Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống dịp Tết trung thu

Giữa cuộc sống hiện đại, các sản phẩm đồ chơi nhựa lấn át những món đồ dân gian truyền thống từng vang bóng một thời, nhưng vẫn có những người 'giữ lửa' để mỗi mùa Trung thu đến, mâm cỗ đêm rằm thêm màu sắc dân gian truyền thống.

“Người giữ lửa Trung thu”

Gần 60 thập kỷ qua, nghệ nhân Phùng Đình Giáp (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn đắm đuối nghề làm phỗng đất. Ông cũng là “nghệ nhân” cuối cùng làng Hồ giữ hồn phỗng đất truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm với nghề chưa mùa Trung thu nào, gia đình ông thiếu vắng bộ phỗng đất Trung thu. Theo ông Phùng Đình Giáp, một bộ phỗng Trung thu truyền thống gồm có: Ông phỗng phật, ông phỗng đứng, ông phỗng ếch, chim bồ câu, con rùa. Phỗng được nặn từ đất thó lấy dưới lòng đất sâu khoảng 2m và được phơi nhiều ngày cho khô, rồi được khoác thêm một lớp điệp trắng, vẽ màu bằng loại màu làng Đông Hồ.

Trước đây, bộ phỗng đất được bày bán nhiều tại các sạp chợ lớn, nhỏ, nhưng nay, chỉ xuất hiện tại làng Hồ. Giá thành mỗi con phỗng có giá 20 nghìn đồng, so với đồ chơi hiện đại, bộ phỗng không được nhiều người quan tâm. Giá thành rẻ, thu nhập với nghề không đủ sống nhưng ông Phùng Đình Giáp vẫn đắm đuối với nghề. Qua truyền thông, nhiều năm nay, ông Phùng Đình Giáp tham gia sự kiện tại Bảo tàng, hội thảo, wookshop để giới thiệu nghề phỗng đất. Tháng 9 vừa qua, ông tham gia chương trình "Trung thu 2020: Người giữ lửa" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và sự kiện workshop “Phỗng đất xưa - hồn Kinh Bắc” tại Hà Nội. Với ông, mỗi lần tham gia các sự kiện cộng đồng là cơ hội được quảng bá nghề truyền thống để đồ chơi dân gian truyền thống không bị mai một.

Ngoài ông Phùng Đình Giáp còn kể đến bà Nguyễn Thị Tuyến làm đèn ông sao, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền làm đèn kéo quân, nghệ nhân Nguyễn Hương Thủy làm hoa giấy, nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa làm mặt nạ giấy bồi... Họ được gọi là “người muôn năm cũ” giữ lửa đồ chơi dân gian không vắng bóng trên mâm cỗ đêm rằm.

Du khách trải nghiệm làm chiếc đèn ông sao và ông đánh gậy trông trăng dưới sự hướng dẫn cho cô Nguyễn Thị Tuyến.

Du khách trải nghiệm làm chiếc đèn ông sao và ông đánh gậy trông trăng dưới sự hướng dẫn cho cô Nguyễn Thị Tuyến.

Lan tỏa đến giới trẻ

Từ thông điệp gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc từ những “người muôn năm cũ”, nhiều đội ngũ trẻ đã có chương trình, ý tưởng làm sống lại đồ chơi dân gian một thời vang bóng trong đời sống hiện đại.

Có thể kể tới sự kiện workshop “Phỗng đất xưa - hồn Kinh Bắc” do lớp học Hồng Xiêm tổ chức nhằm giới thiệu đến các bạn trẻ về đồ chơi dân gian phỗng đất và cách bài trí mâm ngũ quả truyền thống. Qua sự kiện, nhiều ý kiến bày tỏ niềm yêu thích với phỗng đất, dù đây là lần đầu tiên thế hệ 8X, 9X ở các tỉnh, thành được biết đến phỗng đất, được tham gia trải nghiệm nặn phỗng, tô màu,…

Là người khởi xướng chương trình, chị Phương – chủ nhiệm lớp học Hồng Xiêm cho biết, ngay từ nhỏ chị được sống vùng quê cùng bà nên khi có dịp gặp gỡ với ông Phùng Đình Giáp, được ngửi mùi đất giống như mùi rơm rạ ở quê, bao ký ức tuổi thơ ùa về. Với chị Phương, gìn giữ đồ chơi dân gian không chỉ là buổi giới thiệu thông thường mà còn là sự tương tác, trải nghiệm thực tế.

Với phương thức hoạt động du lịch trải nghiệm, dự án “Về làng” của anh Ngô Quý Đức nhận được nhiều chú ý của giới trẻ. Thủ lĩnh của “Về làng” từng chia sẻ ý nghĩa dự án nhằm giữ văn hóa làng nghề, gìn giữ những nghề thủ công truyền thống của Việt Nam trong đời sống hiện đại ngày nay. Không chỉ vậy, dự án sẽ cùng với những người nghệ nhân, những người thợ thủ công có những hoạt động để lan tỏa, làm sống lại những sản phẩm tưởng chừng đã bị mai một. Ngày 20-9 vừa qua, dự án “Về làng” tổ chức chương trình “Rước đèn Trung thu & đón ông Tiến sĩ giấy”. Chuyến đi nhận được đăng ký tham gia trải nghiệm của hơn 30 người, có cả các em thiếu nhi và phụ huynh tham gia.

Tại đây, mỗi du khách trải nghiệm làm chiếc đèn ông sao và ông đánh gậy trông trăng dưới sự hướng dẫn cho cô Nguyễn Thị Tuyến. Nhìn ánh mắt lấp lánh của các em nhỏ khi tự tay làm chiếc đèn ông sao như món quà thương nhớ mùa Trung thu 2020 dành tặng cho chính mình. Trước đó, dự án “Về làng” đã cùng các nghệ nhân mang đến sự trải nghiệm đầy thú vị về những món đồ chơi dân gian là làm đèn ông sao và vẽ mặt nạ giấy bồi tới trụ sở Liên hiệp quốc tại Việt Nam nhân dịp Trung thu 2020.

Không chỉ giữ gìn, các bạn trẻ phát huy các giá trị sáng tạo từ các vật liệu truyền thống. Ngày 30-9, triển lãm “Trăng ta” do nhóm dự án “Họa sắc Việt” tổ chức tại Trung tâm Văn hóa, sáng tạo IVINA Hub (quận Tây Hồ) mang đến cảm nhận rõ nét về món đồ chơi đầu sư tử. Các họa sĩ “Họa sắc Việt” tổ chức trưng bày món đồ chơi đầu sư tử phục dựng và đầu sư tử sáng tạo, các sản phẩm thiết kế ứng dụng họa tiết đầu sư tử cùng không gian giới thiệu đồ chơi dân gian, các sản phẩm nghệ thuật được sưu tầm và tái hiện bởi nhiều nghệ sĩ trẻ. Triển lãm còn có các khu vực trải nghiệm, như: workshop vẽ đầu sư tử giấy bồi; workshop làm chong chóng, đèn ông sao, đèn kéo quân... phục vụ nhu cầu tương tác, cảm nhận về nghề làm đồ chơi truyền thống Trung thu của dân tộc.

Giới thiệu về chương trình triển lãm “Trăng ta”, đại diện nhóm “Họa sắc Việt” cho biết, chương trình nhằm mục tiêu lan tỏa đến cộng đồng không chỉ tinh thần lưu giữ và trân trọng những giá trị xưa cũ. Thông qua triển lãm, có thể truyền một phần cảm hứng đến mọi người hãy luôn tìm cách làm mới “những điều xưa cũ” để tự thân những giá trị ấy có một sức sống lâu bền trong dòng chảy văn hóa, thay vì chỉ nằm yên lặng trong các bảo tàng. Một triển lãm nơi tất cả chúng ta có thể chứng kiến dòng chảy “xưa cũ” và “mới mẻ” được tiếp nối và hài hòa.

Giữa sắc màu các đồ chơi hiện đại, đồ chơi dân gian vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng những người trân quý giá trị văn hóa truyền thống. Thế nhưng, để hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống phát huy hiệu quả tích cực cần sự chung tay của cộng đồng và xã hội, trong đó vai trò lớn từ các Bộ, ban, ngành văn hóa để giữ gìn bản sắc dân tộc trong trào lưu hội nhập, toàn cầu hóa.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lan-toa-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-dip-tet-trung-thu-211914.html