Lần theo vết mực đỏ trên hũ tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2

Ông Dùng và ông Trực lần theo vết mực đỏ hay vết sứt để tìm lại hũ tro cốt của ông bà. Nhiều người khác đành tin vào linh cảm khi đứng giữa hàng trăm hũ sứ giống hệt nhau ở chùa.

Sáng 9/9, hơn trăm người dân đến chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) để nhận dạng hũ tro cốt của thân nhân. Nhiều hũ tro cốt gửi tại đây bị di dời khỏi tòa sen và rơi mất bảng tên, hình ảnh hương linh. Để lạc mất tro cốt của ông bà, người thân là nỗi đau đáu của họ suốt nhiều ngày nay.

Nhà chùa sắp xếp mỗi nhóm gồm 10 người, mỗi ngày 10 nhóm. Mọi người sẽ có khoảng thời gian 40 phút để nhận dạng tro cốt. Thời gian bắt đầu từ 7h30 sáng và kết thúc vào 16h30.

Vết mực đỏ trên hũ tro cốt

Bước ra từ hầm chứa tro cốt chùa Kỳ Quang 2, ông Bùi Minh Dùng (73 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) vui mừng khi là một trong những người đầu tiên nhận dạng được tro cốt người thân.

Theo ông Dùng, sự cố mất bảng tên trên hũ tro cốt quá lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm gia đình. Ngày 4/9, ông lên đăng ký với nhà chùa và có số thứ tự 21. Sáng 8/9, đại diện chùa Kỳ Quang 2 gọi điện thoại mời lên nhận diện tro cốt người thân.

'Tôi mừng phát khóc khi nhận ra hũ tro cốt của vợ' “Tôi là người đến đầu tiên và nhận ra hũ tro cốt của vợ. Tôi mừng phát khóc”, ông Minh Dùng chia sẻ.

“Tôi quá mừng khi nhà chùa đã thể hiện rõ trách nhiệm đối với những gia đình có tro cốt của thân nhân gửi tại đây. Hôm nay, tôi dậy sớm cúng gia tiên và xuống chùa. Sau 10 phút vào trong hầm, tôi đã tìm được tro cốt người thân”, ông Dùng nói.

Cầu mong mọi người sẽ may mắn giống gia đình tôi.

Ông Bùi Minh Dùng

Cũng theo ông, hũ cốt người thân ông dễ tìm bởi khi gia đình đưa ông bà vào thờ tự trong chùa, trên hũ sứ có chấm một vết mực đỏ.

Tìm được người thân, ông mừng muốn khóc. Ông quyết định tiếp tục để tro cốt người thân ở lại chùa để thờ tự vì "nếu ai cũng muốn đưa người thân đi nơi khác thì nhà chùa sẽ trống vắng".

“Cầu mong mọi người sẽ may mắn giống gia đình tôi. Hòa thượng Thích Thiện Chiếu rất đức độ, ông không chỉ nuôi dạy các trẻ mồ côi mà còn tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Đây là một sự cố không ai mong muốn, nên tôi mong mọi người cũng hoan hỉ bỏ qua để nhà chùa sửa sai”, ông Dùng nói.

Nhà ông Ngô Trung Trực (55 tuổi) ở sát cạnh chùa Kỳ Quang 2. Mười năm qua, từ khi gửi tro cốt của cha mẹ ở đây, ông đều ghé chùa thường xuyên để thắp nhang. Bản thân ông rất bất ngờ khi chứng kiến sự tắc trách của nhà chùa đối với tro cốt của bà con gửi.

Sáng nay, ông đến chùa cùng em gái. Hai anh em dựa vào đặc điểm nhận dạng trên hũ tro cốt của cha là có vết sơn đỏ và nắp hũ tro cốt của mẹ có một vết sứt mẻ.

"Thật ra mình cũng không quá kỳ vọng vào việc sẽ tìm đúng hũ tro cốt dựa vào đặc điểm này đâu. Vết nứt thì chắc gì chỉ có mỗi hũ của mẹ mình. Nhưng cứ dựa vào đó rồi nhờ vong linh của cha mẹ giúp mình tìm ra đúng chớ đừng nhầm của ai", ông Trực mong mỏi.

Đành tin vào linh cảm

Không nhiều người khắc dấu trên các hũ tro cốt gửi tại chùa như ông Dùng hay ông Trực. Hầu hết, mọi người lấy hũ ở chùa cho đồng bộ và bỏ tro cốt vào. Thứ duy nhất họ có thể trông cậy vào lúc này là tâm linh và trực giác bản thân.

Khi chưa xác định được thủ phạm thì không nên phê phán gay gắt nhà chùa.

Bà Nguyễn Thị Lan

Bà Nguyễn Thị Lan (43 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) là một trong những người tìm được tro cốt người thân dựa vào linh cảm.

Ngày 2/9, bà cùng người thân vội vã vào chùa khi hay tin hũ tro cốt người mẹ quá cố gửi trong chùa hơn 20 năm đã mất bảng tên. Dạo qua các hũ tro cốt để quanh các tòa hoa sen, linh tính mách bảo bà dừng trước hũ tro cốt bằng sứ không tên tuổi. Bà tin đó là tro cốt của mẹ mình.

Cũng theo bà Lan, bảng tên hũ tro cốt cũng được gia đình tìm thấy sau đó và áp vào hũ tro cốt thì trùng nguyên dấu vết. “Ai là người bóc bảng tên thì để công an vào cuộc điều tra. Tôi nghĩ khi chưa xác định được thủ phạm thì không nên phê phán gay gắt nhà chùa”, bà Lan bày tỏ.

 Đại diện chùa Kỳ Quang 2 cùng người thân xuống hầm để tro cốt để nhận dạng. Ảnh: Y Kiện.

Đại diện chùa Kỳ Quang 2 cùng người thân xuống hầm để tro cốt để nhận dạng. Ảnh: Y Kiện.

Ông Nguyễn Công Minh (59 tuổi) ngồi cạnh bàn đăng ký thông tin để nhận dạng tro cốt của bà ngoại. Cũng như phần đông người gửi tro cốt tại chùa, ông Minh không khắc dấu vết gì phía ngoài hũ.

Ông chia sẻ mấy hôm nay ông khấn nguyện bà ngoại phù hộ cho mình có thể tìm được đúng hũ tro cốt của bà. "Những lúc không biết bấu víu vào đâu để có niềm tin thì tôi hay cầu nguyện bà ngoại. Lần này cũng vậy. Tôi mong bà bằng cách nào đó mách bảo để tôi có thể ráp ảnh của bà lên đúng hũ tro cốt. Tôi nghĩ ai cũng đều như tôi, không mong muốn nhận nhầm của ai hết", ông Minh nói.

Đến buổi trưa, nhiều người vẫn tiếp tục đến chùa Kỳ Quang 2 khai thông tin và chờ đợi để được nhận dạng tro cốt.

Hoài Thanh - An Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lan-theo-vet-muc-do-tren-hu-tro-cot-o-chua-ky-quang-2-post1129303.html