Lan tỏa những kinh nghiệm tốt, cách làm hay trong phong trào thi đua

Trong tổng số 2020 đại biểu về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020 sáng 10/12 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với nhiều tấm gương tiêu biểu lan tỏa những sáng kiến hay, cách làm mới, hội tụ trong vườn hoa thi đua yêu nước.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020, nơi hội tụ những bông hoa đẹp của phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Phương Hóa/TTXVN

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020, nơi hội tụ những bông hoa đẹp của phong trào thi đua yêu nước. Ảnh: Phương Hóa/TTXVN

Cây sáng kiến, kỹ sư chân đất

Đại hội đã giao lưu với các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua. Đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có anh Trương Thái Sơn, Anh hùng Lao động, công nhân Đội quản lý điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Anh Trương Thái Sơn được coi là “vua sáng kiến” của ngành điện, là cá nhân dẫn đầu trong công tác phát huy sáng kiến kỹ thuật của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Từ năm 2006 đến nay, anh đã có hơn 30 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn trong công tác và làm giáo trình đào tạo công nhân mới. Các sáng kiến có giá trị làm lợi cho ngành điện nhiều tỷ đồng.

Còn kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, “Anh hùng của đồng ruộng”, là “cha đẻ” của giống gạo ngon nhất, nhì thế giới ST25. Trong suốt hơn 40 năm qua, ông Cua đã đặt dấu chân mình trên biết bao cánh đồng để tìm ra những ưu việt của cây lúa dòng ST (Sóc Trăng) quê hương mình, rồi nghiên cứu ra những giống gạo mới vừa thơm ngon lại vừa thích ứng được với biến đổi khí hậu…

Theo ông Hồ Quang Cua chia sẻ: "Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được 2 giống lúa thơm không cảm quang, mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Thế là trong đầu tôi suy nghĩ đến giống lúa thơm cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng được hình thành và tồn tại tới ngày hôm nay", ông Cua cho biết.

Việc được vinh danh thương hiệu giống lúa ST24, ST25 đứng đầu thế giới khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì các nước khác. Thậm chí có nhiều ưu điểm hơn như năng suất cao hơn, chống chịu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, canh tác được nhiều vụ trong năm…

Đại hội cũng được giao lưu với “Kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Rô. Chưa học hết lớp 5, nhưng bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đi làm thuê ở các tiệm cơ khí, sự ham học hỏi, đặc biệt là nỗi trăn trở khi thấy người dân địa phương thiếu thốn phương tiện cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, ông đã chế tạo ra 5 loại máy cày, trục đất phù hợp với điều kiện ở địa phương.

Chiếc máy cày phao nổi siêu nhẹ chuyên dùng cho vùng đất ngập nước do ông sáng chế được bà con tin dùng vì vừa đảm bảo năng suất vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Thắm đượm nghĩa tình

Trong số các gương mặt tham gia giao lưu còn có những những tấm gương không ngại khó, ngại hy sinh để xả thân cứu giúp đồng bào trong đợt bão lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua.

Trong đợt lũ dâng cao, bất chấp nhiều nguy hiểm rình rập, ông Võ Văn Bình, 67 tuổi, ở thôn Đồng Tư, xã Hiển Ninh (Quảng Bình) cùng người cháu ngoại 14 tuổi đã dầm mình trong nước lũ cuồn cuộn suốt 2 ngày để cứu hơn trăm người dân được an toàn, trong khi bản thân gia đình mình cũng đang gặp nạn.

Đó là ca mổ tách rời hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi do tập thể bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh thực hiện đánh dấu một bước tiến về kỹ thuật của y tế Việt Nam, đưa nước ta lên bản đồ y khoa thế giới. Hai bé được sinh ra từ tình yêu thương vô bờ và hành trình can trường của bố mẹ, và rồi được “khai sinh thêm một lần nữa” trong hình hài nguyên vẹn sau một ca đại phẫu thuật đầy rủi ro.

Trên sân khấu của chương trình, câu chuyện về lòng quyết tâm, về những nỗ lực phi thường của các bác sĩ nhằm mang lại cuộc sống bình thường cho người bệnh đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

Cùng với mong ước mang lại sự đổi thay, cô giáo Hà Ánh Phượng đã từ bỏ công việc đầy hấp dẫn ở thành phố với mức lương hậu hĩnh để trở về quê hương, một huyện miền núi, dạy học. Luôn tâm niệm câu nói của Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi”, cô giáo Hà Ánh Phượng coi nhiệm vụ của mình là gieo động lực để các em nhỏ thực hiện ước mơ, sống một cuộc đời ý nghĩa.

Đó còn là tập thể các y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trở thành bệnh viện tuyến đầu chống COVID-19, góp phần đưa nước ta trở thành điểm sáng trong công tác ngăn ngừa, phòng chống COVID-19.

Quyết tâm giữ vững biên cương Tổ quốc

Đồn Biên phòng Đàm Thủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài 18,914 km, trong đó, 17,542 km trên đất liền và 1,462 km biên giới trên sông, gồm 60 mốc quốc giới, từ mốc 814 đến mốc 837. Địa bàn quản lý gồm 2 xã Chí Viễn và Đàm Thủy, thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, với tổng số 2.306 hộ/9.571 khẩu, gồm 3 dân tộc chính là Tày, Nùng, Kinh. Đặc biệt, có điểm tham quan du lịch nổi tiếng của 2 nước Việt - Trung nằm ngay trên đường biên giới, đó là Thác Bản Giốc.

Thực hiện phong trào “Bộ đội Biên phòng Cao Bằng với công tác đền ơn đáp nghĩa nơi biên giới”, đơn vị đã nhận phụng dưỡng 4 mẹ liệt sĩ trên địa bàn xã Chí Viễn và Đàm Thủy.

Đó là Đại tá Mai Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, nguyên Trưởng Công an huyện Mộc Châu (Sơn La) đã không quản ngại hiểm nguy đối mặt với các loại tội phạm, giữ bình yên biên giới. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Sơn La, anh Mai Hoàng đã vượt qua bao gian khổ; hy sinh những ngày lễ, Tết, không được về nhà để tham gia đánh án. Và bản lĩnh trí tuệ của người công an nhân dân đã tôi luyện cho anh một tinh thần thép đấu tranh loại bỏ bọn tội phạm buôn bán “cái chết trắng”.

Đại tá Mai Hoàng chia sẻ: Nghề này có quá nhiều thách thức cũng như cám dỗ, nhưng mạng sống là vốn quý giá nhất mà cha mẹ ban cho, không gì có thể mua chuộc được.

Tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, kêu gọi toàn đảng, toàn quân, toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hưởng ứng phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định: Giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện công tác thi đua khen thưởng và các phong trào thi đua yêu nước theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ vừa phát động, góp sức cùng cả nước để khát vọng Việt Nam là nước phát triển cường thịnh, sánh vai cường quốc năm châu như kỳ vọng của Bác Hồ sớm trở thành hiện thực.

V.Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/lan-toa-nhung-kinh-nghiem-tot-cach-lam-hay-trong-phong-trao-thi-dua-20201210124905290.htm