Lan tỏa chương trình IPM, hướng tới 'sức khỏe cây trồng'

Việt Nam cần tiếp cận chương trình IPM theo hướng 'sức khỏe cây trồng', xây dựng thương hiệu cho nền sản xuất có chất lượng về về môi trường – xã hội, tính nhân văn.

Ngày 3/11, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị tổng kết khóa đào tạo giảng viên IPM (TOT) trên cây lúa vụ mùa năm 2020 tại các tỉnh phía Bắc.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, lãnh đạo Cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia...

Xây dựng lực lượng nòng cốt cho chương trình IPM

Với mục tiêu từng bước xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả, an toàn, năm 2020, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương tái khởi động chương trình IPM (Integrated Pests Management - Chương trình quản lí dịch hại tổng hợp), trước hết là trên sản xuất lúa tại hai vựa lúa lớn ở ĐBSH và ĐBSCL.

Để tạo nền móng cho sự lan tỏa chương trình IPM, Bộ NN-PTNT, với sự ủng hộ nguồn lực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, đã giao Cục BVTV triển khai các khóa đào tạo giảng viên IPM nhằm xây dựng lực lượng hạt nhân, tiến tới đào tạo, tập huấn IPM cho các địa phương.

Với phương pháp TOT – Training of trainers (đào tạo giảng viên), 30 học viên của khóa tập huấn đến từ 12 tỉnh/thành phía Bắc được lựa chọn khóa đào tạo kéo dài 105 ngày (tại Trung tâm BVTV phía Bắc – Cục BVTV). Đây là những người có chuyên môn sâu, được các chi cục bảo vệ thực vật, địa phương lựa chọn kỹ càng để học và về truyền đạt lại cho cấp cơ sở.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa đào tạo TOT về IPM. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao chứng nhận cho các học viên hoàn thành khóa đào tạo TOT về IPM. Ảnh: Lê Bền.

Kết thúc khóa đào tạo, các học viên đã hoàn thành các nội dung chuyên sâu về chương trình Quản lí dịch hại tổng hợp (IPM), với các kiến thức và kỹ năng chuyên môn như các nguyên tắc về PIM; các biện pháp kỹ thuật IPM và liên quan (như ICM, SRI, 3 giảm – 3 tăng, canh tác kết hợp lúa - /cá/tôm bền vững...); các vấn đề về an toàn thực phẩm.

Học viên cũng được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn như nghiên cứu đồng ruộng; hệ sinh thái; snh lí của cây lúa; sinh vật gây hại và các biện pháp quản lí; sinh vật có ích và các biện pháp quản lí; nuôi côn trùng; vòng đời và mạng lưới thức ăn; thuốc bảo vệ thực vật; các kỹ năng điều tra, đánh giá...

Bên cạnh đó, học viên đã được các chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm về chương trình IPM tại Việt Nam trực tiếp giảng dạy chuyên sâu về các kỹ năng truyền thông về IPM như: Truyền thông về đấu tranh sinh học trong IPM; truyền thông về công tác BVTV trong tình hình mới; truyền thông về hệ sinh thái; tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp...

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, khi kiểm tra đầu vào về chương trình IPM, tỉ lệ học viên đạt từ khá trở lên chỉ 65%. Tuy nhiên qua 105 ngày đào tạo, các học viên nhìn chung đã tiếp thu được kiến thức, trao đổi, thảo luận và trực tiếp thực hành ngoài đồng ruộng. Kết thúc khóa đào tạo, 100% học viên đã đạt kết quả tốt tại bài kiểm tra cuối khóa.

Trong khuôn khổ khóa đào tạo, Trung tâm BVTV phía Bắc cũng đã phối hợp với UBND 5 xã/thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tổ chức 5 lớp huấn luyện nông dân (FFS), với tổng số 150 nông dân tham gia trên cây lúa vụ mùa năm 2020. Đây cũng chính là nơi để các học viên trực tiếp triển khai tập huấn cho nông dân từ các kiến thức đã học trong khóa đào tạo.

Kết quả tại các điểm thí nghiệm áp dụng chương trình IPM trên lúa vụ mùa 2020 cho thấy: Khi áp dụng quản lí hệ sinh thái theo IPM (phun thuốc khi cần thiết), bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, tăng ka-li), lịch bón phân phù hợp..., giúp cây lúa sinh trưởng tốt, trỗ bông đều, năng suất cao hơn phương pháp thông thường mà nông dân áp dụng, đồng thời giảm được chi phí sản xuất...

Xã hội hóa, huy động nguồn lực để lan tỏa IPM

Phát biểu tại lễ tổng kết khóa đào tạo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Chương trình IPM đã được đưa vào Việt Nam rất sớm từ những năm 1990, qua đó đã có giai đoạn lan tỏa, được nông dân đón nhận và áp dụng rộng rãi, mang lại những tác động rất tích cực cho sản xuất lúa... Tuy nhiên những năm gần đây, việc áp dụng IPM trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó có sản xuất lúa lại có xu hướng chững lại do nhiều nguyên nhân.

Mô hình "ruộng lúa bờ hoa", một trong những cách tiếp cận độc đáo theo nguyên lý của chương trình IPM về phòng trừ dịch hại tổng hợp. Ảnh: TL.

Trong khi đó, là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn về nông sản, sản xuất nông nghiệp nước ta đang đòi hỏi yêu cầu không chỉ ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mà còn yêu cầu cả về yếu tố môi trường – xã hội hài hòa, bền vững. Yếu tố về môi trường, xã hội trong sản xuất cũng sẽ là xu hướng ngày càng ngặt nghèo mà các thị trường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sẽ áp dụng...

Vì vậy với việc đẩy mạnh lan tỏa áp dụng chương trình IPM, đây sẽ là chìa khóa nhằm đáp ứng được các yêu cầu, xu thế của thời đại trong sản xuất nông nghiệp, vừa giúp sản phẩm đảm bảo năng suất, chất lương, giảm được chi phí sản xuất, tăng giá trị, đồng thời bền vững với môi trường sinh thái, nhất là phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nước ta.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết thông qua các lớp đào tạo giảng viên nguồn IPM, sẽ là hạt nhân để tạo lan tỏa ra các địa phương trên cả nước trong thời gian tới. Bộ NN-PTNT cũng sẽ ưu tiên giành nguồn lực, huy động thêm nguồn lực quốc tế để chương trình IPM tới đây sẽ được triển khai áp dụng sâu rộng trong sản xuất, không chỉ với sản xuất lúa mà còn đối với nhiều loại cây trồng khác như cây ăn quả, cây công nghiệp, rau...

Trước mắt trong năm 2021, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo Cục BVTV tiếp tục mở thêm các khóa đào tạo giảng viên IPM tại các vùng khác trên cả nước, nhất là Tây Nguyên. Bộ NN-PTNT cũng sẽ nghiên cứu cơ chế nhằm xã hội hóa, tập trung nguồn lực cho việc đẩy mạnh áp dụng IPM.

Trong đó, coi các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất, từ các doanh nghiệp sản xuất cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản... đều phải có trách nhiệm gắn kết, có cơ chế giành nguồn lực và phối hợp triển khai áp dụng chương trình IPM.

Bởi đây là trách nhiệm chung của các thành phần trong chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản, với mục tiêu chung cùng phải xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng...

Tại hội nghị, ông Hoàng Minh Tú, đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng: Giai đoạn tới, chương trình IPM tại Việt Nam sẽ cần phải có cách tiếp cận theo hướng “sức khỏe cây trồng”. Bởi hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn về nông sản, có vai trò đảm bảo cả cho an ninh lương thực – thực phẩm của thế giới.

Nông sản Việt Nam không chỉ sẽ phải từng bước đảm bảo những yêu cầu, điều kiện về cạnh tranh nông sản như năng suất, chất lượng nữa, mà còn phải đảm bảo các yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu cho một nền sản xuất có chất lượng về các yếu tố về môi trường – xã hội, tính nhân văn...

“Hiện nay, mới chỉ có Úc và Hà Lan là hai quốc gia rất phát triển về nông nghiệp đi theo hướng tiếp cận sản xuất nông nghiệp theo hướng sức khỏe cây trồng. Đây sẽ là xu hướng mà Việt Nam cần phải coi trọng trong giai đoạn tới” – ông Hoàng Minh Tú nêu quan điểm.

LÊ BỀN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lan-toa-chuong-trinh-ipm-huong-toi-suc-khoe-cay-trong-d276907.html