Lan tỏa hình ảnh những người giữ biển trên sân khấu xiếc

Với mong muốn bày tỏ tình cảm và tinh thần hướng về biển đảo đồng thời đóng góp một phần nhỏ bé động viên các chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển đang ngày đêm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật tổng hợp 'Đi cùng năm tháng số 3' với chủ đề 'Biển đảo là quê hương' vào ngày 24-7, tại Rạp Xiếc Trung ương (67-69 phố Trần Nhân Tông, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

NSND Tống Toàn Thắng, tác giả kịch bản và đạo diễn chương trình đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về chương trình xiếc mang màu sắc của người chiến sĩ.

Phóng viên (PV): Phải chăng thành công của hai lần tổ chức trước đây là động lực để anh tiếp tục xây dựng kịch bản và đạo diễn Chương trình nghệ thuật tổng hợp “Đi cùng năm tháng lần thứ 3” với tên gọi “Biển đảo là quê hương”?

NSND Tống Toàn Thắng: Sau những thành công của các chương trình “Đi cùng năm tháng” đã được tổ chức trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hàng năm với các chủ đề khác nhau như: “Sống mãi với Điện Biên”, "Ký ức Trường Sơn” đã để lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc cho đông đảo khán giả. Phát huy ý nghĩa cao đẹp đó, với tinh thần hướng về biển đảo, Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đưa ra kế hoạch tổ chức Chương trình nghệ thuật tổng hợp “Đi cùng năm tháng lần thứ 3” với tên gọi “Biển đảo là quê hương”.

 NSND Tống Toàn Thắng với tiết mục xiếc trăn trong chương trình “Đi cùng năm tháng số 1”.

NSND Tống Toàn Thắng với tiết mục xiếc trăn trong chương trình “Đi cùng năm tháng số 1”.

Đây là lần thứ ba Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng một chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa và khắc họa hình ảnh người chiến sĩ. Thông qua ngôn ngữ xiếc, giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc tinh thần hy sinh gian khổ của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thông qua chương trình cũng là dịp để các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ và trực tiếp trao tặng các phần quà tới tận tay các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc màu da cam… Đây cũng là dịp để tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, các nghệ sĩ xiếc trẻ về truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của cha ông.

Tôi dồn hết tâm huyết xây dựng kịch bản cho chương trình này mà trong đó ngôn ngữ xiếc là chính nhưng sẽ đong đầy cảm xúc.

PV: Tại sao anh lại chọn chủ đề của chương trình là “Biển đảo là quê hương”?

Trước khi xây dựng kịch bản, tôi và Ban giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cân nhắc rất cẩn thận về nội dung và chủ đề của chương trình. Cuối cùng chúng tôi quyết định lấy chủ đề là “Biển đảo là quê hương” bởi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Khi dàn dựng chương trình này, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, toàn bộ chương trình sẽ được bao phủ một màu xanh của biển cả, ngay cả những tấm vé và poster của chương trình đều là màu xanh.

PV: Khán giả thường được xem những hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện trong các loại hình nghệ thuật như: Hội họa, âm nhạc, điêu khắc… anh có cảm thấy khó khăn khi đưa ngôn ngữ xiếc vào chương trình này?

NSND Tống Toàn Thắng: Qua chương trình này, tôi muốn khán giả có cái nhìn khác về nghệ thuật xiếc. Giờ đây, xiếc không còn chỉ mặc định phục vụ trẻ em mà chúng tôi muốn chinh phục mọi đối tượng.

Người xem được thấy hình ảnh người chiến sĩ hải quân được khắc họa bằng ngôn ngữ xiếc mà trong đó có phần trình diễn lắng đọng, giàu cảm xúc là chi tiết miêu tả hình ảnh các chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với biết bao khó khăn, vất vả, để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, các anh đã trở thành “tượng đài” giữa biển khơi.

Phần hoạt cảnh “Những người lính biển” phác họa cuộc sống của những người lính trên biển khơi bằng những màn luyện tập thể thao, tăng gia sản xuất… Trong hoạt cảnh hơn 10 phút, ngoài ý nghĩa về chính trị, người xem sẽ thấy hình ảnh cuộc sống vui tươi của các chiến sĩ hải quân trên biển.

Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong chương trình “Đi cùng năm tháng số 2".

Ngoài ra, chương trình còn có một tiết mục hấp dẫn “Tình yêu của người lính biển”, làm cho cảm xúc của người xem lắng xuống bởi câu chuyện tình đẹp của một chiến sĩ hải quân. Đây là tiết mục đu dây do 2 nghệ sĩ Thu Hương và Thanh Tuấn biểu diễn. Tiết mục này được biểu diễn trên nền nhạc của ca khúc “Chút thư tình của người lính biển”.

Ở màn kết “Việt Nam ơi”, khán giả sẽ được chứng kiến trên sân khấu xiếc rợp màu cờ Tổ quốc, với sự hiện diện của các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, các em nhỏ, các bà mẹ… tất cả bao trùm toàn bộ sân khấu sẽ tạo cảm xúc, dấu ấn với người xem bằng tình yêu quê hương, đất nước.

PV: Được biết trong chương trình “Đi cùng năm tháng số 1”, anh đã thay đổi hình ảnh bằng trang phục màu xanh khi biểu diễn tiết mục xiếc trăn, ở chương trình “Đi cùng năm tháng số 3”, anh có tiếp tục thể hiện màn biểu diễn này?

NSND Tống Toàn Thắng: Trong chương trình năm nay, nếu đưa hình ảnh con trăn lên sân khấu mà trong bối cảnh của biển đảo thì không hợp. Mặc dù tôi rất muốn xuất hiện trên sân khấu nhưng tiết mục phải dựa trên nội dung của chương trình. Nếu cố tình đưa vào sẽ bị khiên cưỡng. Khi dàn dựng các tiết mục xiếc thú trong chương trình, tôi phải chọn những động vật gần gũi với bộ đội như chim bồ câu, chó, lợn…

Tiết mục xiếc hoạt cảnh "Nơi đảo xa".

PV: Đây là chương trình thực hiện với mục đích quyên góp, ủng hộ các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển và gia đình thương binh, liệt sĩ, trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, anh làm thế nào để khắc phục?

NSND Tống Toàn Thắng: Đây là chương trình chúng tôi tổ chức thường niên, mặc dù giai đoạn này còn rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn duy trì bởi đó là hoạt động mang tính truyền thống của Liên đoàn Xiếc Việt Nam; đồng thời để các nghệ sĩ trẻ cảm nhận về tình yêu đất nước, sự biết ơn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Năm nay, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ, đến nay đã có Câu lạc bộ UNESCO Sen Hồng gửi tặng một tấn gạo, một cá nhân gửi tặng 200 lá cờ Tổ quốc; hiện chúng tôi đang kêu gọi ủng hộ máy lọc nước mặn gửi tặng các chiến sĩ Nhà giàn DK1 và nhiều phần quà khác gửi tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ.

Đặc biệt trong chương trình năm trước và năm nay cũng vậy, các nghệ sĩ cũng sẽ chuyển số tiền biểu diễn của mình thành những phần quà gửi tặng các thương binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/lan-toa-hinh-anh-nhung-nguoi-giu-bien-tren-san-khau-xiec-626465