Lan tỏa không gian văn hóa đồng bào Cao Lan

Đồng bào Cao Lan là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất sinh sống tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi, thương mại cho nên đến nay cơ bản không còn hộ nghèo ở Hà Thượng, thế nhưng nhiều nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của dân tộc này ngày càng bị mai một. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào.

Khách tham quan không gian văn hóa của dân tộc Cao Lan tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

Khách tham quan không gian văn hóa của dân tộc Cao Lan tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

Đồng bào dân tộc Cao Lan nhiều đời nay sinh sống tập trung ở ba xóm 6, 7 và 10 thuộc xã Hồ Thượng với khoảng 200 gia đình. Dân tộc Cao Lan có nhiều phong tục truyền thống mang bản sắc riêng như: ở nhà sàn, họ sử dụng ngôn ngữ riêng; trang phục, phong tục cưới hỏi…, trong đó đặc biệt có nghệ thuật trình diễn dân gian hát Sình ca, múa Tắc xình rất độc đáo. Hát Sình ca là môn nghệ thuật được ví như hơi thở của đồng bào Cao Lan, bởi đó là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian mang những nét đặc trưng, gắn với nhịp sống hằng ngày của đồng bào và là hoạt động không thể thiếu trong dịp lễ hội đầu năm. Nam, nữ người dân tộc Cao Lan ngồi trên chiếu hoa, đối diện nhau hát giao duyên, chủ yếu dựa vào tài ứng khẩu linh hoạt, hóm hỉnh, giàu hình ảnh trữ tình của người hát. Còn điệu múa Tắc xình là điệu múa đặc trưng của người Cao Lan vào các dịp lễ, hội để cầu tổ tiên phù hộ cho gia đình, cộng đồng mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi, làng xóm quanh năm yên vui. Tuy vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan đang dần mai một và lãng quên. Bí thư chi bộ xóm 6 Hoàng Văn Son là người dân tộc Cao Lan chia sẻ: “Văn hóa đặc trưng của người Cao Lan chúng tôi khá phong phú, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay nhiều người trẻ không biết tiếng nói, trang phục, đời sống văn hóa, văn nghệ, tín ngưỡng của dân tộc mình. Đó là điều đáng tiếc!”.

Đứng chân trên địa bàn xã Hà Thượng, tri ân người dân địa phương và với trách nhiệm xã hội của mình, những năm vừa qua Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền xã và cộng đồng người Cao Lan ở địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân không chỉ phát triển kinh tế mà còn bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, cụ thể là xây dựng không gian văn hóa của dân tộc Cao Lan tại Nhà văn hóa xóm 6. Anh Vũ Ngọc Cường, cán bộ Công ty cho biết: “Để hoàn thành không gian văn hóa đa dạng và phong phú của người Cao Lan, chúng tôi cùng với nhiều người cao tuổi dân tộc Cao Lan, tiêu biểu là các bác Hoàng Văn Đường, Tạc Văn Ngân, Nguyễn Văn Sơn, Đào Thị Tâm dày công đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, hình ảnh, hiện vật văn hóa của người Cao Lan mang về. Khi tài liệu, hiện vật đã khá phong phú, chúng tôi tìm đến một số bảo tàng, cơ quan văn hóa để tham quan, học tập, tham vấn xây dựng không gian văn hóa đồng bào Cao Lan ở nhà văn hóa xóm 6”.

Văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Cao Lan hiện được trưng bày, bảo tồn, giới thiệu tại Nhà văn hóa xóm 6 khá phong phú, bao gồm công cụ lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, công cụ văn hóa, trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, thông tin, bản đồ cư trú của dân tộc Cao Lan. Không gian văn hóa dân tộc Cao Lan không chỉ giúp cho thế hệ trẻ người dân tộc Cao Lan hiểu biết, tự hào, gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của chính dân tộc mình mà còn góp phần làm cho các dân tộc hiểu biết về nhau hơn, từ đó tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc ở địa phương.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/42543202-lan-toa-khong-gian-van-hoa-dong-bao-cao-lan.html