Lan tỏa giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Cô giáo Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM) cùng 150 học sinh (HS) của trường đã hoàn thành xong dự án dạy học có tên 'Trong tiếng Việt, sáng hồn Việt'. Trải qua 3 tháng thực hiện, thông điệp cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được cô Minh Hương và các em HS truyền đi một cách thú vị và độc đáo.

Cùng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Chia sẻ về lý do chọn đề tài nói trên, cô Minh Hương cho rằng, tiếng Việt đa dạng và phong phú đã tạo nên nét đẹp riêng cho dân tộc Việt. Là người Việt Nam, chúng ta tự hào khi sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Thế nhưng thực tế hiện nay, tiếng Việt đang dần bị biến chất, báo động một thực trạng sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện… Thực trạng trên đòi hỏi những công dân yêu nước phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đó cũng là cách giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Qua dự án này, cô Minh Hương mong muốn các em HS thu được nhiều kiến thức liên quan về đặc điểm loại hình của tiếng Việt, những yêu cầu trong sử dụng tiếng Việt; các em nhận thức được sự trong sáng là một trong những phẩm chất của tiếng Việt; Nắm được các phương diện biểu hiện sự trong sáng của tiếng Việt, để từ đó, các em biết cách sử dụng các kĩ năng nói và viết nhằm đạt được sự trong sáng của tiếng Việt; Biết phát hiện và khắc phục những hiện tượng làm vẩn đục tiếng Việt và có kĩ năng cảm thụ, đánh giá cái hay, cái đẹp của những lời nói, câu văn trong sáng; Và quan trọng, các em hiểu được trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngoài ra, khi tham gia dự án, các em cũng học được những kỹ năng cần thiết như thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán, xử lý thông tin...

150 HS tham gia dự án được chia làm 10 nhóm. Nhóm họa sĩ có nhiệm vụ vẽ tranh và sáng tác truyện tranh tuyên truyền, cổ động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhóm điện ảnh làm một bộ phim ngắn đưa đến thông điệp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Còn nhóm kinh doanh thiết kế sản phẩm trò chơi mang tính giáo dục, có thể kinh doanh thu lợi nhuận tích hợp việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Ở nhóm giáo dục, các em vào vai là những nhà giáo dục có nhiệm vụ làm ra các sản phẩm giúp cho việc giảng dạy của giáo viên hiệu quả, nâng cao tình yêu tiếng Việt cho học sinh. Có thể thực hiện sản phẩm là những trò chơi, thẻ đọc sách thông minh tại thư viện hoặc lớp học gia đình. Tương tự, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu, nghiên cứu về thực trạng sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay. Để làm được những công trình nghiên cứu khoa học tại các trường học, thư viện, công viên…, các em đóng vai là những nhà điều tra xã hội học.

Nhóm báo chí có nhiệm vụ sử dụng truyền thông đưa tin tức, hay những chuyên mục liên quan đến việc sử dụng tiếng Việt để làm tạp chí giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hoặc các clip phóng sự. Đặc biệt, nhóm lập trình viên phụ trách làm phần mềm game là những trò chơi điện tử dùng kiến thức của bộ môn tiếng Việt và hướng tới rèn luyện việc sử dụng tiếng Việt. Ngoài ra còn có các nhóm sáng tác, nhóm sân khấu và nhóm quảng bá, làm các phần việc như làm thơ, sáng tác truyện, nhạc về thực trạng sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay hay dùng nghệ thuật sân khấu để tuyên truyền việc gìn giữ tiếng Việt cho mọi người.

Những bài học bổ ích

Em Đàm Thanh Tú (học lớp 12A5, Trường THPT Phú Nhuận) chia sẻ: “Khi tham gia dự án “Trong tiếng Việt - sáng hồn Việt”, em cảm thấy rất hứng thú và thu được thêm nhiều điều bổ ích. Đầu tiên em nhìn lại bản thân mình xem thời gian qua mình có sử dụng những từ, cụm từ quá “xì tin” hay không, có sử dụng từ nửa Anh nửa Việt không… để tự mình ý thức thay đổi, điều chỉnh. Và quan trọng là tuyên truyền cho các bạn cùng trường hiểu được ý nghĩa của việc sử dụng tiếng Việt đúng và gìn giữ vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt”.

Em Nguyễn Thị Kim Ngân (cũng học lớp 12A5) tham gia vào nhóm kinh doanh, cho biết, nhóm của em đã thiết kế ra một trò chơi (tương tự như trò chơi Cờ tỷ phú), người chơi sẽ phải vượt qua những câu hỏi liên quan đến Văn học để trau dồi thêm kiến thức. Cả nhóm luôn có sự bàn bạc và đi đến thống nhất khi xây dựng trò chơi nên thấy được vai trò của sự đoàn kết cũng như mọi người xích lại gần nhau hơn.

Cô Trịnh Thị Minh Hương cho biết: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có HS, những người thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong giao tiếp, học tập, nghiên cứu. Và việc giữ gìn này phải có sự nỗ lực trên các phương diện: Tình cảm, nhận thức và hành động. Trước tiên mỗi HS cần có tình cảm yêu mến và ý thức quý trọng tiếng Việt.

Thông qua dự án này, theo tôi các em đã truyền đi một tình yêu tiếng Việt cho bạn bè, người thân và lực lượng khác trong xã hội, góp phần lan tỏa kêu gọi mọi người chung tay ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc”.

Trong thời gian tới, dự án sẽ hợp tác với các trường THPT khác trong cụm để triển khai rộng rãi hơn. Đến năm học tiếp theo, dự án sẽ liên kết với các trường THCS thực hiện dự án theo năng lực của học sinh. Về lâu dài, dự án mong muốn hình thành trang web có chức năng chính là “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhằm cung cấp kiến thức, đưa tin tức, viết bài nghiên cứu… qua đó tạo thói quen sử dụng tiếng Việt trong sáng cho mọi người dân, nhất là giới trẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/lan-toa-giu-gin-su-trong-sang-cua-tieng-viet-3912035-b.html