Lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước

Hướng về cơ sở, có chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, công tác thi đua khen thưởng của các cấp công đoàn Thủ đô thời gian qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo công nhân, viên chức, người lao động.

Hướng về cơ sở, có chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, công tác thi đua khen thưởng của các cấp công đoàn Thủ đô thời gian qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo công nhân, viên chức, người lao động.

Qua đó, thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của địa phương và các đơn vị.

Hiệu quả tích cực từ các phong trào thi đua

Phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLÐ) Thủ đô giai đoạn 2015 - 2020 đã được các cấp công đoàn triển khai một cách thường xuyên, liên tục và có sự tiếp nối. Ðiểm nhấn của các phong trào là đã chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và CNVCLÐ trực tiếp có sáng kiến, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Ðáng chú ý, để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới từ năm 2018, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã được Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) thành phố Hà Nội chuyển sang thực hiện xét chọn công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô”, từ đó làm cơ sở đề xuất Tổng LÐLÐ Việt Nam và UBND thành phố xét tặng bằng “Lao động sáng tạo” và bằng “Sáng kiến Thủ đô”. Qua ba năm phát động và thực hiện xét chọn theo quy định mới, phong trào tiếp tục được duy trì phát triển, khẳng định hiệu quả, tác dụng to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2020, từ phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến trong CNVCLÐ Thủ đô”, đã có 16.015 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến cấp cơ sở”; 960 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến cấp trên cơ sở”. Tiêu biểu là sáng kiến: “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí bằng cải tiến bản vẽ sản phẩm trước khi làm khuôn” của anh Hoàng Văn Thành, Công ty TNHH Canon Việt Nam. Với sáng kiến của mình, hằng năm anh đã giúp công ty giảm chi phí sửa khuôn, làm lợi 61,8 tỷ đồng/năm. Hay sáng kiến “Cải tiến lỗi hỏng 88 trên sản phẩm sứ” của công nhân Ðào Ngọc Tiến, Công ty TNHH Lixil Việt Nam đã làm lợi 2,8 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Khắc phục lỗi K35 nứt xoáy hồ WI-CW 889” của công nhân Vũ Xuân Tùng, Công ty TNHH Toto Việt Nam, làm lợi 2,9 tỷ đồng/năm...

Phó Chủ tịch LÐLÐ thành phố Lê Ðình Hùng đánh giá: Công tác thi đua, khen thưởng của các cấp công đoàn Thủ đô, giai đoạn (2015 - 2020) đã được đổi mới, có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt nhiều kết quả thiết thực. Ðã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu, nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. 5 năm qua, đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 11.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Qua lựa chọn, đã có 320 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, trong đó có 290 sáng kiến làm lợi hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến của CNVCLÐ được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tiếp tục hướng về cơ sở, tránh hình thức

Mặc dù đã thu được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLÐ ở một số đơn vị chưa được duy trì thường xuyên, còn nặng về hình thức. Nhiều nơi chỉ chú trọng đến công tác khen thưởng, mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức phát động và duy trì các phong trào thi đua, cho nên hiệu quả chưa cao, chưa động viên, khích lệ, thu hút đông đảo CNVCLÐ tích cực tham gia, hưởng ứng. Công tác bình xét khen thưởng một số đơn vị còn chậm, thiếu tiêu chí đánh giá cụ thể, dẫn đến việc tổng kết, động viên, khen thưởng chưa kịp thời, chưa đúng và chưa trúng, tỷ lệ khen thưởng, động viên đối với CNVCLÐ trực tiếp còn ít.

Chủ tịch LÐLÐ thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai nhấn mạnh yêu cầu: Việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLÐ Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025 phải thiết thực, phù hợp thực tiễn, bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, địa phương, đơn vị và tổ chức công đoàn. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, quan tâm khen thưởng công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, những tập thể nhỏ. Ðồng thời, chú trọng phát hiện những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước và hoạt động công đoàn để tuyên truyền và nhân rộng.

Với mục tiêu hướng về cơ sở, vì đoàn viên, người lao động, thời gian tới, LÐLÐ thành phố Hà Nội phấn đấu hằng năm tất cả các công đoàn cơ sở đều triển khai phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; “Công nhân giỏi Thủ đô”. Tỷ lệ khen thưởng công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, công chức, viên chức không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở ít nhất là 90%; cấp trên cơ sở ít nhất 70%; khen thưởng cấp LÐLÐ thành phố ít nhất là 50%... Các cấp công đoàn cũng thường xuyên đổi mới phương thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua cho phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị, doanh nghiệp, tập hợp thu hút được đông đảo CNVCLÐ nhiệt tình tham gia. Khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chính xác, coi trọng công tác khen thưởng đột xuất, đặc biệt là quan tâm động viên phát huy những sáng kiến, cải tiến nhỏ trong sản xuất, để tập hợp thu hút đông đảo CNVCLÐ cùng tích cực tham gia.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/lan-toa-cac-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc-611350/