Lan tỏa hiệu quả các chương trình phòng chống đuối nước trẻ em

Chương trình Phòng chống đuối nước trẻ em sẽ được triển khai mở rộng tại 4 tỉnh tiếp theo, sau khi được thực hiện hiệu quả tại 8 tỉnh. Chương trình có 3 cấu phần chính là: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước trẻ em; Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi.

Các địa phương chú trọng nhân rộng các chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ. Ảnh minh họa

Các địa phương chú trọng nhân rộng các chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ. Ảnh minh họa

Sau 2 năm triển khai (từ tháng 8/2018), Chương trình Phòng chống đuối nước trẻ em do Quỹ từ thiện Bloomberg tài trợ thông qua Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) là đơn vị chủ quản, phối hợp với các bộ, ban, ngành địa phương thực hiện. Chương trình có 3 cấu phần chính là: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam. Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng. Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi. Trong giai đoạn 2018-2019. Chương trình đã triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh. Đây là những địa phương có các trường hợp tử vong do đuối nước trẻ em cao nhất cả nước.

Tại tọa đàm Phòng chống đuối nước cho trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị tổ chức, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của tổ chức GHAI cho biết, trong 2 năm qua, chương trình đã đào tạo được 5.000 cha mẹ của trẻ và giáo viên của các trường mầm non trong 8 tỉnh về phòng chống, đuối nước cho trẻ em, đồng thời trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian tới, chương trình sẽ được triển khai mở rộng tại 4 tỉnh tiếp theo, đây là sự lan tỏa hiệu quả sau khi chương trình được triển khai tại 8 tỉnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, năm 2010 có 3.300 trẻ em bị tử vong do đuối nước, giai đoạn 2016 - 2020 trung bình mỗi năm khoảng hơn 2.000 em bị tử vong do đuối nước mỗi năm. So với các nước trong khu vực và các nước phát triển, tình hình đuối nước trẻ em ở Việt Nam vẫn ở mức cao hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng thông tin về các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đuối nước khiến trẻ em tử vong. Cụ thể như: Nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế. Nhiều trường hợp tai nạn thương tích trẻ em, đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ. Nhiều vụ đuối nước trẻ em tại Việt Nam do thiếu sự giám sát của người lớn. Trong khi đó, môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

“Chúng ta có bờ biển dài, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều vùng nước mở. Nước ta thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ hàng năm, các trận bão lũ xảy ra đột ngột có thể cuốn đi cả gia đình, bao gồm cả trẻ em. Ngoài ra, do văn hóa cộng đồng, các con ở các gia đình gần nhau có thể tự rủ nhau đi chơi mà không có người lớn giám sát, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đuối nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phân tích.

Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác như: Trẻ em thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Việc dạy kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em chưa thường xuyên; Việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em chưa tốt; Nguồn lực cho công tác phòng, chống đuối nước còn ít... cũng là cũng là những nguyên nhân góp phần làm gia tăng số trường hợp tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.

Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 23 về đảm bảo quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, trong chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ ngành triển khai các giải pháp can thiệp giảm tử vong do đuối nước trẻ em. Quy định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương đơn vị nếu để xảy ra tử vong do đuối nước trẻ em, xử lý nghiêm kịp thời nếu để xảy đuối nước trẻ em.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm giảm nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em, tử vong do đuối nước cho trẻ em. Trong năm 2019, đã có 4.000.000 hộ gia đình đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn; 8.000 trường học an toàn; 200 xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em...

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/lan-toa-hieu-qua-cac-chuong-trinh-phong-chong-duoi-nuoc-tre-em/403997.vgp