Lần tập trung lực lượng lớn nhất của ZSU-23-4 Việt Nam

Trong quá khứ, Quân đội nhân dân Việt Nam từng tổ chức nhiều cuộc duyệt binh trên quy mô lớn với rất nhiều vũ khí, khí tài hiện đại được huy động.

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka được Liên Xô thiết kế trong giai đoạn 1957 - 1962. So với người tiền nhiệm ZSU-57-2 thì Shilka được đánh giá tốt hơn nhiều nhờ tốc độ bắn cao và được tích hợp radar điều khiển hỏa lực có thể theo dõi mục tiêu từ cự ly 6 - 10 km.

ZSU-23-4 chính thức vào biên chế phòng không lục quân Liên Xô vào năm 1962, giai đoạn sản xuất hàng loạt từ năm 1964 - 1982 với tổng số 6.500 hệ thống. Hiện nay các phiên bản ZSU-23-4 vẫn còn trong biên chế Quân đội Nga và tất cả những quốc gia từng sử dụng khác.

Tổ hợp ZSU-23-4 sử dụng khung gầm xe bánh xích GM-575. Trên tháp pháo là 4 pháo phòng không loại 2A7 cỡ nòng 23 mm với 2.000 viên đạn, tốc độ bắn 4.000 viên/phút, có thể bắn trúng các mục tiêu đang bay với tốc độ 450 m/s, tầm bắn hiệu quả lên tới 2.500 m.

Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 của Việt Nam trong cuộc duyệt binh chào mừng ngày quốc khánh 2/91975

Việt Nam được Liên Xô viện trợ ZSU-23-4 vào giai đoạn cuối của cuộc Kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên do số lượng hạn chế và chúng ta chưa thực sự quen với vũ khí cho nên loại pháo phòng không tự hành này ít có dấu ấn nào kể trên chiến trường.

Mặc dù vậy, vào thời điểm giữa thập niên 1970 thì đây vẫn là hệ thống phòng không lục quân hàng đầu của Việt Nam cũng như thế giới, sở hữu các tính năng kỹ chiến thuật vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh, vì dụ như M163 VADS do Mỹ chế tạo.

Chính vì vậy, trong Lễ duyệt binh chào mừng 30 năm Quốc khánh vào ngày 2/9/1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã huy động tới 16 tổ hợp ZSU-23-4 diễu qua lễ đài, đây có lẽ vẫn là lần tập trung số lượng lớn nhất của loại pháo phòng không tự hành này.

Tổ hợp pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M của Việt Nam vào thời điểm hiện tại

Hiện nay ZSU-23-4 Shilka không còn giữ vai trò chủ lực của lực lượng phòng không lục quân Việt Nam mà đã được điều chuyển sang làm "Cận vệ" cho những tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao S-300PMU-1.

Các kỹ sự quân sự Việt Nam đã tiến hành hiện đại hóa Shilka với những thiết bị nội địa, trong đó tập trung chủ yếu vào các bộ vi xử lý, tăng khả năng bám bắt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết cũng như kháng nhiễu.

Dự kiến vai trò của ZSU-23-4 sẽ chưa thay đổi trong tương lai gần, ít nhất là khi Việt Nam nhập khẩu thêm các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S hiện đại thì Shilka mới có thể được trả về cho Phòng không Lục quân.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/lan-tap-trung-luc-luong-lon-nhat-cua-zsu-23-4-viet-nam-3367419/