Lan tỏa hoạt động phổ biến pháp luật đến từng người dân

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 9/12/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ, lan tỏa đến từng người dân.

Các cuộc thi, hội thi về pháp luật đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn Hà Tĩnh (Trong ảnh: Các tuyên truyền viên thị xã Hồng Lĩnh tham gia chung kết hội thi hòa giải viên giỏi năm 2018)

Các cuộc thi, hội thi về pháp luật đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn Hà Tĩnh (Trong ảnh: Các tuyên truyền viên thị xã Hồng Lĩnh tham gia chung kết hội thi hòa giải viên giỏi năm 2018)

Bà Phan Thị Thúy (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn) chia sẻ: “Không riêng tôi mà tất cả người dân trong xã đều rất háo hức khi được nghe phổ biến pháp luật. Trước đây, hình thức phổ biến chỉ đơn thuần là giảng viên tư vấn các văn bản pháp luật, thì nay, những vở kịch được sân khấu hóa hay cuộc thi hái hoa dân chủ, thi báo cáo viên đã nhận được sự tán dương của phần lớn người tham gia”. Lời tán dương của bà Thúy cũng là sự ghi nhận cho những đổi thay của công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn Hà Tĩnh trong 15 năm qua.

Được biết, kể từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành hơn 60 văn bản; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh ban hành hơn 2.250 văn bản các loại để triển khai thực hiện công tác PBGDPL; đồng thời, ký kết hơn 1.500 chương trình phối hợp. Đặc biệt, trong năm 2019, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và UBND các cấp đã tổ chức 6.500 cuộc PBGDPL trực tiếp với 904.322 lượt người tham dự; tổ chức 318 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 126.145 lượt người dự thi; phát hành 492.577 tài liệu cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Việc giáo dục pháp luật học đường với hình thức đa dạng như tuyên truyền trực quan, hái hoa dân chủ, phát tờ rơi... nhận được sự hào hứng tham gia của đông đảo học sinh

Công tác PBGDPL học đường cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh đưa nội dung pháp luật vào giảng dạy trong bộ môn Giáo dục công dân, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Luật Giáo dục Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy, HIV/AISD… được các trường học tổ chức dưới các hình thức, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên…

Đặc biệt, hằng năm, hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, các địa phương, đơn vị đã tổ chức các hình thức tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng như PBGDPL trực tiếp; quán triệt trên báo chí, phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh cơ sở, cổ động trực quan; thực hiện PBGDPL thông qua trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, xét xử lưu động…

Toàn ngành tư pháp cũng đã tổ chức 40 cuộc tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng sâu, vùng xa. Tại các buổi tư vấn, báo cáo viên đã giới thiệu nội dung chính của Hiến pháp 2013; các văn bản pháp quy liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình; Luật Dân sự… Qua đó, nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho nhân dân.

Các sở, ban ngành, đoàn thể còn tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến các văn bản Luật liên quan đến đời sống nhân dân

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đã đưa lại hiệu quả rõ nét. Người dân Hà Tĩnh từ miền núi đến miền biển đều kịp thời nắm bắt các quy định của pháp luật liên quan đến đời sống sinh hoạt.

Các cặp vợ chồng ý thức hơn về bạo lực gia đình; toàn xã hội lên án tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm; học sinh tuân thủ các quy định về vật liệu cháy nổ, vật liệu cấm… Những vấn đề liên quan đến đất đai được phổ biến sâu rộng, tư vấn cặn kẽ, góp phần hạn chế các vụ việc đau lòng từ các tranh chấp.

Sự ra đời của các câu lạc bộ pháp luật như “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “Nông dân với pháp luật”, các mô hình “5 không, 3 sạch”, “Nói không với rác thải nhựa”… đã trở thành cánh tay nối dài ở cơ sở đối với công tác PBGDPL. Có khoảng 50 cuộc vận động đã được các ngành, các cấp phát động như: “Toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm”; “Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... đã cho thấy nhận thức pháp luật của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Bà Phạm Thị Khánh (người cầm sổ vàng) được các trợ giúp viên hướng dẫn cách giải quyết việc gia đình để vừa đảm bảo quyền lợi cho người có công, vừa không phát sinh những rắc rối mới.

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng cho biết: “Những năm tiếp theo, Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường; nghiên cứu, xây dựng tủ sách pháp luật điện tử; phát triển mạng lưới các thiết chế hỗ trợ pháp luật cho người dân tại cơ sở. Đặc biệt, phát huy tốt hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, chính trị - xã hội nghề nghiệp trong giám sát, phản biện và phối hợp thực hiện công tác PBGDPL”.

Thùy Dương

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/phap-luat-doi-song/lan-toa-hoat-dong-pho-bien-phap-luat-den-tung-nguoi-dan/184766.htm