Lan tỏa điều tốt đẹp từ những tác phẩm về Bác

Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là mảng đề tài quan trọng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật ở thành phố mang tên Bác, thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ thành phố. Từ đó, nhiều tác phẩm có giá trị đã ra đời và lan tỏa sâu rộng trong công chúng.

Vở cải lương Bức chân dung huyền thoại, một tác phẩm sân khấu mang đề tài về Bác Hồ của Nhà hát Trần Hữu Trang.

Đầu năm 2017, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B (Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh) giới thiệu đến khán giả TP Hồ Chí Minh vở Dấu xưa (kịch bản Nguyễn Thanh Bình, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc). Ðây là vở kịch do Thành ủy TP Hồ Chí Minh cấp kinh phí để sân khấu 5B dàn dựng. Nội dung của vở nói về chuyến đi công tác của Bác ở một xã miền bắc để tìm hiểu công trình làm thủy lợi. Trong khi người dân ở xã đều đồng ý giao đất để đào mương thì chỉ có ông cựu Lý trưởng là không đồng tình khiến cho công việc chung bị cản trở. Ðây là câu chuyện có thật, tác giả Nguyễn Thanh Bình đã phát triển thêm để thành một kịch bản sân khấu hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua 90 phút, hình ảnh của Bác hiện lên giản dị, gần gũi qua từng việc nhỏ nhưng lại có sức lay động rất lớn. Những bài học về quản lý đất đai, về trách nhiệm của người lãnh đạo với dân trong Dấu xưa vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

Dấu xưa chỉ là một trong số các tác phẩm có chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được đánh giá cao tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây. Không chỉ trên lĩnh vực sân khấu, những tác phẩm văn học, nghệ thuật về Bác có chất lượng còn xuất hiện ở chín hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Từ âm nhạc, mỹ thuật, văn học, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh… đều có những tác phẩm tạo được ấn tượng tốt trong lòng công chúng khi đề cập đến hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chủ đề không dễ, nhưng bằng tấm lòng của các nhạc sĩ đối với Bác cùng với tinh thần trách nhiệm cao của người nghệ sĩ, các tác giả đã sáng tác những ca khúc có chiều sâu và gần gũi với người nghe. Những ca khúc như Lời Bác sáng Biển Ðông (Trần Long Ẩn), Dấu xưa (Nguyễn Quang Vinh), Cần, Kiệm, Liêm, Chính (Lê Văn Lộc), Tấm gương sáng (Nguyễn Ðức Trung)… đã tạo được nhiều cảm xúc cho người nghe.

Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ năm 2011, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức nhiều chuyến đi "Về nguồn" cho anh em văn nghệ sĩ ở các Hội chuyên ngành. Từ Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn, chiến trường xưa Ðiện Biên Phủ,… hay những chuyến đi đến vùng biên giới, hải đảo xa xôi, gặp gỡ những nhân vật điển hình, đã thật sự khơi nguồn cảm xúc trong mỗi nghệ sĩ tham gia. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật về Bác ra đời từ những chuyến đi nhiều ý nghĩa như thế. Nhà văn trẻ Võ Thu Hương cho biết, tham gia những chuyến đi về nguồn, chị đã có dịp tiếp xúc với nhiều tấm gương sáng khiến mình ngưỡng mộ. Và một trong những tấm gương đó đã trở thành nhân vật chính trong tác phẩm truyện ký "Chim sắt bay qua vùng bão" của nhà văn Võ Thu Hương được công chúng đón nhận. Cuốn sách nói về nhân vật Lê Thị Thu Nguyệt, một trong hai nữ biệt động đầu tiên của đội biệt động 159, với biệt danh Chim sắt. Tác phẩm đã nhận giải B của Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của thành phố trong đợt 2 (2013 - 2015).

Từ những kết quả đạt được, TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát động Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với việc tiếp tục tạo điều kiện cho lực lượng sáng tác thành phố có thêm nguồn cảm hứng sáng tác, công tác quảng bá tác phẩm cũng được thành phố quan tâm. Ðược Thành ủy TP Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí, Sân khấu nhỏ 5B đã trình diễn vở kịch Dấu xưa phục vụ khán giả ở các ban, ngành, quận, huyện, trong thành phố và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Gần đây, vở Bức chân dung huyền thoại của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (tác giả Ngọc Trúc, chuyển thể cải lương Trúc Giang; đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đầu tư, không chỉ biểu diễn ở thành phố mà còn đi diễn phục vụ cho khán giả một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, những ca khúc hay về chủ đề Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được dàn dựng và phổ biến thường xuyên trong các chương trình "Sắc màu âm nhạc" của Ðài Truyền hinh TP Hồ Chí Minh (HTV), chương trình "Niềm tin sáng mãi" của Ðài Phát thanh TP Hồ Chí Minh (VOH), chương trình Nhạc cách mạng xuống phố ở một số quận, huyện. Họa sĩ Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần có thêm nhiều hình thức quảng bá những tác phẩm về Bác sao cho phù hợp với mỗi lĩnh vực nghệ thuật. "Các hội viên mỹ thuật có nhiều tác phẩm đẹp về đề tài làm theo tấm gương của Bác nhưng vẫn chưa có không gian trưng bày phù hợp. Chúng tôi đang nghĩ đến việc liên kết với các điểm trưng bày của tư nhân để mang tranh đến gần hơn với công chúng", họa sĩ Huỳnh Văn Mười chia sẻ.

Với sự quan tâm sát sao của lãnh đạo thành phố, tình cảm chân thành dành cho Bác Hồ kính yêu, đội ngũ văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để từ đó, những điều tốt đẹp tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng hơn trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Võ Mạnh Hảo

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36421002-lan-toa-dieu-tot-dep-tu-nhung-tac-pham-ve-bac.html