Lan tỏa ngàn hoa người tốt, việc tốt và nghĩa cử cao đẹp

Tối 7-6, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 / 11-6-2019), 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2019), 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969-2019), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 10, phát động Cuộc thi viết 'Noi theo gương sáng Bác Hồ' và Chương trình Giao lưu-nghệ thuật 'Trọn đời theo gương Bác'.

 Đồng chí Trương Thị Mai và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn trao giải nhất, tặng hoa chúc mừng tác giả Dương Út. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đồng chí Trương Thị Mai và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn trao giải nhất, tặng hoa chúc mừng tác giả Dương Út. Ảnh: TRỌNG HẢI

Chương trình nhằm tôn vinh, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo Bác, thể hiện lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đến dự, trao giải và phát biểu (toàn văn bài phát biểu đăng trong số báo hôm nay).

Cùng dự có các đồng chí: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm TCCT; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi viết; đồng chí Nguyễn Hữu Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội; các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành cùng chương trình và đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT…

Mang lại niềm tin yêu cho xã hội và cộng đồng

Khi trời vừa chập tối, tiền sảnh Nhà hát lớn Hà Nội đã rất đông khách mời và quần chúng nhân dân đến dự. Mọi người đều phấn khởi, chờ đợi chương trình diễn ra, nhất là lễ trao giải và tôn vinh các tác giả đoạt giải, những tấm gương bình dị trong các tác phẩm có những nghĩa cử cao đẹp và việc làm rất đáng trân trọng. Anh Trần Văn Lâm, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho biết: “Đây là lần thứ 5 tôi được tham dự Lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Mỗi lần tham dự đều để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tôi đọc và học được nhiều điều từ những tấm gương tiêu biểu mà cuộc thi đã tôn vinh...”

Đồng chí Lê Mạnh Hùng và Trung tướng Đỗ Căn trao giải nhì tặng các tác giả. Ảnh: TRỌNG HẢI

Từ Quảng Bình ra Hà Nội nhận giải thưởng cuộc thi viết lần thứ 10, tác giả Trần Văn Bình hồi hộp chờ đợi giây phút mình được xướng tên. Qua 10 lần Báo QĐND phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc thi, thì 3 lần tác giả Trần Xuân Bình có tác phẩm tham dự và đoạt giải. Các tác phẩm của anh là những câu chuyện cảm động, giàu tính nhân văn, thấm đẫm tinh thần yêu thương và nghị lực sống. Anh Bình chia sẻ: “Qua 3 lần tham dự cuộc thi, tôi đã tìm và phát hiện gần 10 tấm gương tiêu biểu với những nghĩa cử cao đẹp, những con người rất dung dị nhưng đáng quý giữa đời thường; họ từ nhân vật ở trong tác phẩm trở thành những người bạn tâm giao của tôi”.

Đúng 20 giờ 30 phút, khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội bừng sáng. Liên khúc hát múa: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, sáng tác Lưu Hữu Phước; “Người là niềm tin tất thắng”, sáng tác Chu Minh và ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, sáng tác Huy Thục, với sự thể hiện của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tạo không khí trang trọng, vui tươi của buổi lễ trao giải và Chương trình Giao lưu-nghệ thuật “Trọn đời theo gương Bác”.

Từ tháng 4-2008 đến nay, hằng năm, Báo QĐND phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo Bác, lan tỏa hàng nghìn “bông hoa đẹp” trong vườn hoa “người tốt, việc tốt”, thắp lên những mảng màu tươi sáng trong đời sống xã hội, thực sự tạo được “thương hiệu” của cuộc thi viết và dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Các đại biểu rất ấn tượng và xúc động khi xem phóng sự “Mười năm tươi thắm ngàn hoa” được trình chiếu tại lễ tổng kết và trao giải. Bởi suốt hơn 10 năm qua, Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã phát hiện, tôn vinh, phản ánh sinh động hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu ở mọi lứa tuổi, thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực... Có những cựu chiến binh, dù đã về với đời thường, nhưng vẫn gương mẫu, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và đau đáu đi tìm hài cốt đồng đội. Có rất nhiều gương cán bộ, đảng viên, người dân hiến đất làm đường, xây trường học, hỗ trợ đồng bào sau thiên tai, hoạn nạn... Có nhiều cá nhân dù cuộc sống gia đình còn khó khăn nhưng vẫn hăng hái làm việc thiện, việc tình nghĩa, trả lại hàng tỷ đồng cho người đánh rơi. Những cô giáo không kể tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, miệt mài mang “con chữ” đến với trẻ em. Những cá nhân, tập thể hăng say tìm tòi, nghiên cứu khoa học, đem lợi ích chung cho cộng đồng. Có những công dân người nước ngoài, Việt kiều xa Tổ quốc, nhưng luôn hướng về đất nước, có “tấm lòng vàng” với quê hương.

Các đồng chí: Hồ Quang Lợi, Nguyễn Hữu Hải, Đậu Xuân Luận, trao giải ba tặng các tác giả đoạt giải. Ảnh: TRỌNG HẢI

Để có được những bài viết hay, ý nghĩa, nhiều tác giả tham gia cuộc thi viết đã trăn trở, đắm mình trong thực tiễn cuộc sống, không ngại khó khăn, vất vả tìm tòi, phát hiện, rung cảm trước nghĩa cử, việc làm nhân ái của những con người bình dị; từ đó, họ viết nên những câu chuyện làm lay động trái tim người đọc, có sức cảm hóa và thôi thúc mọi người sống tốt hơn, làm nhiều việc tốt, việc thiện vì cộng đồng.

Từ năm 2008 đến nay, với 10 cuộc thi viết được tổ chức, 15 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã được Nhà xuất bản QĐND xuất bản và phát hành rộng rãi; nhiều hình ảnh về cuộc thi được giới thiệu, quảng bá; nhiều chương trình giao lưu-nghệ thuật được tổ chức, không chỉ tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu mà ban tổ chức đã trao nhiều phần quà ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên, hỗ trợ kịp thời những địa phương, gia đình bị thiên tai, hoạn nạn; những mảnh đời khó khăn, kém may mắn... Tất cả đã làm nên thành công của một cuộc thi viết có uy tín và “thương hiệu”, tiếp tục nhân lên những hình ảnh cao đẹp, mang lại niềm tin yêu cho xã hội và cộng đồng.

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 do Báo QĐND, Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhà xuất bản QĐND và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) phối hợp tổ chức. Ban tổ chức nhận được hơn 150 tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên trong cả nước; nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, đã đoạt giải cao, tôn vinh được nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực, tạo sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Quá trình tổ chức cuộc thi, có nhiều đơn vị, cá nhân đồng hành, tiêu biểu như Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đã đồng hành cùng cuộc thi viết suốt nhiều năm qua. Nhà Xuất bản QĐND, sau mỗi cuộc thi đều lựa chọn các tác phẩm có chất lượng tốt in thành tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phát hành rộng rãi trong toàn quân, toàn quốc... Tại chương trình, ban tổ chức đã khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu đồng hành cùng cuộc thi viết trong suốt nhiều năm qua.

Trong không gian trang trọng của Nhà hát Lớn Hà Nội, các đại biểu hào hứng dõi theo ban tổ chức công bố giải thưởng cuộc thi. Sau khi trao giải nhất và chúc mừng tác giả Dương Út (Báo Đồng Tháp) với tác phẩm “Ông vua” lúa giống miền Tây”, đồng chí Trương Thị Mai phát biểu, khen ngợi và đánh giá cao kết quả và cách làm sáng tạo, hiệu quả của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, cũng như việc ban tổ chức tiếp tục phát động Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ”.

Các đại biểu tham gia giao lưu tại chương trình. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trọn đời theo gương Bác

Trình bày xong ca khúc “Một đời người một rừng cây” của tác giả Trần Long Ẩn, ca sĩ Anh Thơ bước vào cánh gà sân khấu với cảm xúc tràn đầy và cho biết: “Đã nhiều năm nay, tôi đồng hành cùng với Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Bằng lời ca tiếng hát của mình, tôi muốn gửi đến những con người rất đỗi bình dị sự kính trọng, lòng biết ơn. Tôi thấy cuộc sống trở nên nhân văn, ý nghĩa hơn khi quanh ta có biết bao người tốt. Việc làm cao thượng của họ đã lay động tâm hồn tôi cũng như nhiều người, thôi thúc chúng ta hãy sống đẹp, sống có ích, “mình vì mọi người” hơn nữa”.

Các đại biểu, tác giả và nhân vật đến dự chương trình rất xúc động khi xem phóng sự “Noi theo gương sáng Bác Hồ”, phản ánh sinh động những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác, trong đó có những cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, những người vinh dự được mang tên “Bộ đội Cụ Hồ”. Dù trong thời chiến hay thời bình, Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng ý chí kiên cường, một lòng trung với nước, hiếu với dân, gắn bó mật thiết, hết lòng “Vì nhân dân phục vụ”.

Tham gia giao lưu tại chương trình, đồng chí Hà Đăng (nhiều năm là thành viên Hội đồng chung khảo cuộc thi viết), đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Theo đồng chí, cuộc thi viết bắt nguồn và tiếp nối việc nhân rộng những tấm gương “người tốt, việc tốt” theo tư tưởng của Bác Hồ, qua đó động viên, tôn vinh những “viên ngọc sáng” trong những con người rất đỗi bình dị...

Trong buổi giao lưu, cô giáo Trần Thị Thúy (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) xúc động kể lại những lần quê hương được đón Bác Hồ về thăm, với những lời dặn dò đầy tâm huyết, quý giá của Người… Từ sự kính trọng biết ơn Bác Hồ kính yêu, cô giáo Trần Thị Thúy đã nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, trở thành người trao truyền giấc mơ trở thành công dân toàn cầu cho học trò thân yêu. Điều mà cô Thúy đang làm hiện nay là từng ngày tìm tòi, nghiên cứu để việc tự học và dạy của giáo viên được hiệu quả hơn, như cô đã nói: “Những điều tôi đã, đang và tiếp tục làm là tạo ra những bài giảng hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, nhà trường hạnh phúc và sau này là những em học sinh hạnh phúc để đáp ứng kịp thời cho những thay đổi của xã hội".

Tại chương trình giao lưu, tác giả Dương Út (Báo Đồng Tháp) xúc động kể về hành trình tìm tòi viết tác phẩm “Ông vua” lúa giống miền Tây” và cho biết: Để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao tham gia cuộc thi viết, người cầm bút phải bám sát thực tế cuộc sống, tìm tòi phát hiện những tấm gương người tốt, việc tốt tiêu biểu; thể hiện nội dung trung thực, sáng tạo, với những chi tiết “đắt” và có sức thuyết phục cao, khắc họa rõ nét những phẩm chất tiêu biểu của nhân vật, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc thi viết, khẳng định: “Tôn vinh những người tốt, việc tốt vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của những người làm báo. Việc Báo QĐND phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thành công, đã tạo uy tín và “thương hiệu” của cuộc thi viết trong suốt hơn 11 năm qua; với 10 lần tổng kết, trao giải, gắn với các chương trình giao lưu nghệ thuật, đã tôn vinh, nhân rộng hàng nghìn tấm gương tiêu biểu, bình dị mà cao quý. Cuộc thi chính là việc học tập, kế thừa nghệ thuật, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng tài tình của Bác Hồ, góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”, làm cho “cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”, như Bác Hồ hằng mong muốn”.

Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã khép lại, nhưng Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” tiếp tục được mở ra, như một sự tiếp nối, làm lan tỏa những điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện trọn vẹn Di chúc và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Chúng ta càng ghi nhớ, khắc sâu và thực hiện tốt những lời dạy của Bác, tin tưởng những vườn hoa “người tốt, việc tốt” sẽ mãi ngát hương, kết trái và lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Theo quyết định của Ban tổ chức, Cuộc thi viết lần thứ 11 (2019-2020) được đổi tên thành Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ”, nhằm mở rộng đối tượng, nhân vật phản ánh; tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên hết, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.

TRỊNH DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/lan-toa-ngan-hoa-nguoi-tot-viec-tot-va-nghia-cu-cao-dep-576140