Lan tỏa không gian văn hóa từ đường sách

Tôi hơi thất vọng khi lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy mô hình thư viện xe buýt sách nằm giữa đường sách Nguyễn Văn Bình ở TPHCM khi có dịp ghé thăm quê nhà trong chuyến công tác vừa rồi. Cho dù là mini nhưng cái thư viện này lẽ ra cũng nên rộng rãi hơn một chút vì tôi chỉ bước vào không quá 30 giây là phải bước ra ngoài ngay. Cái tấm kính trong suốt giữa hai băng ghế ngồi đọc sách trong 'trạm chờ xe buýt' khiến tôi ngại, không dám ngồi sau lưng những người đang ngồi là phái đẹp. Sau khi đi vòng quanh mô hình chụp vài kiểu ảnh thì ghế ngồi ở 'trạm chờ xe buýt' bắt đầu có chỗ trống. Tôi chợt nhận ra rằng đây cũng không phải là nơi phù hợp cho một người đàn ông trung niên ngồi đọc sách báo hay thư giãn.

Đường sách có lẽ không nên chỉ giới hạn trong khuôn viên đường Nguyễn Văn Bình mà từ đây khởi đầu hành trình văn hóa thú vị cho người dân và du khách đến TPHCM. Ảnh: Lê Hữu Huy

Nhưng những cảm xúc nói trên đã nhanh chóng tan biến khi tôi bước vào những gian hàng sách với không gian rộng rãi và thoải mái bất chấp cái nóng hầm hập trong tiết trời Sài Gòn đầu mùa mưa. Đối diện với xe buýt sách là Nhà sách Mùa thu, trưng bày và trao đổi sách xưa quý hiếm. Lúc tôi bước vào, có khoảng 5-6 nhân viên nữ đang tỉ mỉ dán lại từng trang sách cũ. Xét về số lượng và tính đa dạng, sách cũ trên đường sách Nguyễn Văn Bình dĩ nhiên không thể sánh bằng những nhà sách cũ mà tôi thỉnh thoảng ghé qua trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng ở đây tôi lại được hưởng cái cảm giác thăng hoa khi thấy sách báo và chữ nghĩa được trân trọng cùng bầu không khí văn hóa toát lên không chỉ từ lời ăn tiếng nói mà còn từ những cử chỉ lịch thiệp, ánh mắt dịu dàng và nồng ấm của con người dành cho nhau.

Một cảm giác thoải mái khác trong đường sách là khách tham quan không cần phải gửi túi xách cho bảo vệ như một “thông lệ” tại nhiều nhà sách lớn ở TPHCM. Điều đáng tiếc là một số gian hàng còn chưa chăm chút về hình thức, nhất là trong việc trình bày kệ và giá sách. Dẫu vậy tôi cũng tìm được nhiều đầu sách hay phục vụ cho các vấn đề mà mình quan tâm, trong đó có quyển Du lịch Việt Nam từ lý thuyết đến thực tiễn của Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa được xuất bản trong năm 2018. Tôi không thấy nhiều thông tin về sách mới ra ở các gian hàng tham quan trong chuyến “du hí tinh thần” lần này.

Sách là một sản phẩm đặc biệt mà một số nhà kinh tế học gọi là “hàng hóa trải nghiệm” . Không giống như những mặt hàng thông thường khác, sách có những đặc tính mà người tiêu dùng không thể đánh giá ngay từ lúc đầu. Có khi người đọc phải “tiêu thụ” sau một thời gian rồi mới biết mình có thích hay hiểu được giá trị của nó hay không. Theo một số nhà nghiên cứu, độc giả thường mua sách dựa vào lời khuyên của bạn bè hay ai đó tin cậy hoặc theo hiệu ứng số đông. Việc xem thử, đọc lướt vài trang, vài đoạn là rất cần thiết và động tác này chỉ có thể thực hiện trong nhà sách. Ngoài ra, chuyện giao lưu, chia sẻ thông tin và cảm nhận trước, trong và sau khi đọc một quyển sách cũng là nhu cầu rất đặc thù của độc giả.

Ở Singapore, tập đoàn báo chí Singapore (SPH) hàng năm tổ chức hội chợ sách với nhiều hoạt động đa dạng để cổ động văn hóa đọc và thu hút người dân đảo quốc sư tử đến với sách nhiều hơn. Khác với mọi năm thường tổ chức ở khu thương mại Suntec City, hội chợ sách năm nay lại được dời vào khu trung tâm hành chính tại hai địa điểm mang ý nghĩa di sản văn hóa cao là nhà hát Capitol vừa được trùng tu và quần thể giải trí Chijmes được cải tạo từ khu nhà nguyện của người theo đạo Công giáo xây dựng từ năm 1904.

Với chủ đề “Thành phố đọc sách” (Reading City), Hội chợ Sách Singapore 2018 diễn ra chỉ có bảy ngày (25 đến 31-5-2018) nhưng có thể quy tụ ấn phẩm của hơn 3.000 nhà xuất bản cùng với các hoạt động nổi bật như giới thiệu sách mới, giao lưu với tác giả ký tặng sách và các buổi trao đổi với các nhà báo của nhật báo tiếng Anh The Straits Times và Liên hiệp Tảo báo về các vấn đề mà độc giả Singapore quan tâm. Hội chợ còn hấp dẫn với cả những ai chưa quan tâm đến sách nhờ các buổi chiếu phim miễn phí trong đó có bộ phim Hồng Kông vừa được phát hành mang tên Mad World, biểu diễn nhạc trẻ, các buổi hội thảo mini dạy các kỹ năng thủ công hay thưởng thức trà, rượu vang... Nhưng ý nghĩa nhất vẫn là các buổi kể chuyện cho thiếu nhi hay cả người lớn về lịch sử của Singapore và cả những cuộc tham quan các di tích trong khu vực trung tâm thành phố và một số mô hình hay đồ họa tái tạo lại khung cảnh Singapore ngày xưa cho khách tham quan nhí chụp ảnh.

Có thể không công bằng khi so sánh đường sách Nguyễn Văn Bình tại TPHCM được hình thành chưa lâu với quy mô hội chợ sách được tổ chức hàng năm đã có từ lâu tại Singapore, nhưng những sáng kiến thu hút người dân đến với sách vở và chữ nghĩa nêu trên rất đáng được tham khảo và áp dụng. Viễn cảnh cho đường sách rồi đây có lẽ không chỉ giới hạn trong khuôn viên đường Nguyễn Văn Bình mà sẽ khởi đầu hành trình văn hóa thú vị cho người dân thành phố và cả du khách trong và ngoài nước. Cách đường sách chỉ có vài bước chân là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, rồi xa hơn một chút là Hội trường Thống Nhất ghi nhận những thời khắc lịch sử. Công trường Công xã Paris có lẽ nên được đổi thành Quảng trường Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame Square) cho dễ nhớ và biến nó thành một khu vực đi bộ với đường sách là điểm khởi đầu cho ý tưởng mở rộng không gian đô thị phục vụ du lịch và làm giàu hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân TPHCM.

Chắc hẳn rằng những ai đã có dịp đến với đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ dành thời gian thăm thú những di tích văn hóa lịch sử đã nêu trên đây. Nhưng bụt nhà thường không thiêng, dường như người dân địa phương không quan tâm lắm đến những thứ quá gần gũi với mình trong cuộc sống thường nhật. Điều này có lẽ đúng với tôi là một người đã sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, sau hơn 20 năm lăn lóc nơi đất khách quê người nay mới khám phá và được tận hưởng cái thú đi bộ loanh quanh Nhà thờ Đức Bà và phố phường Sài Gòn. Từ đường sách tôi thong thả đi bộ sang đường Thái Văn Lung nơi có thư viện của Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) và nhớ lại thời sinh viên nghèo ngày xưa. Chuyến đi này làm tôi nhớ lại những giây phút đầu tiên được cầm trên tay những tờ báo hay tạp chí tiếng Pháp như Le Monde, Le Figaro, L’Equipe, Paris Match. Học tiếng Pháp khi đó chưa biết tương lai sẽ ra sao nhưng niềm say mê với sách báo và chữ nghĩa đã giúp tôi tìm tòi những chân trời mới của nước Pháp, châu Âu và thế giới, trang bị thêm những kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp chưa được học trong trường. Có lẽ nhờ đó mà tôi đã nhanh chóng thích ứng với cuộc sống nghề nghiệp khi may mắn tìm được việc làm sau khi ra trường trong bối cảnh đất nước đổi mới và mở cửa làm ăn với nước ngoài.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Lê Hữu Huy (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275428/lan-toa-khong-gian-van-hoa-tu-duong-sach-.html