Lan tỏa kết nối cho vay ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM

Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khởi xướng từ TP.HCM từ gần 7 năm trước, trở thành điển hình và lan tỏa ra cả nước.

Ảnh minh họa.

Vượt mức cam kết

Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên tại TP.HCM đã tham gia nhiều chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Chương trình cho vay kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tạo được sức hút lớn.

Từ năm 2012, xuất phát từ những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, chương trình trên được UBND TP.HCM khởi xướng, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai.

Chương trình này nhằm tạo một kênh kết nối có sự tham gia, tương tác cụ thể từ chính quyền địa phương, với các ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; qua đó hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc và rào cản, tìm tiếng nói chung trong phát triển tín dụng.

Sau thành công trong hiệu quả kết nối những năm đầu, với số vốn kết nối vượt mức cam kết từng năm tại TP.HCM, Chương trình cho vay kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhanh chóng được mở rộng triển khai tại nhiều địa bàn khác trên cả nước.

Tại hội nghị do UBND TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước tổ chức gần đây, chương trình này tiếp tục cho thấy sức kết nối lớn.

Cụ thể, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, chương trình kết nối này đã cho vay 10.593 khách hàng với số tiền 285.544 tỷ đồng, vượt 9,8% so với cam kết cho vay của các ngân hàng thương mại.

Nguồn: NHNN Chi nhánh TP.HCM.

Nguồn: NHNN Chi nhánh TP.HCM.

Cũng tại hội nghị trên, để tiếp nối hoạt động hỗ trợ hằng năm này, năm 2019, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM tham gia với tổng số tiền đăng ký là 269.262 tỷ đồng. Mặc dù, con số đăng ký năm 2019 chỉ bằng 94,3% so với con số thực hiện năm 2018 là 285.544 tỷ đồng, nhưng đây mới chỉ là con số đăng ký dự kiến. Con số thực tế sẽ tùy theo tình hình thực hiện giải ngân và tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn.

Tính đến thời điểm 31/3/2019, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 9.122 tỷ đồng, cho vay 1.098 khách hàng.

Ngân hàng lớn làm đầu tàu

Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank), riêng năm 2018 tại TP.HCM, Vietcombank đã cho vay kết nối đạt dư nợ 45.720 tỷ đồng, vượt so với đăng ký là 38.820 tỷ đồng nhưng giảm 21% so với dư nợ năm 2017 là 58.468 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) Chi nhánh TP.HCM, tính từ đầu năm 2019 đến ngày 28/02/2019, ngân hàng này đã cho vay kết nối đạt doanh số 26.661 tỷ đồng, hoàn thành 17,8% chỉ tiêu đăng ký, dẫn đầu trong các NHTM tham gia chương trình. Và tính đến cuối quý I/2019, dư nợ ước đạt 38.252 tỷ đồng.

Nguồn: Báo cáo kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp 2019.

Từ năm 2012 đến hết tháng 3/2019, doanh số cho vay của VietinBank đạt 595.410 tỷ đồng; tính bình quân, mỗi năm doanh số cho vay kết nối của ngân hàng này ước đạt 95.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại khác cũng tham gia tích cực trong cho vay kết nối.

Cụ thể, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Củ Chi đã cho vay năm 2018 đạt 2.329 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho vay 2.741 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thuơng Tín (Sacobank) cho vay hàng nghìn tỷ đồng với các gói cho vay được thiết kế theo từng chương trình hỗ trợ…

Tập trung 5 lĩnh vực ưu tiên

Không chỉ cho vay theo chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM trong hơn 5 năm qua cũng tham gia các chương trình cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ năm 2013 với lãi suất thấp hơn thị trường, nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên nói trên đạt 158.070 tỷ đồng, với 36.241 khách hàng được vay vốn.

Nguồn: NHNN Chi nhánh TP.HCM.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.HCM đã cho vay đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng cao nhất 70,5% và đạt 111.504 tỷ đồng. Tiếp thep là cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 24.412 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,4%.

Cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 15.812 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10%. Cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 6.196 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,9%. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 146 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,09%.

Riêng về cho vay kết nối nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho biết Chương trình kết nối giữa Ngân hàng – Doanh nghiệp trong nông nghiệp đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, tác động tốt tới tốc độ tăng trưởng của ngành và thu nhập của người sản xuất nông nghiệp.

Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của UBND TP.HCM trong năm 2018 cho thấy các quận, huyện đã phê duyệt 468 quyết định, có 1.164 hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư là 1.345 tỷ đồng, tổng vốn vay là 839 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ các phương án được phê duyệt là 110,6 tỷ đồng.

Ở chính sách trên, có thể tính toán tương đối sự phối hợp giữa các nguồn lực, có 01 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay thì huy động được 22 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ ngân hàng là 14 đồng, huy động trong dân là 08 đồng. Theo đó, sức lan tỏa của đồng vốn, chính sách hỗ trợ có thêm lực đẩy cho bên vay vốn.

Hướng đến cho vay sản phẩm chủ lực

Năm nay, Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được UBND TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đặt trọng tâm hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của thành phố.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 4544 về danh mục "Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn 2018 -2020". Việc ngành ngân hàng tham gia hỗ trợ vay vốn đối với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố sẽ góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh xuất khẩu, cạnh tranh với hàng nhập khẩu và phát huy thế mạnh của doanh nghiệp Việt.

Danh mục nhóm sản phẩm chủ lực giai đoạn 2018 - 2020 gồm 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng: cơ khí, điện tử, hóa dược - cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm, dệt may.

Có 5 nhóm giải pháp hỗ trợ: mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, thủ tục hành chính và thuế hải quan.

Như vậy, các sáng kiến vì một TP.HCM phát triển đã không ngừng được khuyến khích, sáng tạo và nâng tầm. Tuy nhiên, để việc cho vay thực sự hiệu quả cần sự đóng góp từ các bên, đặc biệt là sự tháo gỡ vướng mắc từ phía UBND thành phố để thực sự cho vay hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng tạo sự đột phá thực chất, chứ không chỉ đơn thuần là góp phần vào tăng trưởng tín dụng trên địa bàn hằng năm.

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/lan-toa-ket-noi-cho-vay-ngan-hang-doanh-nghiep-tren-dia-ban-tphcm-3503523.html