Lan tỏa nét văn hóa cổ truyền

Khởi nghiệp luôn là quá trình không dễ dàng, và khởi nghiệp bằng văn hóa truyền thống lại càng gặp nhiều thách thức hơn. Nhưng bằng tình yêu với văn hóa dân tộc, nhất là với trang phục truyền thống, Nguyễn Đức Lộc cùng những cộng sự của mình vẫn lựa chọn con đường khó với mong muốn làm sống dậy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc.

Mẫu áo dài cổ truyền được nhóm Ỷ Vân Hiên phục dựng.

Tại cửa hàng trưng bày (showroom) của nhóm Ỷ Vân Hiên do mình sáng lập, Nguyễn Ðức Lộc say sưa giới thiệu với chúng tôi về những mẫu áo dài truyền thống vừa được phục dựng. Rằng tại sao bộ trang phục này được gọi là áo ngũ thân, tại sao khi mặc lại cần tấm áo lót trong mầu trắng?... Lộc tỉ mỉ lật giở thân áo thứ năm được khéo léo giấu bên trong, có dây buộc cố định với dây thuộc đường may ở thân chính... Dễ dàng cảm nhận được trong ánh mắt của chàng trai trẻ là cả bầu trời đam mê dành cho trang phục cổ.

Nguyễn Ðức Lộc chia sẻ, từ nhỏ đã quan tâm và yêu thích lịch sử. Trong quá trình tham gia các nhóm Ðại Việt Cổ Phong, Ðình làng Việt, Vietnam Center..., tình yêu với lịch sử văn hóa dân tộc, nhất là với trang phục cổ trong Lộc càng được hun đúc, thôi thúc cậu nghiên cứu, tìm hiểu. Ðể rồi, thay vì lựa chọn "đại học là con đường duy nhất", Lộc quyết định khởi nghiệp bằng việc lập ra showroom của nhóm Ỷ Vân Hiên, nhanh chóng quy tụ được những cộng sự trẻ cùng sở thích, giàu nhiệt thành và sức sáng tạo để cùng hiện thực hóa giấc mơ với trang phục cổ truyền bấy lâu ấp ủ. Từ đây, những bộ sưu tập áo dài truyền thống, áo giao lĩnh, hài, gối, guốc, quạt... mang đậm dấu ấn văn hóa cổ truyền đã lần lượt được giới thiệu tới công chúng.

Ðức Lộc tâm sự, để ra được một sản phẩm, trong từng thiết kế, đường nét, hoa văn, những bạn trẻ nơi đây đều phải thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu trên cơ sở nghiên cứu lịch sử và tham vấn chuyên gia. Ðồng hành cùng họ là các nhà nghiên cứu văn hóa uy tín trong vai trò cố vấn chuyên môn như: nhà nghiên cứu Trần Quang Ðức, tác giả công trình nghiên cứu "Ngàn năm áo mũ", nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Nguyễn Mạnh Ðức, nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc...

Nhờ sự cố vấn của các chuyên gia, những người trẻ ở Ỷ Vân Hiên đã tìm cách liên hệ, kết nối với các nghệ nhân ở nhiều làng nghề sản xuất các sản phẩm truyền thống Việt Nam như hài, quạt, gối xếp... từ bắc tới nam; sử dụng nguyên liệu của các làng nghề như La Khê, Vạn Phúc, Mã Châu, Mỹ A... để lựa chọn chất liệu, mầu sắc phù hợp nhất cho từng sản phẩm. Ðức Lộc cho biết, một trong những nghệ nhân đặc biệt của Ỷ Vân Hiên hiện nay là bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, dòng dõi tôn thất nhà Nguyễn, đang sống ở thành phố Huế. Bằng tay nghề và dựa vào trí nhớ, bà đã tái hiện chiếc gối xếp được sử dụng trong cung đình xưa. Bà vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng Ỷ Vân Hiên để phục dựng nhiều sản phẩm khác kết hợp truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ kế cận.

Nói tới tính ứng dụng của trang phục cổ xưa trong đời sống đương đại, chàng trai 9X cho rằng các nhà thiết kế phải hiểu đúng và đủ về tinh hoa truyền thống mới có thể cách tân, phải hiểu trang phục truyền thống đẹp ở đâu để kết hợp những cái mới mà vẫn giữ được tinh hoa truyền thống. Có như thế, khi đứng giữa cộng đồng quốc tế, chúng ta và bạn bè thế giới vẫn nhận ra đó là trang phục của người Việt. Tâm niệm vậy cho nên dù có thêm nhiều sáng tạo mới trong thiết kế phục trang như chất liệu có thể mới hơn, mầu sắc đa dạng hơn, thậm chí còn có thêm những chiếc túi quần nhỏ xinh để đựng điện thoại..., nhưng những sản phẩm của Ỷ Vân Hiên vẫn mang đậm dấu ấn trang phục cổ truyền.

Ðức Lộc cho biết, khó khăn lớn nhất khi làm những sản phẩm chứa đựng giá trị truyền thống là phải khiến cho mọi người hiểu được những giá trị này. Bởi vậy, không chỉ nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, Ỷ Vân Hiên còn nghiên cứu cả những nghi lễ cung đình và dân gian, tái hiện kết quả nghiên cứu qua nghệ thuật sân khấu, trình diễn nhằm phục vụ du lịch và cộng đồng, góp phần đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với công chúng.

Trong bối cảnh hội nhập với sự lên ngôi của nhiều loại hình giải trí hiện đại, Ðức Lộc thừa nhận thành lập Ỷ Vân Hiên là một sự mạo hiểm. Nhưng chàng trai trẻ tin tưởng tình yêu với lịch sử văn hóa truyền thống sẽ mở đường cho hướng đi ở tương lai. Sự ra đời của Ỷ Vân Hiên cùng nhiều nhóm như Ðình làng Việt, Chèo 4h, Ðại Việt Cổ Phong... là những tín hiệu tích cực cho thấy sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của không ít thanh niên Việt Nam hiện nay. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Ðức: "Việc tìm về với những giá trị truyền thống là nhu cầu chính đáng của người trẻ và cần được cổ vũ, bởi đó là cách họ tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển văn hóa dân tộc, và khi đã hiểu thì sẽ yêu, trân trọng những giá trị cốt lõi". Ðó cũng là nỗ lực đáng khích lệ, động viên để người trẻ dấn thân và khám phá nhiều hơn...

LINH HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/38673302-lan-toa-net-van-hoa-co-truyen.html