Lan tỏa lửa khởi nghiệp: Không dừng lại ở phong trào

Các cuộc thi khởi nghiệp, ngoài là sân chơi cho SV, còn là cách thúc đẩy tinh thần trong trường học. Để khởi nghiệp không dừng lại ở một dự án tham gia cuộc thi, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ nhiều phía.

Đề tài “Bộ làm mát cho tấm pin năng lượng mặt trời” của nhóm SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Đề tài “Bộ làm mát cho tấm pin năng lượng mặt trời” của nhóm SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Thi xong rồi để đó

iKids – Trường học cho trẻ em là dự án khởi nghiệp của nhóm SV Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng liên quan đến giáo dục STEAM được Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng ươm tạo. Đối tượng hướng đến của dự án là HS tiểu học trong tiếp cận kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật theo hướng tích hợp, gắn liền với thực tiễn. Chỉ sau một thời gian ngắn với 3 lớp dạy thử nghiệm miễn phí dự án hết kinh phí nên đành khép lại.

Ông Lý Đình Quân – Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cho rằng: Khởi nghiệp sáng tạo là một chặng đường dài, nếu chỉ có ý tưởng tốt thôi thì chưa đủ. Để biến ý tưởng thành sản phẩm đưa được ra thị trường, đòi hỏi phải có sự đam mê, sáng tạo, tài chính và năng lực khởi nghiệp.

Ông Quân lấy ví dụ từ dự án Vút bay của 20 SV đến từ một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn Đà Nẵng. Dự án này hướng đến mục tiêu giúp HS phổ thông có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp và được đưa vào chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”. “Vút bay” là một dự án có nhiều sáng tạo, thiên về trí tuệ, khả năng mở rộng dễ do ít sử dụng nguồn lực tài sản hữu hình, tạo ra được giá trị để tìm nhà đầu tư nên khởi nghiệp rất tốt”, ông Quân nhận xét. Thế nhưng, dự án khép lại sau 3 chương trình hướng nghiệp kết nối giữa HS phổ thông và một số doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… nhằm tìm hiểu một số ngành nghề theo xu hướng trải nghiệm để hướng nghiệp.

Theo phân tích của ông Quân, “Vút bay” vẫn có cơ hội bứt phá nếu có một đội ngũ nhân sự mạnh, vừa am hiểu giáo dục vừa có đầu óc kinh tế và cả các mối quan hệ để có thể kết nối nhà trường – doanh nghiệp trong tổ chức trải nghiệm.

Trong khi đó, Huỳnh Quang Triết – Trưởng điều phối dự án “Vút bay” chia sẻ: “Vút bay” gặp khó khăn trong việc tìm đối tác, kết nối với các trường học – doanh nghiệp. Dù đã được sở GD&ĐT cấp giấy phép để tổ chức chương trình tại các trường THPT trên địa bàn thành phố nhưng việc thuyết phục được các doanh nghiệp, nhà máy… hợp tác, tiếp nhận HS đến thực tế, trải nghiệm các hoạt động sản xuất, kinh doanh không hề dễ dàng”.

Kết nối cộng đồng khởi nghiệp

Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường ĐH, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thúc đẩy việc kết nối với các cộng đồng khởi nghiệp như Hội doanh nghiệp trẻ & doanh nhân trẻ tổ chức hoạt động đào tạo, hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp và các cuộc thi khởi nghiệp.

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Với khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp trong SV cần có bệ phóng tốt là nhà đầu tư. Hầu hết SV kỳ vọng sau này sẽ trở thành nhà lãnh đạo, dự án sẽ thu hút được vốn đầu tư. Các em có suy nghĩ là con đường khởi nghiệp rất bằng phẳng nhưng trên thực tế rất khắc nghiệt và tỉ lệ thành công là rất nhỏ. Chính vì vậy, trong đào tạo khởi nghiệp, ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng liên quan, thông qua buổi thảo luận, chuyên đề, các chuyên gia cùng với doanh nhân sẽ giúp SV hình thành và điều chỉnh thái độ, đam mê với khởi nghiệp từ những va chạm của bản thân. Với ECO Fest – Ươm mầm khát vọng khởi nghiệp, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đang xây dựng một chương trình đào tạo dài hơi, hướng đến HS phổ thông. Tham gia chương trình, HS được làm quen với khởi nghiệp, tinh thần sáng tạo, đổi mới thông qua việc xây dựng những ý tưởng sơ khai. HS có tiềm năng và lòng yêu thích khởi nghiệp sẽ được chọn để tiếp tục đào tạo.

Ở một góc độ khác, TS Nguyễn Thị Mỹ Hương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng cho rằng: Vai trò của nhà trường trong việc giáo dục khởi nghiệp không phải là thúc đẩy SV hình thành doanh nghiệp ngay khi còn đi học. Nhiệm vụ của trường là thúc đẩy tinh thần nghề nghiệp, phát triển kiến thức và kỹ năng giải quyết các vấn đề, xây dựng tư duy cho SV. Mục tiêu của đào tạo khởi nghiệp, vì vậy, hướng tới trang bị cho người học tinh thần khởi nghiệp, luôn khao khát tạo ra giá trị cho xã hội thông qua đổi mới, sáng tạo. Ngoài ra, người có tinh thần khởi nghiệp, tính kiên trì để đạt được thành công và đặc biệt là dám chấp nhận rủi ro.

Đào tạo khởi nghiệp, theo TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, rất cần cho sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học. “Với tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng và kiến thức căn bản về khởi nghiệp, họ có thể nắm bắt được cơ hội tốt hơn, và khi có cơ hội, họ sẽ khởi nghiệp. Lúc này, lợi ích cho xã hội lớn gấp đôi bởi hai khía cạnh: Tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, và họ sẽ tạo ra việc làm cho chính mình, cho nhiều người khác”- TS Hương khẳng định.

Sự liên kết giữa người trẻ và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng cực kì quan trọng. Đây sẽ là dịp để nhà đầu tư tìm thấy được những ý tưởng tiềm năng để đồng hành lâu dài; người trẻ được học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp. - PGS.TS Võ Thị Thúy Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/lan-toa-lua-khoi-nghiep-khong-dung-lai-o-phong-trao-9XHWLTfGg.html