Mỗi điểm sẽ có 100 ổ bánh mì, nguồn kinh phí hoàn toàn do mạnh thường quân và nhà hảo tâm hỗ trợ. Thời gian tới, các thành viên sẽ phát triển mô hình này ở nhiều điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để cùng nhau lan tỏa yêu thương và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

"Mô hình không chỉ là cầu nối chia sẻ yêu thương đến những mảnh đời khó khăn, mà từ tấm lá chuối, sợi dây lác chúng tôi muốn truyền tải đến cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa" - anh Tài nói.

Bà Võ Kim Chuyền, Bí thư Tỉnh Đoàn Sóc Trăng, cho rằng mô hình hoạt động rất hiệu quả. Tỉnh Đoàn cũng đang chọn mô hình này để nhân rộng trong các cấp cơ sở Đoàn. "Chúng tôi đang kêu gọi trong hệ thống Đoàn của tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình "Bánh mì xanh" - bà Chuyền bày tỏ sự ủng hộ.

Cũng theo bà Chuyền, với mô hình bảo vệ môi trường thiết thực này, sắp tới đây, một thành viên của mô hình sẽ ra Hà Nội để nhận giải thưởng trong cuộc thi ảnh "Thách thức để thay đổi" năm 2019, do Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn phối hợp với Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn và Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát động.

Đoàn viên thanh niên thị trấn Mỹ Xuyên tất bật bên mô hình “Bánh mì xanh” vào mỗi buổi sángẢnh: CÔNG TUẤN

Đoàn viên thanh niên thị trấn Mỹ Xuyên tất bật bên mô hình “Bánh mì xanh” vào mỗi buổi sángẢnh: CÔNG TUẤN

Mô hình phân loại rác thải của học sinh Trường THPT Lấp Vò 2Ảnh: NHA MÂN

Nói không với rác thải nhựa

Tại tỉnh Đồng Tháp, thực hiện chương trình hành động "Nói không với rác thải nhựa" do Tỉnh ủy và UBND tỉnh phát động, đến nay, tại các cuộc họp, hội nghị tổ chức ở 12 huyện, thị xã, TP trong tỉnh đều sử dụng nước uống chứa trong chai thủy tinh dùng nhiều lần, thay vì chai nước nhựa như trước đây.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, khẳng định: "Sở đã tổ chức lễ phát động phong trào nhằm kêu gọi toàn thể cán bộ quản lý, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh toàn tỉnh chung tay vì một Việt Nam nói chung, vì quê hương đất Sen hồng nói riêng, với một môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra".

Trường THPT Lấp Vò 2 (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đang thực hiện hiệu quả mô hình phân loại rác thải; tích cực vận động phụ huynh trang bị chai đựng nước sử dụng nhiều lần cho học sinh. Cô Trần Kim Thúy, giáo viên ngữ văn kiêm Bí thư Đoàn trường, cho biết thêm: "Để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, bên cạnh các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhà trường phát động phong trào thi đua, xây dựng mô hình phân loại rác thải, trong đó có việc trang trí những câu khẩu hiệu, châm ngôn có ý nghĩa thiết thực với học sinh".

Gần đây, người dân và chính quyền địa phương ở "đảo ngọc" Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cũng có ý thức cao trong việc chung tay bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa. UBND huyện Phú Quốc quyết định chọn ngày thứ bảy của tuần đầu tiên mỗi tháng là "Ngày vì môi trường Phú Quốc".

Ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc, đánh giá qua hơn 3 tháng thực hiện "Ngày vì môi trường Phú Quốc", đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp và hộ gia đình đồng loạt hưởng ứng. Cụ thể, trong 3 đợt ra quân, đã có hơn 20.000 lượt người tham gia, thu gom hơn 115 tấn rác thải. Từ đây, các điểm nóng về rác thải như sân bay Phú Quốc cũ, bãi biển Dinh Cậu, rạch Ông Trì đã được dọn dẹp và khai thông nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt.

Nâng cao nhận thức cho du khách

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản đề nghị phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, TP; các khu di tích, điểm tham quan du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh nghiêm túc hạn chế rác thải nhựa bằng hành động cụ thể; vận động người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường.

Ở huyện Phú Quốc, tại sự kiện "Ngày vì môi trường", dự kiến diễn ra vào hôm nay (5-10), các hoạt động nạo vét kênh rạch, khai thông cống rãnh và xóa các điểm nóng về rác thải, phòng chống dịch bệnh sẽ được triển khai. Song song đó là hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho du khách và người dân về giữ gìn môi trường. Ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, nhấn mạnh chính quyền huyện quyết tâm duy trì hoạt động này, nhằm nâng cao ý thức của người dân cũng như du khách về bảo vệ môi trường.

CÔNG TUẤN - NHA MÂN - HOÀNG TUẤN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/lan-toa-nhung-mo-hinh-hay-20191004220403515.htm