Lan tỏa chương trình 712- Hiệu quả từ công tác truyền thông

Chương trình quốc gia 'Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020' (gọi tắt là hương trình 712) sau gần 10 năm triển khai đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Đóng góp vào thành công này không thể không nói đến vai trò của công tác truyền thông - đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của dự án.

Hiện nay, chương trình năng suất chất lượng quốc gia 712 đã triển khai được gần 10 năm ở các Bộ/ngành, địa phương với nhiều kết quả nổi bật, nhiều cá nhân, doanh nghiệp điển hình đã được hỗ trợ từ chương trình và năng suất chất lượng đã tăng lên rõ rệt (có nhiều doanh nghiệp báo cáo sau khi được hỗ trợ tư vấn và áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất thì năng suất của doanh nghiệp đã tăng lên 30-40% so với trước khi áp dụng). Cùng với kết quả trên sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông với nhiều hình thức khác nhau như báo in, báo ảnh, báo mạng, đài phát thanh và truyền hình …. đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà sản xuất, người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam và tầm quan trọng đối với việc nâng cao năng suất chất lượng ( NSCL) của doanh nghiệp khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, năng suất chất lượng là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, của nền kinh tế quốc dân khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ThS. Ngô Văn Trường- Trung tâm Thông tin Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Tổng Cục TCĐLCL, cho biết: trong những năm qua chúng tôi đã hợp tác với nhiều cơ quan truyền thông trong nước để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách của nhà nước cũng như các thành tựu đạt được thông qua triển khai các mô hình điểm tại các doanh nghiệp theo Chương trình 712.

“Đặc biệt, năm 2018 chúng tôi đã triển khai Nhiệm vụ 01.2/2018-DA2 “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Năng suất chất lượng trên truyền hình năm 2018”. Cụ thể chúng tôi đã hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện sản xuất và phát sóng 18 phóng sự tuyên truyền về năng suất chất lượng trên kênh VTV1, 01 Clip quảng bá về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia; 08 phóng sự cùng 04 tọa đàm phổ biến kiến thức về NSCL phát trên kênh VTV2. Các phóng sự, chương trình tọa đàm đã giúp khán giả truyền hình, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ quản lý và các phương pháp để nâng cao năng suất chất lượng để từ đó định hướng hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn đạt mục đích nâng cao năng suất chất lượng”, ông Trường cho biết.

Bên cạnh đó các phóng sự, tọa đàm đã giúp cho nhà quản lý, nhà nghiên cứu, người xem truyền hình và người làm tuyên truyền khi tiếp cận các doanh nghiệp hiểu để tư vấn như thế nào cho phù hợp và làm thế nào để các doanh nghiệp hiểu, thích, muốn áp dụng các công cụ như 5S, LEAN, TQM, MFCA, các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, ISO14000, ISO 27000, ISO 51000, SA 8000,... để giúp doanh nghiệp giảm những lãng phí, quản trị hiệu quả hơn, mạnh lên.

Với đặc thù truyền thông trên truyền hình nên các chương trình đều được ghi hình thực tế tại doanh nghiệp nên thông tin có độ chính xác cao,tính chuyên môn sâu, được lượng lớn khán giả truyền hình đón nhận và đã truyền tải được khối lượng kiến thức lớn về NSCL đến các tầng lớp dân cư.

Cũng theo ông Ngô Văn Trường “ Các phóng sự, clip đều được phát sóng vào các khung giờ vàng trên sóng VTV1 nên tỷ lệ khán giả truyền hình xem cao, theo tỷ lệ đo rating của Đài Truyền hình Việt Nam khung giờ thời sự có lượng khán giả khoảng từ 3-9 triệu lượt người xem. Do vậy, mục đích truyền thông về cơ bản đạt được yêu cầu cả về nội dung và hiệu quả truyền thông thông qua số lượng người xem chương trình”.

Nội dung chính của các phóng sự tuyên truyền phổ biến kiến thức về NSCL, tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng như liên quan đến thực tiễn áp dụng và hiệu quả áp dụng các công cụ cải tiến năng suất ở các doanh nghiệp Việt đã thực sự giúp cho doanh nghiệp nhận biết được lợi ích của công tác cải tiến năng suất chất lượng nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang suy giảm hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn về tài chính nhưng lại phải duy trì sự tồn tại, ổn định và phát triển, trong đó việc tái cấu trúc, các doanh nghiệp cần phải chú trọng sử dụng các hệ thống quản lý, công cụ tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp hơn lúc nào hết, cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía nhà nước để nâng cao năng lực của mình một cách bền vững và góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, các tọa đàm lại nêu bật được các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước hiện nay cho doanh nghiệp cũng như sự quyết tâm nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm thông qua việc rà soát các điều kiện kinh doanh bị chồng chèo, sửa đổi các VBQPPL đối với điều kiện kinh doanh tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm từ các mô hình doanh nghiệp đã chia sẻ giữa chuyên gia tư vấn năng suất và nhà doanh nghiệp đã áp dụng thành công công cụ cải tiến NSCL.

Có thể khẳng định, cùng với các kênh thông tin, truyền thông khác thì các phóng sự, tọa đàm được xây dựng và phát sóng trên VTV1 và VTV2 đã tạo hiệu ứng lan tỏa cao về phong trào nâng cao NSCL trong cả nước đến cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Thông qua đó, các doanh nghiệp chưa thành công hoặc chưa có điều kiện áp dụng nắm bắt thêm kinh nghiệm về cách thức nâng cao NSCL để có thể áp dụng vào doanh nghiệp của mình trong thời gian tới.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lan-toa-chuong-trinh-712-hieu-qua-tu-cong-tac-truyen-thong-124201.html