Lần thứ tư Tổng thống ở Mỹ bị Quốc hội luận tội

Sau khi Chủ tịch hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bắt đầu công việc soạn thảo điều khoản luận tội Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, nước Mỹ sẽ được chứng kiến lần thứ tư trong lịch sử Tổng thống đương nhiệm bị Quốc hội chính thức luận tội phế truất.

Phe Đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ hiện có thừa đa số để thông qua quyết định luận tội phế truất ông Trump và một khi vụ việc đã diễn biến đến mức độ như hiện tại thì phe này giờ không còn có sự lựa chọn nào khác ngoài “đâm lao phải theo lao”. Sau Andrew Johnson năm 1868, Richard Nixon năm 1973 và Bill Clinton năm 1998, ông Trump là Tổng thống Mỹ thứ tư bị Quốc hội chính thức khởi động quy trình luận tội phế truất.

Cho tới nay, chưa có Tổng thống đương nhiệm nào của nước Mỹ bị phế truất. Khi xưa, ông Johnson thoát hiểm bằng sự chênh lệch với 1 lá phiếu duy nhất trong Thượng viện Mỹ. Ông Nixon đã từ chức trước khi Thượng viện tiến hành biểu quyết về phế truất tổng thống đương nhiệm. Còn ông Clinton không bị phế truất do phe Đảng Cộng hòa không có đủ 2/3 trong Thượng viện.

Ông Trump hiện tại ở trong tình thế và tình trạng tương tự, có nghĩa là nhờ phe Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện và nhờ đảng này vẫn kiên định chủ trương ủng hộ nên ông Trump không phải lo ngại gì. Chuyện lần thứ tư xảy ra ở nước Mỹ nhưng ở vào thời điểm hiện tại mà dự đoán thì rồi kết cục của lần này cũng sẽ không khác những lần trước, tức là Tổng thống đương nhiệm không bị phế truất và ông Trump không từ chức. Sự khác biệt quan trọng và đáng chú ý nhất là ông Trump bây giờ phải vận động tranh cử nhằm mục tiêu được đắc cử tổng thống lần nữa.

Cách đây gần 20 năm, đa số dân Mỹ không ủng hộ việc Đảng Cộng hòa tiến hành luận tội phế truất ông Clinton. Bây giờ, tuy không phải đa số nhưng cũng có nhiều cử tri ở Mỹ ủng hộ việc luận tội phế truất ông Trump hơn. Bởi thế, chuyện Quốc hội luận tội phế truất Tổng thống chắc chắn sẽ có tác động tới tâm lý của cử tri Mỹ khi quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tới ở nước Mỹ.

Ông Trump tuy có thể dựa vào sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa trong Thượng viện để không bị phế truất, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với triển vọng được tái đắc cử tổng thống trong năm tới, bởi khi ấy không phải các vị dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa trong Thượng viện mà cử tri ở Mỹ mới là lực lượng quyết định. Có không ít cử tri ở Mỹ không ủng hộ Quốc hội luận tội phế truất Tổng thống mà muốn để cử tri dùng lá phiếu của họ quyết định số phận tương lai chính trị của ông Trump.

Cho nên chuyện Quốc hội luận tội phế truất Tổng thống đương nhiệm hiện tại ở Mỹ pha trộn lợi và hại đối với cả ông Trump lẫn phía Đảng Dân chủ. Có thể cử tri Mỹ không hài lòng với việc Đảng Dân chủ quyết chí đưa vấn đề này ra Quốc hội để phế truất ông Trump mà không để cử tri làm việc này thông qua lá phiếu của mình trong kỳ bầu cử tới nên sẽ “trừng phạt” đảng này vào cuộc bầu cử quốc hội trong năm tới. Nhưng cũng có thể cử tri Mỹ sẽ làm nốt việc mà phe Đảng Dân chủ đang làm...

Có thể ông Trump tuy thoát kiếp nạn là bị Quốc hội phế truất nhưng vẫn chưa thoát hiểm bởi phải sau cuộc bầu cử tổng thống tới thì mới biết được cử tri Mỹ phán quyết như thế nào. Tuy nhiên, điều hiện có thể chắc chắn được là bộ phận cử tri trung thành với ông Trump sẽ được khích lệ bởi chuyện ông Trump bị luận tội phế truất để càng quyết tâm giúp ông Trump duy trì được vị thế quyền lực hiện tại bằng mọi giá. Còn 11 tháng nữa mới đến ngày bầu cử Tổng thống và quốc hội mới ở Mỹ và khoảng thời gian này đủ dài để làm cho kịch bản nào cũng đều có thể xảy ra.

Thiên Nhai / Pháp luật Bốn phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-quan-sat/lan-thu-tu-tong-thong-o-my-bi-quoc-hoi-luan-toi-484112.html